(TN&MT) - Tại buổi họp báo của UBND tỉnh Ninh Thuận vào chiều 3/7, ông Phan Tấn Cảnh - Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận, đã nhận sai sót liên quan đến việc hai lãnh đạo sở này cùng ký một văn bản đề xuất tỉnh xây dựng hạ tầng xung quanh bảo tàng tỉnh mà Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh. Cũng chính từ đây đã làm phát sinh nhiều hệ luỵ lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường đâu tư của tỉnh Ninh Thuận.
Nhận sai sót vì chưa thu hồi
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, vào ngày 28/12/2012, ông Phạm Văn Hậu (lúc đó làm Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, hiện làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) ký công văn 2444/SXD-QLHTĐT xin ý kiến UBND tỉnh chấp thuận dự án đường xung quanh nhà bảo tàng tỉnh. Cụ thể, phạm vi của dự án khoảng 65.535m2, trong đó đất xây dựng hạ tầng 22.214m2, đất giáp ranh Tượng đài 19,649m2 và đất trong khuôn viên Quảng trường 23.672m2. Trong khi đó, các con đường xung quanh nhà Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã được công khai, thi công và hoàn thành năm 2012. Nhưng tại văn bản số 110/ UBND-QHXD ngày 08/01/2013, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn phê duyệt đồng ý phương án theo công văn 2444 của Sở Xây dựng do ông Phạm Văn Hậu ký.
Trong quá trình thu thập thông tin về dự án này, chúng tôi rất bất ngờ có một công văn khác cùng ngày, cùng số 2444/ SXD - QLHTKT của Sở Xây dựng Ninh Thuận lại do ông Phan Tấn Cảnh (Phó giám đốc Sở, hiện làm Giám đốc Sở) ký đề xuất gửi UBND tỉnh có nội dung khác văn bản do ông Phạm Văn Hậu ký là “Phạm vi dự án khoảng 50.596m2, trong đó đất xây dựng hạ tầng 22.214m2, đất giáp ranh nhà bảo tàng tỉnh 19.649m2 và đất trong khuôn viên nhà bảo tàng 8.733m2”.
Theo ông Phan Tấn Cảnh, văn bản số 2444 của Sở Xây dựng Ninh Thuận ban đầu do ông Phạm Văn Hậu ký. Cùng ngày, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có cuộc họp về đề xuất Sở Xây dựng liên quan đến dự án này. “Sau cuộc họp, UBND tỉnh yêu cầu Sở ký một văn bản đề xuất mới về dự án này thay thế cho văn bản anh Hậu (tức ông Phạm Văn Hậu - PV) ký. Vì thế, tôi đã cho bộ phận chuyên môn soạn một văn bản cùng ngày, cùng số 2444 để thay thế văn bản của anh Hậu. Tôi đã có sai sót khi không huỷ văn bản anh Hậu ký mà đã ban hành một văn mới cùng số với văn bản này”. Trước câu hỏi của PV vì sao không huỷ văn bản 2444 do ông Phạm Văn Hậu ký thì ông Phan Tấn Cảnh nói rằng văn bản ông Hậu ký không phát hành ra ngoài nên không cần huỷ. Nhưng trên văn bản 2444 do ông Hậu ký được chuyển đến UBND tỉnh Ninh Thuận thì văn thư đã ghi số ngày đến là 2/1/2013. Khi PV hỏi tiếp tại sao ngày 28/12/2012 công văn 2444 chưa đến UBND tỉnh Ninh Thuận nhưng tỉnh đã tổ chức cuộc họp như ông Cảnh đề cập thì ông này nói rằng sẽ trả lời rõ và cung cấp thông tin lại cho Báo Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sớm nhất.
Phát sinh hệ luỵ lâu dài
Khi tận thấy chỉ một công văn 2444 nhưng do hai lãnh đạo Sở Xây dựng Ninh Thuận ký, bà Võ Huỳnh Phương Thảo (người đại diện pháp lý cho hai con bị thu hồi đất làm dự án này là ông là ông Nguyễn Vĩnh Huy và bà Nguyễn Võ Phương Hoàng) rất bức và cho rằng đây là cách thức để “hợp thức hoá” văn bản để thu hồi đất của dân. Theo bà Thảo, tại tờ bản đồ đính kèm của hai văn bản này lại có quá nhiều sai khác, phần đất nằm phía trụ sở Bảo hiểm Xã hội tỉnh Ninh Thuận thuộc đường Hoàng Diệu (phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) nằm ngoài khu vực phạm vi của dự án lại được vẽ thêm vào. Các khu vực chức năng ban đầu được ký hiệu A,B,C,D được đại diện Sở Xây dựng Ninh Thuận sửa đổi vẽ thêm khu E, từ phần vẽ thêm này kéo theo đất của hàng loạt hộ dân bị đưa vào diện thu hồi. Cụ thể từ 53 hộ dân bị thu hồi ban đầu theo thông báo số 81/TB-UBND ban hành ngày 15/8/2013 đã trở thành 63 hộ. Vì thế, bỗng nhiên đất của hai con bà Thảo bị đưa vào diện thu hồi, cưỡng chế một cách bất bình thường.
Theo hồ sơ điều tra của PV, tại thông báo số 81 của UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tổng diện tích đất thu hồi thuộc địa giới phường Tấn Tài để làm dự án là 20.185,9m2. Nhưng trên thực tế, diện tích đất mà UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thu hồi lên tới 22.546,6m2. Diện tích đất thu thêm này phải chăng là phần “lạm thu” có ý đồ từ trước của Sở Xây dựng Ninh Thuận? So sánh số liệu giữa tổng diện tích đất thu hồi theo thông báo số 81 và tổng diện tích đất thu hồi theo quyết định số 928/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (khoảng 16.926,5m2 - PV), phần chênh lệch đất bị thu hồi của người dân lên tới khoảng 5.620m2. Xuất phát từ sự vòng vèo này của Sở Xây dựng Ninh Thuận đã làm phát sinh nhiều hệ luỵ kéo dài và ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, môi trường đầu tư của tỉnh.
Phải chọn một trong hai văn bản?
Ông Trần Hải - Trưởng phòng quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là loại văn bản hành chính thông thường, không phải loại văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc ban hành văn bản hành chính thì hai văn bản cùng số 2444, cùng ngày tháng năm ký này không thể tồn tại lưu hành song song, mà phải chọn một trong hai. “Về tình huống thì chọn văn bản ông Cảnh ký sau. Nhưng về nguyên tắc thì chọn văn bản do ông Hậu ký trước vì ông Hậu là giám đốc, ông Cảnh chỉ là phó giám đốc giúp việc cho ông Hậu” ông Hải cho hay.
Còn theo ông Trần Quốc Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, người chủ trì buổi họp báo, văn bản ông Phạm Văn Hậu ký không còn lưu hành nội bộ mà đã ban hành ra bên ngoài nên đã nảy sinh yếu tố pháp lý. Vì vậy, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm phải cùng làm việc, soát xét lại toàn bộ thủ tục thực hiện dự án hạ tầng chung quanh Nhà bảo tàng tỉnh, các tình huống, nguyên tắc ban hành văn bản để chọn một trong hai văn bản trên và phản hồi cho các cơ quan báo chí.