Xã hội

Giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp trong giảm nghèo

Thanh Tùng 26/08/2024 - 19:33

UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, để công tác giảm nghèo bền vững ngày càng hiểu quả, bền vững hơn cần thiết phải giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như vay vốn qua ngân hàng chính sách để khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo.

Đời sống của người nghèo được cải thiện

Theo UBND huyện Lệ Thủy, trong những năm qua, các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quan tâm triển khai thực hiện, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Các mục tiêu, chỉ tiêu chính của Chương trình đã cơ bản đạt, tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt chỉ tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025 đề ra là giảm trung bình từ 1-1,5%/năm và phấn đấu đến năm 2025 giảm ½ số hộ nghèo, cận nghèo so với đầu thời kỳ, tính bền vững trong công tác giảm nghèo được cải thiện.

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ Đặng Thị Hồng Thắm cho biết, tổng nguồn lực huy động, bố trí cho thực hiện Chương trình năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 (không bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước chi cho các chính sách giảm nghèo thường xuyên) dành cho huyện được UBND tỉnh phê duyệt là 53 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là 10,7 tỷ đồng, nguồn vốn năm 2023 là 24,6 tỷ đồng và nguồn vốn năm 2024 là 18 tỷ đồng.

6(3).jpg
Trung tâm thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ nhìn từ trên cao

Ngay sau khi được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn, UBND huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đăng ký nhu cầu nguồn vốn, chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan xây dựng phương án phân bổ vốn các Chương trình MTQG theo quy định. Trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; duy tu, bảo dưỡng... Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã quản lý và sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo đảm bảo đúng quy định.

Từ nguồn vốn của Chương trình, năm 2023, huyện đã triển khai đầu tư và duy tu bảo dưỡng 11 công trình giao thông, giáo dục. Năm 2024, đã và đang triển khai đầu tư và duy tu bảo dưỡng 11 công trình tại 2 xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc. Các tuyến đường giao thông được đầu tư đã cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn, giao thương hàng hóa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và thực hiện công tác giảm nghèo trong khu vực. Bên cạnh đó, năm 2023, huyện đã triển khai thực hiện 6 mô hình gồm nuôi bò lai sinh sản, nuôi gà lai chọi, chăn nuôi bò cái lai sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi ngan đen thương phẩm… cho 184 hộ tham gia (67 hộ nghèo, 89 hộ cận nghèo, 28 hộ mới thoát nghèo).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thị Hồng Thắm, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, từ đó tạo điều kiện tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Một số nội dung của Chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo. Đời sống của người nghèo, cơ sở hạ tầng vùng bãi ngang ven biển được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 1.893 hộ, chiếm tỷ lệ 4,47%, dự kiến đến cuối năm 2024 giảm còn 1.520 hộ, chiếm tỷ lệ 3,59%. Hộ cận nghèo cuối năm 2023 là 1.452 hộ, chiếm tỷ lệ 3,43%, dự kiến đến cuối năm 2024 giảm xuống còn 1.271 hộ, chiếm tỷ lệ 3,0%. 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh; 100% người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu phù hợp, được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành; 100% lượt học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo; 100% người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mua thẻ BHYT…

Tăng mức vay vốn tín dụng ưu đãi

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tuy nhiên quá trình thực hiện, huyện Lệ Thủy cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, số lượng hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện già cả, neo đơn, ốm đau, bệnh tật, đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số hộ nghèo của huyện, phần lớn các thành viên thuộc hộ nghèo thiếu kiến thức kỹ năng sản xuất và không có lao động, nên khó khăn trong công tác hỗ trợ hộ phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập để vươn lên thoát nghèo.

Mặt khác, đối tượng học nghề được thụ hưởng theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cơ bản là đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do đó gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Bên cạnh đó, quy định đối tượng tham gia các lớp học nghề là người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Trong khi hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn việc xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp để thực hiện việc hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.

8(1).jpg
Một cơ sở nuôi cá tại xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thủy. Ảnh: Thanh Tùng

Để quá trình triển khai thực hiện Chương trình đạt kết quả cao trong thời gian tới, UBND huyện Lệ Thủy cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách giảm nghèo. Theo đó, cần thiết giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như vay vốn qua ngân hàng chính sách để khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo, có chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục để đảm bảo tính giảm nghèo bền vững. Tăng mức vay vốn tín dụng ưu đãi, ban hành chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với hộ thoát nghèo, không tái nghèo, chính sách khen thưởng đối với những xã, phường giảm nghèo nhanh và bền vững…

Trong việc bố trí và cơ chế huy động vốn, bà Đặng Thị Hồng Thắm cho rằng, cần ưu tiên nguồn lực và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Để thực hiện được điều đó cần huy động các nguồn lực để thực hiện, đặc biệt là các xã miền biển, bãi ngang, miền núi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ ngân sách nhiều hơn. Bên cạnh đó, Trung ương cần có quy định hướng dẫn đối với quản lý đầu tư các dự án lồng ghép nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với các nguồn vốn khác nhằm xác lập cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mốc thời gian phê duyệt, giải ngân nguồn vốn.

UBND huyện Lệ Thủy cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc thực hiện các bộ tiêu chí giảm nghèo bền vững. Đối với UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt và đánh giá trách nhiệm các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, người được phân công phụ trách giảm nghèo tại các địa bàn vùng nghèo, các xã nghèo trên địa bàn.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy, đến cuối năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng thông qua nguồn vốn của Phòng giao dịch trên địa bàn huyện đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 121 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt hơn 253 tỷ đồng với 4.216 lượt hộ vay vốn, trong đó, một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như: cho vay hộ nghèo 30,4 tỷ đồng, với 434 lượt hộ vay; cho vay hộ cận nghèo 24 tỷ đồng, 346 lượt hộ vay; cho vay hỗ trợ tạo việc làm 57 tỷ đồng, với 819 lượt hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 41.835 triệu đồng, với 2.092 hộ vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp trong giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO