Giải quyết khủng hoảng nước và BĐKH ở Sudan: Trao quyền cho hàng nghìn phụ nữ

Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)| 28/02/2023 14:10

(TN&MT) - Nằm ở rìa phía Nam của sa mạc Sahara, Sudan có khí hậu thay đổi từ sa mạc và bán sa mạc ở phía Bắc, đến thảo nguyên khô cằn trên khắp đất nước.

Trong những thập kỷ gần đây, những tác động tích lũy của xung đột, cấm vận kinh tế và bất ổn chính trị, cùng với việc tiêu thụ nước gia tăng do dân số lớn và phát triển nông nghiệp đã gióng lên hồi chuông báo động về một cuộc khủng hoảng nước.

Nông dân khốn đốn vì khủng hoảng nước 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm tăng thêm gánh nặng này. Lượng mưa thất thường hơn, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc lượng nước rơi xuống bốc hơi nhanh hơn, làm giảm độ ẩm của đất. Điều này làm cho nông nghiệp rơi vào tình thế nguy hiểm hơn đối với gần 2/3 nông dân ở Sudan - những người sản xuất nhỏ hoặc chăn nuôi gia súc phụ thuộc vào những cơn mưa.

anh-1-2-cau-be-lay-nuoc.jpeg
Elnour Elbasheir (bên trái), 11 tuổi, con trai của bà Nima Elmassad và hàng xóm của cậu bé, Awadallah lấy nước tại hồ chứa đã được cải tạo ở ngoại ô làng Um Naam Um. Ảnh: UNEP

Các nhà khoa học dự báo, nhiệt độ ở Sudan sẽ tiếp tục tăng một cách nguy hiểm và nếu xu hướng lượng mưa hiện tại vẫn thất thường, sa mạc Sahara sẽ tiếp tục tiến về phía Nam với tốc độ 1,5km/năm, nuốt chửng đất nông nghiệp và đất chăn thả gia súc. Đó là viễn cảnh ảm đạm đối với nông dân ở đất nước này.

Giống như nhiều nông dân ở Sudan, bà Elmassad - trụ cột của gia đình kể, trong khoảng 6 năm nay, gia đình bà luôn trong tình trạng thiếu thu nhập và thiếu kiến thức để thích ứng với các cú sốc khí hậu. Tại trang trại của bà, những cơn mưa muộn và lác đác khiến cây không có đủ thời gian để phát triển, chúng yếu ớt và dễ bị sâu bệnh tấn công, ước tính sản lượng thu hoạch đã giảm hơn một nửa trong thập kỷ qua.

Để kiếm sống qua ngày, bà Elmassad phải làm việc ở các trang trại khác thay vì chuẩn bị đất đai của chính mình cho vụ thu hoạch tiếp theo. Nó khiến bà mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn nghèo đói. Bà chia sẻ: “Khi không có đủ mưa, chúng tôi không còn hy vọng vào một mùa màng thuận lợi. Thậm chí, chúng tôi hầu như không có thức ăn”.

Xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu

Phụ nữ chịu gánh nặng không tương xứng từ BĐKH, đặc biệt là ở Sudan - nơi họ chịu trách nhiệm chính về an ninh lương thực của hộ gia đình và nuôi dạy con cái, trong khi họ có tiếng nói hạn chế trong việc ra quyết định.

Một dự án do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) dẫn đầu và được thực hiện bởi Hội đồng Cấp cao về Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên của Sudan đang giúp 43 cộng đồng trên khắp bang White Nile xây dựng khả năng phục hồi trước BĐKH, đặc biệt tập trung vào phụ nữ và các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Quỹ Môi trường Toàn cầu - nhà tài trợ quốc tế lớn cho các dự án biến đổi khí hậu là đơn vị tài trợ cho dự án.

Năm 2018, một ủy ban phát triển đã được thành lập tại làng của bà Elmassad, với yêu cầu 30% thành viên trong ủy ban là nữ. Ủy ban đã xem xét biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cộng đồng như thế nào và xác định các biện pháp giúp dân làng thích nghi, như thông qua các phương pháp canh tác chống chịu hạn hán và cải thiện khả năng tiếp cận với nước.

Theo bà Elmassad, dự án đã mang lại nhiều thay đổi. Một hồ chứa nước 30.000m3 được xây dựng để giữ nước trong mùa mưa và lưu trữ quanh năm. Bà Elmassad, cùng với hơn 280 phụ nữ ở bang White Nile cũng đã trồng các loại hạt giống đặc biệt có khả năng chịu hạn, năng suất cao hơn, như lạc và vừng do dự án cung cấp. Họ đã học cách tách chúng ra, bôi thuốc diệt nấm và bảo quản, thu hoạch đúng cách để giữ cho chúng không bị nấm mốc và sâu bệnh.
Các thành viên cộng đồng cũng trồng cây ăn quả để cung cấp thức ăn và tạo bóng mát. Theo nghiên cứu, vào ngày nắng, một cây khỏe mạnh có thể có công suất làm mát tương đương với hai máy điều hòa không khí trong nhà chạy trong 24 giờ.

Dự án đã trao quyền cho hàng nghìn phụ nữ bằng cách giúp họ lựa chọn một loạt các kỹ thuật thích ứng với khí hậu, trong đó, có hơn 1.000 phụ nữ được đào tạo cách trồng rau trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Bằng cách khai thác các giải pháp dựa vào thiên nhiên, dự án đã giúp khôi phục gần 4.000ha rừng và đất chăn thả gia súc, hơn 8.000 hộ gia đình trên khắp bang White Nile hiện được tiếp cận với các nguồn nước và thực phẩm có khả năng chống chịu với khí hậu.
Bà Jessica Troni - người đứng đầu đơn vị thích ứng với biến đổi khí hậu của UNEP cho biết, UNEP mong muốn mở rộng các kỹ thuật thích ứng cho các cộng đồng khác ở bang White Nile, mục tiêu dài hạn là những cách tiếp cận để xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của nông dân sẽ được đưa vào các chính sách thích ứng của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khủng hoảng nước và BĐKH ở Sudan: Trao quyền cho hàng nghìn phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO