Xã hội

Giải pháp thực hiện Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030

Hoài Thu 11/07/2024 - 20:57

(TN&MT) - PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế, đã nhấn mạnh các nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, nhằm hướng đến mục tiêu chung trong việc giảm tỷ lệ người sử dụng, tiếp xúc thụ động với thuốc lá…

Trong tham luận tại Hội nghị Triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, ông đề cập đến thực trạng hút thuốc lá tại Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra, tiêu tốn khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

386-202407111701421.png
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế

Theo đó, để giảm thiểu và phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) gây ra, từ năm 2014 đến nay, hằng năm Quỹ PCTHTL – Bộ Y tế đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các Bộ, ngành, các đơn vị chính trị xã hội và 63 tỉnh, thành phố, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,… để tổ chức thực hiện các hoạt động PCTHTL trên toàn quốc.

Qua thời gian thực hiện Chiến lược PCTHTL, Việt Nam đã ghi nhận những kết quả nổi bật như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13 – 15 tuổi giảm từ 2,5% xuống còn 1,9% trong 8 năm thực hiện; tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế trong 5 năm ( 2015 – 2020) tăng từ 40,5% - 72,2% năm 2020,…

Mạng lưới về PCTHTL được thành lập và duy trì toàn quốc với trên 20 Bộ ngành và tổ chức chính trị xã hội; 63 tỉnh, thành phố và một số bệnh viện Trung ương; tổ chức cai nghiện thuốc lá được duy trì và đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tốt.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong việc PCTHTL, tỷ lệ hút thuốc lá qua từng năm có giảm, tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, gần nhất trong khu vực ASEAN và các nước phát triển. Đồng thời, các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, khiến việc tiếp cận các sản phẩm này vô cùng dễ dàng; Việt Nam cũng chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng,…

Hơn nữa, thời gian gần đây, ngoài thuốc lá truyền thống, Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha,… Các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, thế nhưng, việc mua bán, quảng cáo lại đang được tiếp diễn rất phổ biến.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn, thách thức về tổ chức thực hiện như: Các giải pháp can thiệp vẫn tập trung nhiều vào giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá mà chưa tập trung nhiều vào giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá (tiếp cận, quản lý bán lẻ,…); một số Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác PCTHTL trong lĩnh vực phụ trách,…

Do đó, để thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2030, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh vào các nhóm giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sử dụng, giảm bệnh tật và tử vong do các sản phẩm thuốc lá gây ra.

Trong đó, với nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật PCTHTL, ông đề xuất xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030, mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; xây dựng, ban hành các quy định quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế Quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

386-202407111701432.png
Cần thực hiện những biện pháp Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định về sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ cai nghiện, việc chi trả cho các hoạt động điều trị, tư vấn cai nghiện thuốc lá từ Quỹ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, điện tử nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Đồng thời, đối với nhóm giải pháp về tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, cần phát huy tối đa việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông; đẩy mạnh vai trò của mạng lưới cộng tác viên về PCTHTL tại cộng đồng trong việc vận động, tổ chức các hoạt động truyền thông về PCTHTL, thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng.

Về việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCTHTL, các đơn vị thanh tra, kiểm tra liên ngành cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra theo chuyên đề, theo phân cấp; tăng cường sử dụng giải pháp về công nghệ thông tin, sử dụng các mạng xã hội trong giám sát việc tuân thủ pháp luật về PCTHTL.

Tuy nhiên, để các biện pháp được hoạt động hiệu quả, việc Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới PCTHTL cần được quan tâm, chú trọng, như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình PCTHTL tại Trung ương và tại các tỉnh, thành phố; xây dựng, ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương và xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm; phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực Hợp tác quốc tế cũng cần được đẩy mạnh, trong việc chủ động, tích cực hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các Chính phủ, tổ chức quốc tế về công tác PCTHTL; đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức quốc tế và các nước trong nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chính sách PCTHTL, cũng như tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thông qua các hội thảo, hội nghị khoa học, tham quan học tập tại các nước trong khu vực và trên thế giới về PCTHTL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thực hiện Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO