Giải pháp công nghệ giúp hạn chế phát thải từ rác

19/08/2014 00:00

(TN&MT) - Rác thải không những gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân tăng hiệu ứng khí nhà kính.

   
(TN&MT) - Rác thải không những gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân tăng hiệu ứng khí nhà kính Để thực hiện tốt việc giảm nhẹ mức phát thải khí nhà kính, hạn chế những nguyên nhân gây ra BĐKH,  Đề án “Quản lý phát thải khí nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các – bon ra thị trường thế giới” xác định rõ Việt Nam cần sớm xây dựng hành động giảm phát thải khí nhà kính (KNK) theo  hướng  phù  hợp với điều kiện quốc gia và  đảm bảo phát triển bền vững ( NAMA ) cho lĩnh vực rác thải.
   
Xử lý rác thải bằng phương pháp Fukuoka tại Hải Phòng
   
Rác tăng – phát thải tăng
   
  Theo Báo cáo  môi trường quốc gia năm 2011, lượng chất thải rắn trung bình hàng năm từ năm 2003 đến năm 2008 ở Việt Nam tăng từ 150% - 200%. Theo ước tính của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT, đến năm 2015 tổng lượng chất thải rắn ở Việt Nam sẽ  vào khoảng  44 triệu tấn. Nếu  không  thực  hiện  các  hành  động  giảm  phát thải, lượng CO2 tương đương từ  các bãi rác ở Việt Nam có thể  đạt  con số 83 triệu tấn vào năm 2015.
   
   Lượng CO2 phát thải cao từ các bãi rác phần lớn là do việc xử lý chất thải rắn ở Việt Nam chưa được quan tâm một cách đúng mức. Các phương thức xử lý rác phổ biến nhất ở Việt Nam là chôn lấp nhưng có rất ít nơi phương pháp này được thực hiện theo đúng quy chuẩn. Rất ít các bãi chôn lấp được xây dựng theo chuẩn kỹ thuật như trải  các  lớp  lót  polymer,  lắp  đặt  ống  thu  nước  rác,  các  kĩ  thuật  phân  tầng  khi  chôn rác và có nhà máy xử lý nước rỉ rác thành một quy trình khép kín. 
   
  Ngoài ra,  còn các phương pháp khác như đốt bằng lò đốt rác, hay sử dụng để tạo phân compost. KNK cũng làm phát sinh đáng kể lượng khí metan và CO2. Trong khi đó, hiện nay hầu hết  các bãi rác ở Việt Nam  đều  không có hệ thống thu khí mê tan, còn các lò đốt rác không có hệ thống thu khí CO2và tận thu nhiệt.
   
  Theo thống kê trên toàn quốc có 98 bãi  chôn lấp chất thải tập trung ở các thành phố lớn đang vận hành nhưng chỉ có 16 bãi được coi là hợp vệ sinh. Ở phần lớn các bãi chôn lấp, việc chôn lấp rác được thực hiện hết sức sơ sài, chưa thực hiện đúng các quy định. Thêm vào đó, thành phần hữu cơ trong rác thải ở Việt Nam là khá cao, thường trên 50% (theo số liệu của Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011). Nếu không có công nghệ xử lý phù hợp thì toàn bộ lượng KNK  từ các bãi rác  sẽ  phát thải ra bầu khí quyển.
   
Fukuoka - phương pháp kỹ thuật khả thi
   
  Theo các chuyên gia khoa học của Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) cho biết: Điều kiện bãi rác tại Việt Nam rất thích hợp với công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp bán hiếu khí kiểu Fukuoka của Nhật Bản, như vậy sẽ giảm đáng kể KNK.
   
  Theo phương pháp này, rác thải sau khi được thu gom sẽ cho tuần hoàn nước rỉ rác bằng hệ thống ống cống có khoan lỗ được lắp đặt dưới đáy bãi rác. Phía trên bãi rác là hệ thống thoát khí thải nhằm tạo điều kiện cho các vi sinh phân huỷ rác nhanh, giảm nồng độ khí mê tan, khí độc trong khu vực bãi rác. Tính  ưu việt của phương pháp này là giá thành thấp và giảm lượng KNK nhiều hơn so với phương pháp chôn lấp yếm khí.
   
   Kết quả tính toán cho thấy, phương pháp này có thể giúp giảm hơn một nửa lượng phát thải CO2 từ các bãi rác ở Việt Nam.  Trong  giai đoạn từ  năm  2010 - 2019,  nếu  sử  dụng phương pháp Fukuoka có thể giảm được hơn 41 triệu tấn CO2 tương đương  (đối với kịch bản tăng lượng rác 10%)  và hơn 29 triệu tấn CO2 tương đương (đối với kịch bản 3,27%). Lượng KNK giảm được này tương đương với một nửa tổng lượng KNK phát sinh ra trong giai đoạn  2010 - 2019.  Có  thể  thấy  rằng,  phương  pháp  Fukuoka  là  một trong những phương pháp có triển vọng để triển khai và áp dụng cho các bãi rác ở Việt Nam. Hiện nay, phương pháp Fukuoka đã được áp dụng thực hiện thành công cho bãi rác Đình Vũ thuộc tỉnh Hải Phòng.
   
  Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Sau 3 năm triển khai, kỹ thuật xử lý rác theo phương pháp bán hiếu khí trên được đánh giá là tiên tiến, đơn giản,có hiệu suất xử lý cao, thân thiện môi trường và đặc biệt là phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Kết quả tại khu thí điểm của bãi rác Đình Vũ cho thấy, chỉ số CO2 tại bãi rác giảm từ 30,4% (tại khu vực chưa áp dụng phương pháp Fukuoka) xuống còn 8% đối với khu vực áp dụng; khí mêtan giảm từ 67% xuống 6%; Rác cũng được phân hủy nhanh hơn”. Do đó, phương pháp chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka là phương pháp kĩ thuật khả thi, cần được áp dụng thực hiện rộng rãi và phổ biến hơn ở Việt Nam.    
                                           
Linh Nga
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp công nghệ giúp hạn chế phát thải từ rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO