Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.
Theo thống kê, toàn địa bàn Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận; hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố…Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Chính vì vậy, việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thành phố Hà nội, góp phần vào nỗ lực chung của Việt nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050.
Chia sẻ cụ thể hơn về những nỗ lực của Hà Nội trong cải thiện chất lượng không khí, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí như truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, cấm đốt bếp than tổ ong, xử lý đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp. Đến nay, Hà Nội đã giảm được 99,8% bếp than tổ ong và giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Đồng thời, thành phố đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn.
Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, theo khảo sát đánh giá của đơn vị trong năm 2015, 40% tổng dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới. Nghiên cứu cũng chỉ ra các nguồn phát thải tại nội đô chỉ chiếm 1/3 tổng phát thải, còn lại chủ yếu đến từ các vùng bên ngoài Hà Nội như Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh lân cận và nguồn tự nhiên.
Bên cạnh đó, bà Carolyn Turk cũng đưa ra 5 khuyến nghị để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Đó là thắt chặt hơn các giá trị giới hạn phát thải đối với nhà máy điện và có biện pháp cho các làng nghề. Thực thi hiệu quả cấm đốt rơm rạ ngoài trời và áp dụng các biện pháp giảm bụi đường xá. Có chế tài thực thi tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, ô tô và xe buýt. Quản lý bền vững chất thải rắn đô thị như loại bỏ đốt rác lộ thiên, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế rác thải, có kế hoạch dần hạn chế thải bỏ chất hữu cơ, thay vào đó sử dụng để làm phân compost. Ngoài ra, cần giải quyết triệt để các nguồn phát thải amoni từ nông nghiệp. Đặc biệt, để cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội hiệu quả thì cần có sự phối hợp với các tỉnh trong khu vực và ở cấp quốc gia.