Kinh tế

Giải khó cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Phương Hà 19/04/2023 - 14:49

Hiện nay, các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang thực hiện việc đàm phán hợp đồng mua bán điện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và thực tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Bài toán này cũng được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương tổ chức chiều qua, nhiều địa phương đề nghị Bộ Công Thương có các chỉ đạo cụ thể nhằm giải khó cho các dự án thuộc lĩnh vực này.

02.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Chủ đầu tư kêu khó, chính quyền đề nghị có cơ chế

Báo cáo Bộ Công Thương và các địa phương tại Hội nghị, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, hiện nay, việc huy động các nhà máy điện lên hệ thống (bao gồm cả nhà máy điện truyền thống và điện năng lượng tái tạo) đều được tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và đảm bảo công khai, minh bạch, được công bố hàng tuần trên cổng thông tin của Trung tâm ĐIều độ hệ thống điện quốc gia.

Phó Tổng Giám đốc Võ Quang Lâm cho biết, đến nay, trong 84 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, có 23 dự án đã chuyển hồ sơ cho Công ty mua bán điện thuộc Tập đoàn, trong đó có 4 dự án đã làm việc với Công ty mua bán điện và hai bên đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục triển khai; có 5 dự án hiện nay Công ty mua bán điện đang rà soát các hồ sơ; đối với 14 dự án đã gửi hồ sơ nhưng chưa đủ thì hiện nay Công ty mua bán điện đang đề nghị các chủ đầu tư này hoàn thiện và bổ sung thêm hồ sơ để thực hiện việc đàm phán theo các Thông tư 15 và Quyết định 01 của Bộ Công Thương.

“Chúng tôi sẽ tập trung cùng với các nhà đầu tư để kết thúc các hợp đồng mua bán điện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương”, ông Võ Quang Lâm cho biết thêm.

Hiện cả nước có 84 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 4.676MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó , có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời) đã hoàn thành nhưng chưa được huy động phát điện, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và lãng phí tài nguyên.

Đại diện các tỉnh có tiềm năng năng lượng tái tạo như Quảng Trị, Đắk Nông… cho biết, nhiều nhà máy điện gió đã hoàn thành, có khả năng phát điện nhưng không kịp tiến độ vận hành trước 31/10/2022 để được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) của Nhà nước do vẫn đang chờ hoàn tất các thủ tục để đàm phán theo cơ chế giá điện chuyển tiếp do Bộ Công Thương mới ban hành. Theo các địa phương này, việc chưa được huy động vận hành nguồn điện năng lượng tái tạo là rất lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư. Do đó, các địa phương đề nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành các cơ chế chính sách, có hướng dẫn để đưa các dự án năng lượng này vào khai thác, vận hành.

04.jpg
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại cuộc họp

Cách đây ít ngày, Công ty cổ phần Điện gió Nam Bình - chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 (Đắk Nông) đã có công văn gửi Bộ Công thương, EVN, Công ty Mua bán điện (EPTC) Chủ đầu tư cho rằng, quá trình làm việc giữa các bên còn nhiều vướng mắc dẫn đến thời gian đàm phán giá điện sẽ bị kéo dài và việc ký kết hợp đồng mua bán điện sửa đổi chưa thể xác định được ngày kết thúc. Đứng trước nguy cơ, Công ty đề nghị cho phép Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 được đưa vào vận hành thương mại tạm thời, ghi nhận sản lượng điện và thanh toán theo mức giá bằng 50% khung giá cho nhà máy điện gió trong đất liền (ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 19/1/2023 của Bộ Công thương) trong thời gian thỏa thuận, đàm phán giá phát điện với EVN.

Cần hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định

Sau khi nghe báo cáo, giải trình của các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong việc ban hành Thông tư hướng dẫn và Khung giá điện (chuyển tiếp), vấn đề còn lại bây giờ là việc đàm phán giữa EVN và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mới có 23 dự án/tổ hợp dự án trong số 84 dự án của các chủ đầu tư gửi hồ sơ để tham gia đàm phán, số dự án còn lại đến giờ vẫn không gửi hồ sơ nên không có cơ sở để đàm phán.

“Các chủ đầu tư muốn huy động trước khi đàm phán là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi cũng biết trong số các tổ hợp này, cũng không ít tổ hợp còn thiếu những thủ tục, thực hiện không đúng quy định hiện hành của pháp luật. Cho nên các chủ đầu tư cũng rất ngại ngần khi nộp hồ sơ để có thể đàm phán với EVN” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

01.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng chính quyền địa phương cần chỉ đạo ngành Công Thương địa phương, ngành điện tại địa phương rốt ráo làm việc với các chủ đầu tư trong việc thúc đẩy các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục theo quy định, trên cơ sở đó mới huy động, đàm phán giá điện phù hợp.

“Nếu muốn huy động, đàm phán thì phải hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật chứ không thể huy động khi chưa hoàn thành các thủ tục. Mặt khác, việc huy động điện phải tùy thuộc vào nhu cầu dùng điện, phụ tải, nếu huy động về mà không có phụ tải thì cũng không huy động để làm gì”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do EVN tổ chức, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng khẳng định, quyết định của Bộ Công Thương về khung giá nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đúng trình tự, thủ tục quy định. Cục Điều tiết điện lực đã tính toán, rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan có liên quan.

03.jpeg
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng phát biểu tại Hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do EVN tổ chức.

Ông Phạm Nguyên Hùng nêu rõ, Hội đồng tư vấn độc lập về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp gồm 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý nhà nước về năng lượng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và đơn vị mua, bán điện là EVN cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn đã ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải khó cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO