Giai đoạn 2019-2021, cả nước giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã

Thanh Tùng| 30/08/2022 21:24

(TN&MT) - Sáng 30/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” có buổi làm việc với các bộ, ngành về nội dung liên quan đến Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Theo dự thảo Báo cáo, thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, trên cơ sở các Tờ trình, Đề án của Chính phủ, UBTVQH đã ban hành 48 Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả trong giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

a.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Thành

Tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hình thành sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 653 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính của mỗi địa phương. Số lượng cơ quan, tổ chức giảm được bảo đảm tương ứng với số lượng đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức ở nhiều đơn vị hành chính vẫn còn thực hiện một cách cơ học nên tuy số lượng đầu mối cơ quan, tổ chức giảm tương ứng với số lượng đơn vị hành chính nhưng trong thời gian đầu, hoạt động vẫn chưa nhịp nhàng, trơn tru, do đó, phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nội quy, quy chế làm việc để thống nhất quy trình, thủ tục xử lý công việc. Việc cắt giảm nhiều trạm y tế ở một số địa phương khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, nhưng không có phương án chuyển đổi thành điểm trạm và duy trì hoạt động tại các cơ sở y tế bị cắt giảm, gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân...

Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo và cho rằng, trong thời gian ngắn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất nỗ lực thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển. Các địa phương đều bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp kịp thời, bảo đảm điều kiện thuận lợi phục vụ người dân, tiết kiệm và tránh lãng phí theo đúng quy định.

Đại diện các bộ, ngành cho biết, vướng mắc lớn nhất là việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Khi sắp xếp, nhập từ 2-4 đơn vị hành chính cấp xã thành một đơn vị, thì số lượng người dôi dư, cần phải sắp xếp lớn hơn từ 1-3 lần tổng số định mức được giao của một đơn vị hành chính. Đồng thời, mỗi đơn vị hành chính cấp xã còn phải bố trí, sắp xếp và giải quyết dôi dư từ 2 - 3 người nữa do thực hiện chủ trương giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo từng loại đơn vị hành chính theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và bố trí lực lượng Công an xã chính quy. Nhiều nơi, công chức cấp xã là Trưởng các đoàn thể hoặc Trưởng Công an xã, khi sắp xếp đơn vị hành chính, nếu chỉ là cấp phó sẽ không còn là công chức mà chuyển thành người hoạt động không chuyên trách, nên cũng gây tâm tư trong cán bộ, công chức.

6(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Thành

Để tháo gỡ những vướng mắc này, các bộ, ngành đề nghị, Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư của các địa phương kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc; sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ không còn phù hợp. Các địa phương có giải pháp đổi mới công tác sắp xếp, tinh giản biên chế hiệu quả hơn, như vận động nghỉ hưu sớm, chủ động điều phối, sắp xếp giữa các cơ quan, tổ chức, địa bàn trên cùng huyện, cùng tỉnh, tổ chức nghiêm túc việc đánh giá sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức để sàng lọc những người không đáp ứng công việc.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị, giai đoạn tới cần cân nhắc thêm về thời gian chuyển tiếp chính sách. Thực tế, có những chính sách không liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như quy định của Chính phủ về sáp nhập, giải thể thôn, tổ dân phố, nhưng lại có tác động đến sắp xếp đơn vị hành chính. Hai chính sách này cộng hưởng, gây tâm tư cho cán bộ. Đại diện Bộ Nội vụ kiến nghị, trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng cần cân nhắc đến công tác quy hoạch ở địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng các ý kiến phát biểu cơ bản đánh giá cao dự thảo Báo cáo, rất khoa học, đầy đủ hồ sơ, số liệu; qua giám sát cho thấy, dù còn tồn tại, hạn chế nhưng kết quả đạt được là cơ bản, vượt mục tiêu đề ra. Có một số mục tiêu đạt yêu cầu tinh gọn, nhưng về mặt chất lượng còn chưa đồng đều. Đây là hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nghiên cứu xem xét sửa đổi Nghị quyết 1121/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn 2019-2021, cả nước giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO