PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết: Hiện đã trình Thủ tướng “Đề án Phát triển tổng thể Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”; “Đề án thành lập trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh quy hoạch Dự án xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch 1/2000. Hiện nay, Đại học Đà Nẵng đã thông báo mời thầu lựa chọn tư vấn để lập quy hoạch 1/2000. Đại học Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam rà soát thực tế và có báo cáo đề xuât bổ sung nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2018 - 2020 trên 1.500 tỷ đồng, trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng và đã được Chính phủ thống nhất bố trí 1.000 tỷ đồng, đang trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét phê duyệt.
Đại học Đà Nẵng đã làm việc với Ngân hàng thế giới hoàn thành đề xuất dự án vay vốn ODA với số tiền 100 triệu USD cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng…
Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, do quy hoạch treo nhiều năm trong khi vốn ngân sách nhà nước khó khăn và liên quan đến nhiều Bộ, ngành và hai địa phương nên thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Về phương án tái định cư, Đại học Đà Nẵng và lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất phương án bố trí đủ quỹ đất để di dời cho toàn bộ phạm vi quy hoạch cần giải phóng mặt bằng. Hiện tại, các cơ quan chức năng của hai địa phương đang lập phương án quy hoạch tổng thể khu tái định cư, lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện, trình lãnh đạo phê duyệt làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
“Đối với kinh phí đầu tư thực hiện các khu tái định cư, gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại chỗ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam hiện vẫn chưa có kế hoạch kinh phí cụ thể và chưa rõ nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương”- Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, cái khó nhất hiện nay của địa phương là giải tỏa, tái định cư. Đà Nẵng đã chủ động giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất đầu tư ngay khu đất 22 ha, dùng ngân sách của Thành phố để giải quyết trước đã. Có tái định cư rồi thì giải tỏa sẽ nhanh. Tuy nhiên, việc xác định chi phí đền bù cho người dân thì chưa xác định được.
“Hiện nay vẫn chưa xác định được chi phí đền bù của Quảng Nam bao nhiêu, Đà Nẵng bao nhiêu, giải ngân thế nào? Đề nghị Bộ có kế hoạch cụ thể và Đại học Đà Nẵng phải có bộ phận chuyên trách chỉ tập trung giải quyết những vấn đề này”- ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các Bộ ngành và sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp tích cực của chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam, dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng sau 20 năm tạm dừng đã có hướng đi và sẽ đi nhanh.
“Phía trước sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Đại học Đà Nẵng đã thành lập Ban quản lý dự án, đảm trách các công việc có liên quan đến dự án nên thời gian tới cần tăng cường năng lực của các thành viên trong ban, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Hàng tháng, Đại học Đà Nẵng cần có báo cáo tiến độ các công việc đã triển khai của dự án, những đề xuất, giải pháp… về Bộ GD&ĐT để Bộ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Được biết, Dự án Làng Đại học Ðà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/1997, quy mô gần 300 hécta tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn và phường Ðiện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dự án bị đình trệ suốt 20 năm qua, gây nhiều khó khăn cho người dân trong vùng quy hoạch. Năm 2017, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tái khởi động trở lại.