Xã hội

Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nhờ khuyến nông cộng đồng

Vy Huyền 28/08/2024 16:14

(TN&MT) - Sau 2 năm triển khai mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, những kết quả bước đầu đã thể hiện rõ nét vai trò của tổ khuyến nông trong việc đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Qua đó, nông dân các địa phương từng bước cải thiện thu nhập và nâng cao khả năng tái đầu tư cho sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, từ năm 2022 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Trọng tâm của đề án là chuyển đổi công tác khuyến nông từ tư duy khuyến nông hỗ trợ sang tư duy khuyến nông kết nối, tích hợp đa giá trị, gắn với kiến thức, kỹ năng kinh tế nông nghiệp.

Đề án được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực của ngành với mục tiêu nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động đa chức năng, phục vụ tái cơ cấu ngành, phát triển nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

cac-hoc-vien-di-tham-quan-mo-hinh-lien-ket-trong-rau-tai-huyen-chiem-hoa.jpg
Các học viên đi tham quan mô hình liên kết trồng rau tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Sau 2 năm thí điểm, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nông dân. Đến nay, ngoài 26 tổ khuyến nông cộng đồng trong khuôn khổ Đề án, tại 13 tỉnh thí điểm đã thành lập thêm 1.071 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng, với tổng số 9.622 thành viên.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cả nước đã có thêm 44 tỉnh, thành phố thành lập các Tổ khuyến nông cộng đồng với tổng số khoảng 4.070 tổ, có 37.394 thành viên hoạt động phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Kết quả, các tổ khuyến nông cộng đồng thuộc vùng đề án đã phối hợp các tổ chức chủ trì dự án, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức trên 100 lớp tập huấn phát triển vùng nguyên liệu; hướng dẫn người dân thực hiện 14 dự án khuyến nông trên 500ha vùng nguyên liệu lúa gạo; 300ha vùng nguyên liệu cây ăn quả; 150ha vùng nguyên liệu cà phê; 200ha vùng nguyên liệu gỗ lớn.

le-ky-ket-bien-ban-thoa-thuan-hop-tac-ve-phat-trien-vung-nguyen-lieu-go-rung-trong-tai-quang-tri.jpg
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển vùng nguyên liễu gỗ rừng trồng tại Quảng Trị

Các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng còn là cầu nối giúp bà con vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc kết nối tiêu thụ 5 tấn dứa, 100 tấn chanh leo; giúp 257 hộ vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 120ha sầu riêng; giúp bà con vùng Tây Nguyên được bao tiêu sản phẩm cà phê 4C, hữu cơ; tổ chức 46 cuộc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 2.126 nông dân vùng nguyên liệu lúa gạo; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bà con vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên diện tích 300ha...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập đã nối lại sự liên kết của hệ thống Khuyến nông trước thực trạng bị đứt gãy sau khi sát nhập 3 trạm cấp huyện và giải thể hệ thống Khuyến nông cấp xã. Thực hiện hỗ trợ bà con nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức không chỉ là kỹ thuật thông thường mà các kiến thức tổng hợp về giá cả, thị trường, pháp luật... Qua đó, giúp nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai hoạt động sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, sản xuất hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính...

mo-hinh-nuoi-bo-giong-tai-hoa-binh.jpg
Cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng tham quan mô hình chăn nuôi bò tại Hòa Bình

Tổ khuyến nông cộng đồng cũng đã thể hiện vai trò cốt “Là cầu nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp” khi mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; tránh sự bấp bênh, rủi ro của nông sản; tạo ra môi trường sản xuất bền vững, an toàn và hiệu quả. Việc thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng là bước đi đúng đắn trong sự chuyển biến của sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Tại Hải Phòng, nhận định đây là hướng đi đúng đắn, hiện toàn bộ các xã trên địa bàn thành phố đều đã thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng. Theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, hiện có nhiều tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực của địa phương, cần được nhân rộng. Các tổ đã đóng góp tích cực cho việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho sản phẩm chủ lực của các xã, huyện, trong đó có 226 sản phẩm được công nhận đạt OCOP thuộc địa bàn nông thôn. Các đợt tập huấn, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, tăng cường liên kết 3 nhà đã giúp nông dân đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học..... Thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2023 của thành phố đạt 69,9 triệu đồng/người/năm, tăng 8,85 triệu đồng so với năm 2022.

doan-khao-sat-phat-trien-vung-nguyen-lieu-ca-phe-tai-dak-nong.jpg
Đoàn khảo sát phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại Đắk Nông

Tại tỉnh Bến Tre, nông dân tham gia các mô hình do Tổ khuyến nông cộng đồng tư vấn đề nắm được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, làm thay đổi không những về nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Mặc khác còn làm cho độ phì nhiêu của đất được nâng cao, đồng thời bảo vệ được hệ sinh vật trong đất và tập đoàn thiên địch. Có thể kể đến năm 2023, kết quả triển khai mô hình trồng sầu riêng cho năng suất tăng 17%, hiệu quả kinh tế tăng 60%, lợi nhuận đạt hơn 1,3 tỷ đồng đồng/ha; mô hình trồng bưởi da xanh cho năng suất tăng 29%, lợi nhuận đạt 225 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 81%; mô hình trồng mít cho năng suất tăng 12,5%, lợi nhuận đạt 177,6 triệu đồng/ha và hiệu quả kinh tế tăng 15%...

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” đầu tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Đây sẽ là lực lượng chủ lực, nòng cốt ở các địa phương để hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu thị trường, liên kết nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẩn trương hoàn thiện bộ quy chế mẫu về hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng và xây dựng các văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ tài liệu phục vụ hoạt động khuyến nông cộng đồng, ưu tiên các tài liệu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo thành lập, kiện toàn các tổ khuyến nông cộng đồng, tạo điều kiện về môi trường làm việc trang thiết bị để hoạt động. Trong khi đó, các HTX, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với khuyến nông cộng đồng trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới, sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết chuỗi giá trị. Đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp khuyến nông cộng đồng trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới, sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng của sản xuất, thị trường, hướng tới phát triển cộng đồng, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nhờ khuyến nông cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO