Sau hơn 7 năm tích cóp, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tầng (ngụ quận 12, TP.HCM) mới nghĩ đến chuyện mua nhà. Sau khi rút tiết kiệm và vay thêm cha mẹ hai bên một ít, vợ chồng chị Tầng có gần 1,4 tỷ đồng. Vợ chồng chị hy vọng số tiền đủ mua một căn nhà ở huyện ngoại thành hoặc một căn chung cư gần gần trung tâm. Tuy nhiên, sau mấy tháng tìm kiếm, chị Tầng rất thất vọng vì giá nhà đất quá cao. Những dự án chung cư phù hợp với gia đình chị đều có giá từ 2 tỷ đồng trở lên. Còn nhà liền thổ ở các huyện ngoại thành, nếu "sổ hồng" riêng thì không thể kiếm được căn nào dưới 2 tỷ đồng.
Với tình hình giá nhà đất tăng cao như hiện tại, vợ chồng chị Tầng đang nghĩ tới phương án mua nhà "sổ hồng" chung thông qua vi bằng ở các huyện ngoại thành, dù rằng sẽ rủi ro. Và phương án thứ hai là mua chung cư cũ, diện tích nhỏ ở vùng ven rồi sửa sang lại để ở. “Cứ nghĩ tích cóp một một thời gian sẽ có tiền mua nhà, nhưng khi đủ số tiền kha khá thì giá nhà lại tăng nên cả đời không nổi mua căn hộ nói gì tới mua nhà đất”, chị Tầng chia sẻ.
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, 5 năm qua, giá nhà đã tăng 50-60%. Như năm 2015, giá căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 25 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên 40 triệu đồng/m2, trong khi đó căn hộ hạng C năm 2015 khoảng 15 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Mức tăng giá của đất nền còn "kinh khủng" hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%.
Theo khảo sát về chỉ số tiêu dùng do Batdongsan.com.vn thực hiện, gần 52% người tham gia khảo sát cho biết, yếu tố giá bán tăng quá nhanh là nguyên nhân khiến họ không hài lòng với thị trường bất động sản (BĐS). Việc giá bán tăng cao đã khiến nhiều người không thể tìm được sản phẩm BĐS ở các khu vực họ mong muốn và phù hợp mức ngân sách dự kiến. Phần lớn nhóm đối tượng này là những người có nhu cầu mua nhà ở thực. Có hơn 67% người tiêu dùng nhận xét giá bán BĐS hiện nay khá cao, trong đó 23% cho rằng giá đang quá cao, vượt xa tầm thu nhập của người mua.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, giá BĐS liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều người đang mất thu nhập, chịu ảnh hưởng tài chính vì Covid-19 và lo lắng về suy thoái kinh tế đang là rào cản lớn nhất khiến nhiều người mua nhà tiềm năng phải gác lại ý định mua nhà cũng như sở hữu thêm các BĐS khác dù có nhu cầu và kế hoạch từ trước đó. Ngoài ra, lo ngại về biến động lãi suất vay mua nhà cũng như tâm lý bất an về thị trường trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cũng khiến nhiều người mua thực và cả nhà đầu tư cân nhắc, đắn đo trong việc xuống tiền mua BĐS.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường BĐS, lại có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn. Hiện nay, TP.HCM gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 sàn căn hộ.
Cũng theo ông Châu, giá đất tăng quá cao như hiện nay khiến cho phần lớn người lao động, người có thu nhập mức trung không thể mua nhà. Giá nhà quá cao, dẫn tới chi phí mặt bằng tăng mạnh, kéo theo các sản phẩm tiêu dùng, ăn uống, dịch vụ đều tăng, vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng.