Gia Lâm vẫn còn 4 xã “trắng” nước sạch

23/08/2018 11:27

Trong 22 xã, thị trấn vẫn còn 4 xã “trắng” nước sạch (Lệ Chi, Kim Sơn, Văn Đức, Trung Mầu) và một số xã mới “phủ sóng” được ít hộ dân được dùng nước sạch, trong khi tiến độ một số dự án cấp nước đang rất chậm. Đó là điều ghi nhận được tại huyện Gia Lâm khi đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đến khảo sát sáng 22/8.

Tiến độ cấp nước sạch quá chậm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Học, tại huyện có 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, 189.786 người dân được dùng nước sạch, chiếm 70,1%. Hệ thống nước sạch gồm 2 công trình cấp nước tập trung từ hệ thống cấp nước TP và 5 công trình tập trung từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia nước sạch-VSMT nông thôn, chương trình 134, 135… Trong 5 công trình này, 2 trạm tại Bát Tràng đã hoạt động ổn định, còn 3 dự án tại Ninh Hiệp, Phù Đổng, Kim Lan đều đang chậm tiến độ.

Đó là dự án cấp nước sạch xã Ninh Hiệp công suất 3.300 m3/ngày đêm do Công ty CP sản xuất & thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư (CĐT), theo tiến độ dự án sẽ hoàn thành tháng 12/2016 nhưng đến nay mới khôi phục xong trạm cấp nước và triển khai 80% đường ống phân phối, dịch vụ; cấp nước cho 1.300/4.100 hộ trên toàn xã (32%).

nước sạch Gia Lâm
Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Gia Lâm

Dự án cấp nước xã Kim Lan công suất 1.500 m3/ngày đêm cũng do Công ty Ngọc Hải làm CĐT, theo tiến độ tháng 12/2017 hoàn thành nhưng nay mới 483 hộ được cấp nước, đạt 31% toàn xã. Với dự án xã Phù Đổng công suất 1.880m3/ngày đêm do Công ty TNHH nước sạch Hùng Thành Phù Đổng làm CĐT, theo tiến độ năm 2015 hoàn thành nhưng hiện mới khôi phục xong trạm cấp nước, triển khai 80% đường ống và cấp cho 1.600 hộ dân, đạt hơn 44% toàn xã.

Theo Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn, người dân rất mong được dùng nước sạch nhưng CĐT cần xem lại chất lượng nước, đẩy nhanh tiến độ cấp nước. Chính quyền xã sẽ tăng cường vận động nâng cao nhận thức, để nhiều hộ dùng nước sạch hơn. Còn lãnh đạo UBND xã Kim Lan cho rằng, dự án do Công ty Ngọc Hải đang triển khai rất chậm và năng lực thi công hạn chế, người dân kêu ca nhiều.

Lãnh đạo huyện khẳng định, từ năm 2017, UBND huyện đã thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết thủ tục triển khai các dự án nước sạch nông thôn; thường xuyên đôn đốc CĐT đẩy tiến độ; tăng tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo UBND 3 xã Ninh Hiệp, Phù Đổng, Kim Lan phối hợp với đơn vị cấp nước vận động từng gia đình dùng nước sạch... Dù vậy, các dự án tại 3 xã vẫn đang rất chậm, nên đề nghị HĐND TP kiến nghị UBND TP xem xét thay thế nhà đầu tư đủ năng lực. Tháng 12/2016 và 7/2017, UBND huyện đã có văn bản gửi TP, Sở Xây dựng xem xét thay thế CĐT Công ty CP SX&TM Ngọc Hải.

Tránh nguy cơ “đi trước về sau”

Tại buổi làm việc với UBND huyện và xã liên quan, đoàn giám sát cho rằng nếu không xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, có thể Gia Lâm dù đã “bao phủ” trên 70% người dân được dùng nước sạch nhưng có khi “đi trước về sau”, năm 2020 khó đạt 100% theo yêu cầu. Một nguyên nhân quan trọng là đầu tư các công trình cấp nước không đồng bộ giữa các xã, nhất là chưa tạo lập được niềm tin của người dân về chất lượng nước do một số dự án cung cấp.

nước sạch Gia Lâm 1
Khảo sát thực tế tại Trạm cấp nước sạch xã Ninh Hiệp.

Theo Ban Đô thị HĐND TP, yêu cầu đặt ra là các trạm cấp nước này phải được kết nối với hệ thống tập trung của TP để phát triển bền vững, nên Sở Xây dựng cần tính toán để đề xuất giải pháp với TP. Đặc biệt, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch từ các trạm do DN tiếp quản còn tương đối thấp, do ý thức người dân nhưng cũng do họ chưa thực sự tin tưởng chất lượng nước, nên đòi hỏi các CĐT quyết liệt thực hiện chủ trương của TP về lắp đặt công nghệ lọc, đẩy nhanh tiến độ dự án...

Với kiến nghị của DN, đoàn giám sát đề nghị huyện và các xã tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng, an ninh trật tự trong quá trình thi công, trong đó giúp đáp ứng tiêu chuẩn mặt bằng xây bể lọc cặn.

Liên quan đến lắp đặt đồng hồ tại chân hàng rào hộ dùng nước, Chủ tịch UBND TP đã cho phép với các dự án xã hội hóa, DN thỏa thuận với người dân để huy động vốn trong dân, nhưng các hộ phải được trừ vào tiền dùng nước, và việc thu phí phải trên cơ sở đơn giá định mức và chi phí. “Mức thu đang không thống nhất trên toàn TP, nên cần được nghiên cứu lại”, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh và yêu cầu: Các DN xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công theo cam kết, làm đúng chủ trương đầu tư, sớm lắp đặt hệ thống lọc nước, phối hợp tuyên truyền tới người dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm vẫn còn 4 xã “trắng” nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO