Gia Lai: “Vỡ mộng” với các dự án BĐS. Bài 3: Loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ

Quế Mai| 26/09/2019 16:02

(TN&MT) - Các dự án bất động sản (BĐS) tại Gia Lai chủ yếu đều trì trệ, chậm tiến độ là do nhiều nguyên nhân mà hậu quả là nảy sinh những bê bối khó giải quyết, tạo ra lo ngại cho những nhà đầu tư mới. Do thiếu cương quyết ngay từ đầu nên đến nay, chính quyền tỉnh Gia Lai vẫn theo sau doanh nghiệp, loay hoay tìm cách tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các dự án BĐS tại tỉnh sớm hoàn thành.

gl1
Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng với một bên khang trang, một bên xập xệ vì vướng giải phóng mặt bằng nên không thể thực hiện tiếp dự án

Xác định rõ nguyên nhân

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay có 03 dự án BĐS lớn là dự án Khu dân cư Phú An do Công ty TNHH Thương mại Vinh Quang I làm chủ đầu tư, dự án Khu đô thị Cầu Sắt do Công ty CP Phát triển nhà VK Land làm chủ đầu tư và dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng do Công ty TNHH MTV FBS làm chủ đầu tư.

Cả 03 dự án này bắt đầu được triển khai từ hơn 10 năm trước và vẫn luôn bị chậm tiến độ dù đã xin gia hạn nhiều lần. Dự án dở dang, không hoàn thiện đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai và thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Đánh giá về nguyên nhân khiến các dự án BĐS tại Gia Lai đều trì trệ, ông Lưu Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai nhận định: Ngoài việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, sức mua bán của thị trường BĐS tại tỉnh Gia Lai không lớn thì nguyên nhân chính khiến cả 03 dự án đều chậm tiến độ là do nguồn lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế và cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu dân cư này đều chưa hoàn thiện để đảm bảo cho cuộc sống của người dân.

“Nếu hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, tổ dân phố… được chủ đầu tư hoàn thiện tốt theo cam kết thì chắc chắn sẽ thúc đẩy các dự án phát triển nhanh hơn. Trong quy hoạch, hạ tầng đều được thiết kế đầy đủ, nhưng các dự án đều không hoàn thành vì lý do chưa có dân”, ông Lưu Văn Thanh nói. Điều này cũng chứng minh cho năng lực hạn chế của chủ đầu tư.

Ngoài ra, khó khăn chính mà các nhà đầu tư tại tỉnh Gia Lai đang gặp phải là vướng giải phóng mặt bằng. Ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai nhìn nhận: “Dù diện tích vướng còn rất ít nhưng lại khó thực hiện vì giá đền bù quá cao. Điều này cần có sự thống nhất giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước thì mới giải quyết xong và có đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án”.

Ông Nguyễn Xuân Trực - Giám đốc Công ty FBS tại Gia Lai chia sẻ: “Chúng tôi đã cố gắng để dự án hoàn thành sớm, tiền sử dụng đất đã nộp đủ. Thế mà 10 năm nay, tỉnh Gia Lai vẫn chưa giải phóng được mặt bằng để chúng tôi thực hiện dự án. Công tác giao đất quá chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và nó còn không công bằng đối với các hộ dân chấp hành tốt chủ trương của tỉnh Gia Lai”.

gl2
Dự án dân cư Phú An trì trệ hơn 10 năm nay và vướng nhiều tranh chấp, kiện tụng từ khách hàng là người dân đã mua đất tại dự án này

Giải pháp nào để tháo gỡ?

Rõ ràng ngay từ đầu, việc đánh giá năng lực của các nhà đầu tư đã không được cơ quan Nhà nước tỉnh Gia Lai thẩm định, đánh giá chính xác. Thêm vào đó, trong suốt thời gian dự án được cấp đầu tư cho đến lúc mở bán, không có cơ quan quản lý nào thực hiện thanh tra, kiểm tra xem các dự án đã thực hiện đúng cam kết thiết kế ban đầu chưa?.

Điều này đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư lợi dụng sơ hở của pháp luật và quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý Nhà nước để lách luật, “bán lúa non” cho khách hàng. Đáng nói, dù các dự này không hoàn thành theo cam kết, triển khai chậm tiến độ cả chục năm nhưng không một dự án nào bị thu hồi chủ trương đầu tư. Trái lại, tỉnh Gia Lai vẫn theo sau doanh nghiệp, tiếp tục phê duyệt các quyết định gia hạn thời gian hoàn thành cho các dự án này.

Lý giải điều này, ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho rằng: “Thu hồi chủ trương đầu tư thì không khó nhưng “hậu thu hồi” sẽ như thế nào?. Thực tế, doanh nghiệp vẫn chưa bỏ dự án, vì vậy phải xem xét kỹ. Gia Lai là tỉnh khó khăn trong thu hút, kêu gọi đầu tư. Đây là những dự án lớn nhất của tỉnh thời triển khai. Việc thu hồi, khai tử họ sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư tiếp theo”.

Còn theo ông Lưu Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, tỉnh Gia Lai cần mạnh tay hơn để thúc đẩy các nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án. “Ngoài tập trung hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng cung cấp cho nhà đầu tư thì tỉnh Gia Lai phải nghiêm khắc hơn đối với các dự án đã có mặt bằng sạch mà không triển khai. Việc gia hạn dự án phải có biện pháp như bắt nộp thêm tiền sử dụng đất, mới tạo động lực cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành”, ông Thanh nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nói chung, trong đó có các dự án BĐS, hiện nay, hàng tuần UBND tỉnh Gia Lai đều tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành liên quan cùng tham gia. Tại đây, khó khăn, vướng mắc đều được tỉnh Gia Lai đưa ra để tìm nút thắt cũng như đề ra giải pháp tháo gỡ cho các dự án trong thời gian tới.

Khi chấp thuận để các nhà đầu tư về tại tỉnh làm các dự án BĐS này, chính quyền tỉnh Gia Lai kỳ vọng về những khu đô thị đẹp, được đầu tư bài bản, ngân sách được đóng góp, người dân được sống trong điều kiện cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại. Nhưng đến nay, sự thật là các dự án dang dở làm cho đô thị nham nhở, mất đi cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư, nâng suất đầu tư lớn, ảnh hưởng đến các hộ dân trong vùng giải phóng mặt bằng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: “Vỡ mộng” với các dự án BĐS. Bài 3: Loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO