Gia Lai: “Vỡ mộng” với các dự án BĐS. Bài 2: Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng

Quế Mai| 24/09/2019 12:39

(TN&MT) - Không những chậm trễ tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành dự án, các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) ở Gia Lai còn “lách luật” thế chấp các bìa đỏ đất vào ngân hàng để huy động vốn. Mặt khác, lợi dụng sơ hở của khách hàng khi ký hợp đồng để bán đất cho nhiều chủ khác nhau, gây ra tranh chấp, kiện tụng và nảy sinh các vụ án dân sự khó giải quyết.

nha1
Khuôn viên cây xanh trên bản vẽ thiết kế của Khu dân cư Phú An giờ là bãi cỏ, vỉa hè không hoàn thiện, đường rải đá cấp phối đã xuống cấp

Công ty đã “cắm” bìa đỏ vào ngân hàng

Tại dự án Khu dân cư Phú An, mặc dù khách hàng được ký kết hợp đồng bán nhà, rồi sau đó là hợp đồng góp vốn xây dựng nhà và phải trả toàn bộ tiền đất nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên nhà đầu tư là Công ty TNHH Vinh Quang I. Nhờ vậy, Công ty này đã “cắm” các bìa đỏ đất tại dự án vào ngân hàng để huy động vốn.

Bà Nguyễn Thị Sang (trú Trần Quang Khải, TP Pleiku) cho biết: “Vì lo sợ đất của mình bị Công ty bán cho người khác nên tôi đã đến Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai để truy xuất thông tin về mảnh đất đã mua. Qua đó, tôi mới biết cả 3 lô đất của tôi đều bị Công ty Vinh Quang I thế chấp bìa đỏ trong ngân hàng. Tôi rất lo nếu Công ty không có khả năng trả nợ thì cả 3 lô đất của tôi đều thuộc về ngân hàng, trong khi nhu cầu nhà ở hiện tại của gia đình rất cao”.

Trái ngược hoàn toàn với lo lắng của khách hàng, ông Phạm Xuân Sanh - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Vinh Quang 1 tại Gia Lai cho rằng: “Việc doanh nghiệp sử dụng quyền sử dụng đất mà khách hàng đã mua để thế chấp trong ngân hàng không có bất kỳ rủi ro nào. Bởi vì nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì UBND tỉnh Gia Lai sẽ đứng ra bảo đảm cho quyền lợi của người dân?!”.

Trong lúc thị trường BĐS tại Khu dân cư Phú An “dậm chân tại chỗ”, năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai lại cho phép bán đất nền tại dự án này. Đây được xem là cơ hội để hồi phục thị trường BĐS, cộng với việc xuất hiện một số trường học mới xây dựng xung quanh dự án đã đẩy giá đất tại khu vực này lên cao gấp 3-5 lần so với thời điểm ban đầu.

Từ đó, nảy sinh nhiều vụ việc một lô đất bán cho nhiều chủ khác nhau. Theo ông Trần Ngọc Đức - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiếp nhận gần 20 hồ sơ khiếu kiện đất đai tại dự án Khu dân cư Phú An. Tuy nhiên, tới nay, Sở Xây dựng mới chỉ đình chỉ xây dựng đối với những lô đất đang tranh chấp và yêu cầu các bên nhờ Toà án dân sự can thiệp.

nha2
Một khách hàng của dự án Khu dân cư Phú An trao đổi với phóng viên về việc lô đất của ông đã bị bán cho nhiều chủ khác nhau

Khách hàng đang như “ngồi trên đống lửa”

Liên quan đến “lùm xùm tranh chấp” đất giữa doanh nghiệp và khách hàng ở các dự án BĐS, từ năm 2016 tới nay, Toà án Nhân dân TP Pleiku và Công an TP Pleiku đã nhận được hàng chục đơn kiện, đơn tố giác của người dân. Trong đó chủ yếu tại dự án Khu dân cư Phú An về việc doanh nghiệp không bàn giao đất thực địa, bán 1 lô đất cho nhiều người, ngăn cản người dân thực hiện nghĩa vụ xây nhà để đơn phương thanh lý hợp đồng.

Mở bán dự án từ hơn 10 năm nay nhưng cơ sở hạ tầng theo thiết kế ban đầu của dự án Khu dân cư Phú An vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng dù vậy, cho đến nay, các cơ quan quản lý tỉnh Gia Lai vẫn chưa có động thái nào để chấn chỉnh, hối thúc doanh nghiệp hoàn thành dự án. Những cuộc thanh, kiểm tra được tiến hành qua loa, không chỉ ra được những sai phạm, tranh chấp đất đai tại các dự án không được giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Quốc, một khách hàng có đất tại dự án Khu dân cư Phú An bị Công ty Vinh Quang I bán cho người khác thất vọng: “Công ty được tỉnh cấp phép, giao dự án. Bây giờ Công ty bê bối, không thực hiện đúng cam kết thì cũng không bị xử lý. Các cấp ngành không kiểm tra nghiêm khắc, dự án cứ bị thả trôi hơn chục năm nay vẫn nheo nhóc, dở dang”.

Trao đổi với Phóng viên, ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai ngạc nhiên vì cho rằng dự án Khu dân cư Phú An đã hoàn thành?! “Nếu thật sự có tranh chấp và việc doanh nghiệp không cấp bìa đỏ đất cho khách hàng thì rất đáng lo ngại. Cái này là do hợp đồng dân sự giữa khách hàng và chủ đầu tư chưa chặt chẽ. Tôi sẽ cho kiểm tra lại vấn đề này” - ông Hồ Phước Thành thông tin.

Trong khi người dân là khách hàng của Công ty Vinh Quang I đang như “ngồi trên đống lửa” vì sợ mất tiền, mất đất, vướng tranh chấp mà không có cơ quan Nhà nước nào đứng ra giải quyết dứt điểm thì nhà đầu tư này vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều dự án nhà ở và BĐS tại một số tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Kon Tum.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: “Vỡ mộng” với các dự án BĐS. Bài 2: Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO