Bài 1: Khổ với các dự án “bán lúa non”
“Mua lúa non” bằng việc ký hợp đồng góp vốn xây dựng nhà với nhà đầu tư, nhiều khách hàng tại Gia Lai lâm vào hoàn cảnh không được giao sổ đỏ, không được phép xây dựng nhà do vướng tranh chấp, những người đã làm được nhà cũng phải đối mặt với nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Mua đất nhưng không có quyền sở hữu
Với chủ trương thu hút đầu tư các dự án bất động sản (BĐS), từ năm 2003 - 2006, tỉnh Gia Lai đã có nhiều “ưu ái” cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư tại tỉnh, như: giao đất không thông qua đấu giá, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Cụ thể như các dự án: Khu dân cư Phú An (xã Diên Phú, TP Pleiku) do Công ty TNHH Thương mại Vinh Quang I (địa chỉ tại TP.HCM) làm chủ đầu tư; Khu đô thị Cầu Sắt (TP Pleiku) do Công ty CP Phát triển nhà VK Land làm chủ đầu tư; Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng (TP Pleiku) do Công ty TNHH MTV FBS làm chủ đầu tư.
Các dự án BĐS này đều được đầu tư từ hơn 10 năm nay, nhằm mục đích chủ yếu là chỉnh trang đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Thế nhưng đến hiện tại vẫn dang dở, chưa hoàn thành. Thậm chí, nảy sinh kiện tụng, tranh chấp kéo dài giữa nhà đầu tư và người dân là những khách hàng của dự án.
Điển hình như trường hợp gia đình bà Đoàn Thị Thanh (trú Trần Phú, TP Pleiku) đã ký một “Hợp đồng bán nhà” với Công ty Vinh Quang I - Chi nhánh Gia Lai năm 2009. Theo Hợp đồng này, bà Thanh phải trả trước 240 triệu đồng tiền lô đất A1-03 tại Khu dân cư Phú An, sau khi xây nhà theo thiết kế, Công ty sẽ làm thủ tục hoàn công, đồng thời sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho bà Thanh.
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2016 thì bà Thanh nhận được thủ tục đơn phương thanh lý hợp đồng của Công ty Vinh Quang I. Sau khi lên làm việc với Công ty, 2 bên thống nhất gia hạn thời gian xây nhà cho bà Thanh đến tháng 9/2017. Thế nhưng, sau đó khi đi thăm đất để chuẩn bị làm nhà thì bà Thanh phát hiện đã có một người khác đang xây nhà trên chính lô đất của bà.
“Tôi quá bức xúc nên đã đến Công ty hỏi cho rõ, phía Công ty cho rằng vì đã quá hạn xây dựng nhà nên Công ty thanh lý hợp đồng và bán lô đất của tôi cho người khác có nhu cầu. Sau khi tôi trình biên bản gia hạn xây dựng nhà đã làm việc trước đó thì Công ty lại bảo sẽ đổi cho tôi một lô khác ở vị trí phía sau. Tôi không đồng tình với cách làm này”, bà Thanh nói.
Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Sang (trú Trần Quang Khải, TP Pleiku), mua 03 lô đất vị trí D3-01, B2-12 và B2-13 tại Khu dân cư Phú An với giá 180 triệu đồng/lô năm 2009. Hợp đồng bán nhà giữa bà Sang và Công ty Vinh Quang I quy định, bà Sang phải trả trước tiền đất và tự xây nhà theo thiết kế.
Tuy nhiên, thời điểm quy định xây dựng nhà là năm 2010 thì cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, nước, đường xá… tại khu dân cư này chưa hoàn thiện nên không đủ điều kiện để xây nhà. Đến năm 2018, bà Sang nhận được giấy thu hồi lô đất D3-01 từ Công ty Vinh Quang I.
Bà Sang bức xúc: “Công ty đòi thanh lý bằng cách trả lại tiền đất ban đầu hoặc đổi cho tôi một lô đất khác nhưng lại chỉ nói suông mà không có biên bản. Mặt khác, khi lô đất D3-01 đang giải quyết, Công ty cũng không cho tôi xây dựng nhà trên 2 lô còn lại mà tôi đã mua”.
Còn tại dự án Khu đô thị Cầu Sắt, dù theo quy định là chưa được bán đất nền nhưng nhà đầu tư cũng “lách luật” bằng việc ký các hợp đồng góp vốn xây dựng nhà với khách hàng. Qua hơn 10 năm đến nay, Khu đô thị này cũng chỉ có vài chục căn nhà, còn lại là đất trống.
Chị Hồ Thị Phương Mai, một người dân Khu đô thị Cầu Sắt chia sẻ về những bất tiện khi ở tại khu dân cư này: “Khi tôi đến ở, giá điện mắc từ chủ đầu tư quá cao nên phải tự bỏ tiền nối điện từ Công ty Điện lực. Muốn dùng nước máy nhưng chi phí để mở đường ống riêng lớn nên vẫn phải dùng nước giếng khoan. 6 năm nay khu dân cư này vẫn không có gì thay đổi, nhà cửa thưa thớt, an ninh không đảm bảo, thường xuyên mất trộm đồ. Ngoài ra, không có tên đường hay biển số nhà nên rất bất tiện”.
Nhiều sai phạm tại các dự án
Dự án Khu dân cư Phú An được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép đầu tư theo Quyết định 259/QĐ-UBND năm 2006. Dự án được phân 345 căn nhà trên diện tích 52.900 m2 đất ở, 26.000 m2 đất còn lại là đất công cộng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng cây xanh… Hiện đã có 121 lô được xây dựng, cơ sở hạ tầng cũng chỉ hoàn thiện được khoảng 70%.
Theo ông Trần Ngọc Đức - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, cam kết của Công ty Vinh Quang I là Khu nhà ở Phú An sẽ hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên sau đó lại xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến hết tháng 11/2015. Hiện nay, dự án này vẫn chưa hoàn thành, dân cư còn ít, một số hạng mục hạ tầng xã hội chưa được đầu tư và đưa vào vận hành…
Còn dự án Khu đô thị Cầu Sắt được hình thành trên diện tích 37,5ha. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện dự án còn 1.200 lô đất. Theo phía chủ đầu tư, dự án mới bán đất được 30%, trong đó chỉ có 3% diện tích đã xây dựng nhà. Đáng nói, qua thanh tra, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai phát hiện tại Khu đô thị này có nhiều nhà ở xây dựng sai khác so với thiết kế; hệ thống thoát nước, đường giao thông cũng chưa hoàn thành theo thiết kế ban đầu.
Liên quan đến các dự án BĐS tại Gia Lai, cuối năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số sai phạm của tỉnh Gia Lai như: Tổ chức giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá; quá trình xác định giá đất tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ, chậm.
Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án đều chậm, cơ chế thực hiện dự án chưa phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, biểu hiện sự xơ cứng và thiếu tính thực tiễn, chưa có biện pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư, gây khó khăn, bất cập trong việc huy động nguồn tiền có hiệu quả.