Công trình nước sạch xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng |
Niềm vui nước sạch
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh đã xây dựng được 276 công trình cấp nước tập trung (gồm: 156 công trình cấp nước tự chảy, 120 công trình cấp nước bơm dẫn) và trên 186.000 giếng đào, giếng khoan hộ gia đình.
Nhờ đó, hàng nghìn người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó khăn về nước sinh hoạt của tỉnh Gia Lai đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 97% (tăng 8,04% so với năm 2015). Nhận thức của người dân nông thôn ở tỉnh Gia Lai về sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày cũng được nâng cao.
Năm 2020, toàn tỉnh Gia Lai có 14 công trình cấp nước tập trung được hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, có một số công trình nước sạch đạt Quy chuẩn quy định của Bộ Y tế, khiến người dân trên địa bàn thụ hưởng rất vui mừng. Huyện Chư Prông có 03 công trình nước sạch vừa được đưa vào sử dụng, cấp nước. Các công trình đều có hệ thống lọc, khử trùng nước trước khi dẫn vào đường ống cấp nước đến từng hộ gia đình.
Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc (thôn Bình An, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) phấn khởi: “Nhờ có công trình nước sạch, tôi và bà con thôn Bình An rất vui và cảm thấy yên tâm vì chất lượng nước mình được sử dụng đã đạt tiêu chuẩn nước sạch. Mùa khô năm sau cũng không còn lo thiếu nước vì khô hạn nữa”.
Theo bà Hoàng Thị Ngát - Phó phòng Nông nghiệp huyện Chư Prông, toàn huyện có 22 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn. Phòng Nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền đến bà con về việc sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý để nâng cao hiệu quả vận hành các công trình cấp nước trên địa bàn.
Người dân xã Bàu Cạn lắp đặt đồng hồ nước để quản lý và sử dụng nước hiệu quả |
Nâng tỷ lệ công trình hoạt động bền vững
Ông Nguyễn Chúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai) cho biết: Hiện tại, tỷ lệ công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động bền vững, tương đối bền vững còn thấp, khoảng 150/276 công trình (chiếm 54,35%); trên 50 công trình đã ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu và rừng đầu nguồn cùng thảm thực vật bị suy giảm đã làm nhiều công trình hồ chứa thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho các nhà máy nước. Ngoài ra, đặc điểm địa hình phức tạp, dân cư phân tán dẫn tới tình trạng đầu tư các công trình cấp nước tập trung nông thôn quy mô nhỏ, khó khăn trong vận hành, duy tu bảo dưỡng và việc xã hội hóa cấp nước nông thôn đang gặp nhiều khó khăn vì nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyễn Chúc, để đạt mục tiêu tỷ lệ dân số nông thôn tại tỉnh Gia Lai được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 98% trở lên trong giai đoạn 2021-2025, các ngành và địa phương của tỉnh cần triển khai những giải pháp căn cơ, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình hiện có.
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục huy động tổng lực các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là huy động nội lực trong nhân dân và nguồn vốn tín dụng; kết hợp mở rộng mạng lưới đường ống của công trình cấp nước thị xã, thị trấn để đấu nối vào công trình cấp nước nông thôn liền kề.
“Riêng với các công trình bị cạn kiệt, suy giảm nguồn nước cấp, cần thực hiện giải pháp chuyển đổi nguồn nước thay thế để đảm bảo lượng nước cung cấp ổn định cho người dân sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương coi việc duy trì bền vững công trình cấp nước tập trung nông thôn là tiêu chí để đánh giá xếp loại thôn, xã hàng năm”, ông Chúc thông tin.