Gia Lai: Khai thác cát gây sạt lở, dân mất đất canh tác

10/09/2017 00:00

(TN&MT) – Nhiều người dân tại hai làng Ia Klên và Tô Venr (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai) tố cáo việc khai thác cát rầm rộ của các doanh nghiệp đã...

 

(TN&MT) – Nhiều người dân tại hai làng Ia Klên và Tô Venr (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai) tố cáo việc khai thác cát rầm rộ của các doanh nghiệp đã gây ra sạt lở nghiêm trọng ở suối Đak Ong chảy qua 2 làng và khiến hàng trăm hecta đất canh tác của bà con bị hoang hóa, không thể canh tác.

Một bên bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng
Một bên bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng

Theo người dân 2 làng Ia Klên và Tô Venr, vài năm trước, suối Đak Ong đoạn chảy qua 2 làng chỉ là dòng suối nhỏ, rộng khoảng 3 – 4m. Suối là nơi người dân lấy nước phục vụ tưới tiêu ruộng đồng và canh tác hoa màu ở khu vực xung quanh. Còn giờ đây, con suối đã mở rộng ra rất nhiều, có đoạn rộng lên đến 30m, hai bên bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm sạt lở tạo nên những vực sâu từ 2 – 4m.

Dòng chảy trên con suối nhỏ giờ không còn như trước nữa, mỗi lần mưa lớn, hay đến mùa bão lũ, dòng nước chảy mạnh khiến tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ra sạt lở được người dân tố cáo là do việc khai thác cát rầm rộ ở khu vực xã Hà Tây (huyện Chư Păh). Hậu quả là đất canh tác của người dân ở 2 bên bờ suối cứ bị “nuốt” dần và thu hẹp lại.

Ông Nguyễn Văn Chánh (làng Ia Klên) cho biết: “Tình trạng sạt lở đất diễn ra đã nhiều năm nay. Suối sạt lở ngày càng sâu xuống khiến người dân mất đất canh tác, việc trồng trọt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn nhất là đối với cây lúa”.

Chiều sâu con suối ngày càng tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Hàng trăm ha đất trồng mì của người dân đã bị “nuốt” do sạt lở

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Đinh Hưn (làng Tô Venr) cho hay: “Mảnh ruộng nhà mình nằm gần suối, trước kia mình vẫn trồng và thu hoạch một năm hai mùa lúa. Nhưng từ khi suối ngày càng sạt lở sâu xuống, mình không có cách nào để dẫn nước từ dưới suối lên ruộng nữa nên bây giờ chỉ trồng một năm được một vụ Đông Xuân khi có nhiều nước mưa, thời gian còn lại đó là bỏ không thành nơi thả bò”.

Thực tế tìm hiểu, tình cảnh bị mất đất, bỏ hoang đất canh tác không chỉ xảy ra đối với hộ ông Đinh Hưn, mà là thực trạng chung của rất nhiều hộ dân có ruộng, rẫy gần nơi con suối đi qua.

Theo một cán bộ địa chính xã Ia Khươl, tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 70ha cây hoa màu và gây hoang hóa đất. Do dòng suối bị đào sâu hơn so với mặt ruộng gây nên tình trạng thiếu nước, khiến gần 30ha ruộng lúa bị bỏ hoang.

Hàng trăm ha đất trồng mì của người dân đã bị “nuốt” do sạt lở

Chiều sâu con suối ngày càng tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng – Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Chư Păh thừa nhận, nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở ở khu vực trên là do việc khai thác cát của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do đất ở khu vực này là đất phù sa cổ, kết cấu đất không vững. Thêm vào đó, vài năm trở lại đây lượng mưa nhiều khiến cho việc sạt lở càng xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Ông Thắng cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ mới khảo sát chứ chưa có thống kê cụ thể thiệt hại của người dân. Sắp tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện Chư Păh, kiến nghị lên Sở Tài nguyên & Môi trường để có hướng xử lý tình trạng sạt lở trên. Đối với các doanh nghiệp khai thác cát, chúng tôi cũng sẽ xem xét lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết hợp với các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu để có giải pháp khắc phục sạt lở tốt nhất”.

Những hậu quả do sạt lở gây ra là rất nghiêm trọng và cần được ngăn chặn, khắc phục càng sớm càng tốt. Mong rằng, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai sớm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đất trên để người dân yên tâm canh tác, sản xuất.

Bài & ảnh: Quế Mai

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Khai thác cát gây sạt lở, dân mất đất canh tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO