Gia Lai: Giải pháp nào để ngăn chặn việc mất đất sản xuất ở đồng bào DTTS?

20/02/2019 13:03

(TN&MT) - Việc lợi dụng lòng tin, sự thiếu, hiểu biết của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để thuê đất, sang nhượng đất và chiếm đất trái pháp luật đã không còn xa lạ, mà ngày càng diễn biến phức tạp tại tỉnh Gia Lai. Hậu quả là mất đất, đói nghèo và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả nhất?

D1
Những hộ dân ở xã Đăk Tơ Ve (huyện Chư Păh) thiếu đất sản xuất vì đã bán đất 

Mất đất vì đâu?

Thực tế diễn ra trong vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Gia Lai nhiều năm nay đó là vấn đề mất đất sau khi cho thuê đất, hoặc là bị lợi dụng để sang nhượng đất. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng và Trần Minh Dũng (cùng ở phường Thắng Lợi, tỉnh Kon Tum) xin thuê 37,5 ha đất sản xuất của các hộ người đồng bào tại xã Hà Tây và Đăk Tơ Ver (huyện Chư Păh, Gia Lai) trong 15 năm để trồng  mít, mỳ.

Tuy nhiên, sau khi thuê đất được 7 năm, ông Dũng và ông Thắng tìm mọi cách để mua lại diện tích này vì đã trồng cà phê và cao su ổn định. Mặc dù chưa làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhưng 2 ông này đã giữ luôn bìa đỏ đất của các hộ với tổng diện tích 10,5ha. Sự việc chỉ bị phát hiện khi ông Dũng và ông Thắng đến Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 37,5 ha đất trên.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Tất Bình (SN 1965) đã lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào DTTS tại huyện Ia Grai (Gia Lai) để mượn bìa đỏ đất hoặc đến văn phòng công chứng sang nhượng quyền sở hữu đất sang tên mình rồi “cắm” vào ngân hàng để vay vốn.

Đến khi nhân viên ngân hàng tìm về tận nhà để thu lãi vì không liên lạc được với ông Bình, mọi người mới biết ông Bình đã rời khỏi làng và không thể liên lạc được. Theo Cơ quan Công an huyện Ia Grai, tại làng Dun De (xã Ia Bă) và làng Bồ 2 (xã Ia Yok) có đến 4 hộ dân thế chấp gần chục ha đất nông nghiệp, đất ở cho ông Bình vay với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Cũng tương tự như trên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu vay vốn làm ăn của các hộ dân người đồng bào DTTS, bà Nguyễn Thị Thu (SN 1968, trú xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã cho một số hộ dân mượn tiền, yêu cầu thế chấp sổ đỏ, sau đó lừa người dân ký vào hồ sơ sang nhượng QSDĐ mới được vay vốn. Có bìa đỏ đất, bà Thu tiếp tục sang nhượng lại cho người khác và lấy tiền tiêu sài cá nhân. Với hoạt động lừa đảo này, bà Thu đã chiếm đoạt hàng trăm triệu và bị Cơ quan Công an khởi tố bị can.

Hệ quả khôn lường

Mất đất sản xuất là tình trạng diễn ra ở nhiều làng người đồng bào DTTS tại Gia Lai, thế nhưng người dân vẫn không thể nhận thức đầy đủ nguyên nhân để tránh đi tình trạng này. Do không am hiểu pháp luật về đất đai, nhận thức về giá trị, quyền lợi của mình đối với tài sản đất đai còn hạn chế, cho nên khi gặp khó khăn về tiền để đầu tư cho cây công nghiệp dài ngày như: cây cà phê, cây tiêu, cây cao su; người đồng bào DTTS hay dùng giấy chứng nhận QSDĐ để tín chấp theo thỏa thuận của hai bên và không thông qua chính quyền địa phương xác nhận hay để được hướng dẫn.

Một số trường hợp còn đưa tín chấp với các đối tượng “tín dụng đen”, việc lãi xuất không được cơ quan chính quyền địa phương quản lý mà do hai bên thỏa thuận dân sự với nhau, dẫn đến việc không trả được tiền lãi với tiền gốc khi đến hạn. Từ đó, buộc phải bán rẫy cho các đối tượng tín chấp....

Hậu quả cuối cùng là thiếu đất sản xuất, đói nghèo lại tái phát đeo bám. Thiếu đất, bà con lại vào rừng để khai hoang phát rẫy mới, dẫn đến tình trạng phá rừng tràn lan. Hàng ngàn ha rừng cứ lần lượt bị đốn hạ, thay vào đó là những rẫy mì, rẫy cà phê.

Nếu không lấn chiếm được đất rừng, thì bà con chỉ còn một cách là trông chờ vào chủ trương của Chính phủ về việc “bố trí đất sản xuất cho những hộ gia đình đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất”. Đất không thể sinh sôi ra được, trong khi điệp khúc “thiếu thì được cấp, cấp xong lại bán, bán rồi lại thiếu” cứ lặp lại nhiều lần, tạo nên sức ép không nhỏ cho chính quyền địa phương.

Việc tự ý chuyển nhượng, cho thuê đất không thông qua chính quyền gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, đăng ký đất đai, đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu UBND các xã không kiểm soát chặt chẽ và không tuyên truyền sâu rộng về pháp luật đất đai cho người sử dụng đất thì rất dễ để xảy ra tình trạng người đồng bào DTTS bị mất đất.

D2
Những hộ dân bị ông Nguyễn Tất Bình lừa mượn bìa đỏ đất rồi thế chấp vào ngân hàng để lấy tiền

Cần siết chặt quản lý

Trước tình trạng đất sản xuất ngày càng thu hẹp, đời sống người đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, các chính sách hỗ trợ, cấp đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS đã được thực hiện. Thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, đến năm 2018 toàn tỉnh đã cấp 5.129,6 ha đất sản xuất và 62,5 ha đất ở cho 15.405 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.

Ông Huỳnh Kim Đồng - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nhận định: “Việc hỗ trợ đất sản xuất cho bà con đồng bào DTTS đã giúp người dân yên tâm sản xuất ổn định lâu dài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng và giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; góp phần ngăn chặn tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị tại các địa phương”.

Ngoài việc cấp đất, ở một số huyện đã dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương để mở các lớp dạy nghề cho người đồng bào DTTS. Ông Trịnh Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Trong năm 2019 và 2020, ngoài việc lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, huyện Đức Cơ sẽ có chính sách hỗ trợ các học viên có đủ điều kiện để sau khi học nghề được tham gia vay vốn, phát triển sản xuất”.

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích đất để giải quyết cho người đồng bào DTTS đã khan hiếm, chủ yếu lấy từ đất lâm nghiệp bạc màu nên hiệu quả ban đầu không cao, cần có thời gian cải tạo. Thêm vào đó, diện tích ít tập trung, xa khu dân cư dẫn đến việc khảo sát, khai hoang, đầu tư thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Cho nên, giải pháp ưu tiên đó là tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách sống, biết quý trọng đất sản xuất, hiểu được giá trị của giấy chứng nhận QSDĐ, tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đất. Đồng thời, chức năng quản lý đất đai của chính quyền các cấp phải được siết chặt. UBND các xã phải kiểm soát chặt các đối tượng đến xâm canh đất tại địa phương, quản lý chặt chẽ về các hồ sơ đất đai trên địa bàn, nhất là giấy tờ chuyển nhượng có liên quan đến người đồng bào DTTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Giải pháp nào để ngăn chặn việc mất đất sản xuất ở đồng bào DTTS?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO