Trước đây, bao bì, vỏ thuốc BVTV sử dụng trong trồng trọt của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai không được tổ chức thu gom, xử lý nên thường bị vứt bỏ bừa bãi trên bờ ruộng, nương rẫy, sông, suối. Vấn đề tồn dư thuốc BVTV gây ô nhiễm đất, nước, ảnh hưởng đến động vật, thực vật, hệ sinh thải thủy sinh và sức khỏe của con người.
Do đó, việc xây dựng các bể chứa đựng bao bì, vỏ thuốc BVTV sẽ giúp một lượng lớn chất thải nguy hại này được thu gom, xử lý theo đúng quy trình, đảm bảo vấn đề môi trường. Theo đó, mỗi bể có thể tích 1m3, cứ 5ha cây công nghiệp hoặc 10ha lúa sẽ được đặt 01 bể. Định kỳ hàng quý sẽ có đơn vị chuyên thu gom và xử lý theo đúng quy định.
Tại huyện Ia Grai (Gia Lai), từ năm 2017 đến nay, huyện đã xây dựng được 376 bể bê tông để đựng bao bì, vỏ thuốc BVTV với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng. Những bể bê tông này được đặt ở các vị trí thuận tiện cho việc sử dụng và thu gom đình kỳ hàng quý. Bên ngoài bể có chú thích, hướng dẫn sử dụng bể rác để tránh việc thải bỏ chung chất thải sinh hoạt với chất thải nguy hại.
Ông Thái Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết: Phòng TN&MT huyện Ia Grai đã cùng với chính quyền 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ia Grai tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tới bà con nhân dân ở các thôn, làng để bà con nắm rõ cách sử dụng bể đúng mục đích và đạt hiệu quả cao.
Cũng theo ông Tuấn, việc đặt bể giúp phân tách được chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại để xử lý riêng. Bao vỏ thuốc BVTV được xử lý triệt để, không còn tồn đọng tại địa phương, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Từ đó, có chế tài để xử phạt những trường hợp không bỏ chất thải nguy hại đúng nơi quy định.
Hoạt động này đang được triển khai mở rộng tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai. Theo thống kê từ Sở TN&MT Gia Lai, hiện toàn tỉnh Gia Lai đã có 13/17 huyện, thị xã triển khai xây dựng bể chứa bao bì, thuốc BVTV với tổng số lượng là 938 bể. Trong đó, một số địa phương triển khai tốt như: huyện Ia Grai (376 bể), huyện Krông Pa (148 bể), huyện Mang Yang (168 bể)…
Công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được chính quyền địa phương các huyện của tỉnh Gia Lai quan tâm. Từ đó, nâng cao ý thức của người dân về rác thải nguy hại, trách nhiệm của người dân đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường; từng bước giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV gây ra, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để công tác hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đạt hiệu quả cao, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn trong năm 2019. Đồng thời, tích cực tuyên truyền thường xuyên, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Việc đưa đưa nội dung thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa cũng như gắn với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là một hoạt động để thúc đẩy phong trào toàn dân thu gom bao vỏ thuốc BVTV, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Gia Lai.