Gia Lai: Dân than phiền vì mùi hôi từ các cơ sở chế biến mủ cao su

25/10/2018 22:56

(TN&MT) - Người dân sinh sống gần các cơ sở, xí nghiệp thu mua, chế biến mủ cao su tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục than phiền về vấn đề ô nhiễm mùi hôi. Mặc dù ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng việc xử lý ô nhiễm mùi hôi từ các cơ sở này vẫn còn nhiều khó khăn.

mu1
Cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su nhỏ lẻ tại xã Ia Krăi (huyện Ia Grai) bị người dân phản ánh về vấn đề gây ô nhiễm mùi hôi

Dân kêu trời vì mùi hôi mủ cao su

Theo đơn kiến nghị của 16 hộ dân làng Kỳ, xã Ia Krăi (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), nhiều tháng nay, cuộc sống sinh hoạt của người dân làng Kỳ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối nồng nặc từ 2 điểm buôn bán mủ cao su của hộ gia đình bà Bùi Thị Thanh Thúy và hộ gia đình ông Ngô Quốc Toàn. Các hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi UBND xã Ia Krăi, yêu cầu 2 điểm thu mua này phải di dời ra khỏi khu dân cư.

Ông Nay Thương - Thôn phó làng Kỳ, xã Ia Krăi (huyện Ia Grai) bức xúc nói: “Dân làng chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi thối của 2 hộ này gây ra nên đã kiến nghị nhiều lần đến chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương đã cùng dân làng đến kiểm tra, xử phạt, yêu cầu các điểm buôn bán mủ cao su này di dời ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, các hộ buôn bán mủ cao su đã không chấp hành, cố tình hoạt động tiếp khiến mùi hôi ngày càng lan rộng, gây ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của dân làng”.

Được biết, cả 2 cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su trên đều chưa có bản đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Công tác vận động 2 cơ sở này di dời ra khỏi dân cư của chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều lần, nhưng chủ cơ sở vẫn chưa thực hiện.

Tại xã K’Dang (huyện Đak Đoa), người dân cũng đang ngày đêm phải chịu đựng mùi hôi thối của mủ cao su bốc lên từ Xí nghiệp chế biến cao su K’Dang gây ra. Ông Nguyễn Nhân, một người dân xã K’Dang phàn nàn: “Do không chịu được mùi hôi thối của mủ cao su, nhiều người dân đã chuyển đi nơi khác ở. Chúng tôi ở lại là do cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Giờ chỉ mong cấp chính quyền, công ty, xí nghiệp làm sao để giảm bớt mùi hôi thối để đảm bảo sức khỏe cho người dân địa phương”.

Trước đó, Báo điện tử TN&MT cũng đã có bài viết phản ánh về việc hàng trăm học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) và người dân địa phương phải sống chung với mùi hôi thối đang bủa vây bầu không khí do cơ sở thu mua mủ cao su nằm sát cạnh trường và nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty 75 (Binh đoàn 15).

Ông Siu Luynh - Chủ tịch UBND xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm mùi hôi do các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su tại địa bàn năm nào cũng diễn ra khiến người dân địa phương rất bức xúc. Chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra đo đạc các chỉ số, tuy nhiên mọi chỉ số đều ở mức an toàn, nước thải ra môi trường vẫn trong sạch nên chưa đủ căn cứ để xử phạt. Chính quyền xã Ia Krêl đã đề nghị cơ sở, Công ty 75 hạn chế, khắc phục tối đa mùi hôi để không ảnh hưởng đến người dân trên địa bàn”.

mu2
Tháp khử mùi sơ cấp của Xí nghiệp chế biến cao su K’Dang không thể xử lý triệt để mùi hôi mủ cao su

Khó ngăn chặn, xử lý triệt để

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 và Khoản 1, Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường: Đối với các dự án xây dựng cơ sở chế biến mủ cao su có công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai thực hiện.

Còn đối với các dự án xây dựng cơ sở chế biến mủ cao su có công suất nhỏ hơn 1.000 tấn sản phẩm/năm và các cơ sở mua bán mủ cao trước khi triển khai thực hiện phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường (do UBND huyện xác nhận). Tuy nhiên, thực tế nhiều cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su nhỏ lẻ tại địa bàn các huyện của tỉnh Gia Lai vẫn chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Những trường hợp này khi bị ngành chức năng phát hiện, nhắc nhở, số ít chủ cơ sở còn cố tình vi phạm, không thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường mà vẫn tiếp tục hoạt động. Theo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, các trường hợp không thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường mà vẫn tiếp tục hoạt động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 triệu đến 3 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động. Trường hợp các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su đã bị đình chỉ hoạt động mà vẫn tiếp tục hoạt động, cố tình không thực hiện việc khắc phục vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Phóng viên Báo TN&MT, bà Lê Thị Hồng Quyên - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết: “Về mùi hôi, cho đến nay vẫn chưa có công nghệ xử lý triển để mùi hôi, chưa có quy chuẩn về mùi hôi, việc đánh giá về mùi hôi là theo cảm quan. Theo quy định tại khoản 1, điều 15 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ có hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường. Do đó, chưa tạo được sức ép có tính răn đe đối với các cơ sở”.

Trong thời gian tới, để siết chặt quản lý về vấn đề ô nhiễm mùi hôi từ các cơ sở chế biến, thu mua mủ cao su trên địa bàn tỉnh, bà Lê Thị Hồng Quyên cho hay: “Sở TN&MT Gia Lai sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở chế biến cao su, mủ cao su có công suất lớn. Sở TN&MT đã có kế hoạch tiến hành kiểm tra, lấy mẫu định kỳ đối với một số cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở nhỏ lẻ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Dân than phiền vì mùi hôi từ các cơ sở chế biến mủ cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO