Sáng 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo của Tỉnh ủy Gia Lai và các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch; thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), GRDP bình quân đầu người, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, kim ngạch nhập khẩu... đạt và vượt kế hoạch.
Đây là thành quả bước đầu trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhất là trong phát triển các chương trình, dự án nông nghiệp, các dự án năng lượng tái tạo.
Các ý kiến đánh giá Gia Lai triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức tiêm vaccine an toàn, đã và đang tích cực triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Năm 2021, tỉnh Gia Lai đạt nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội. GRDP tăng 9,71%, trong đó công nghiệp - xây dựng là điểm sáng tăng 21,97%, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 4,88%, dịch vụ tăng 1,52%; GRDP bình quân đạt 56,31 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách đạt trên 7.881 tỷ đồng (bằng 173,1% dự toán Trung ương giao). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 77,44% số vốn đã phân bổ.
Tỉnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha; ba doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã phát triển 214 sản phẩm OCOP. Có 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai kế hoạch trồng rừng được hơn 8.013 ha, chăm sóc rừng đạt 24.927 ha, khai thác 153.000 m3 gỗ trồng rừng.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24.801 tỷ đồng, tăng 10,13%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD, tăng 5,17%.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (ParIndex 2020 xếp 21/63, tăng 20 bậc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên; PCI 2021 xếp 26/63, tăng 12 bậc đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên; SIPAS 2020 xếp 28/63, tăng 10 bậc; PAPI 2020 xếp 43/63, tăng 14 bậc).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội Gia Lai tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo đó, GRDP quý I tăng 7,08%. Thu ngân sách 4 tháng đạt hơn 2.362 tỷ đồng, tăng 4,5%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 8.844 tỷ đồng, tăng 15,78%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 320 triệu USD, tăng 48%. Thành lập mới 315 doanh nghiệp, tăng 13,6%, toàn tỉnh hiện có 8.060 doanh nghiệp...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Tỉ lệ hộ nghèo là 3,96%, giảm 1,42% so với cuối năm 2020.
An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng.
Quyết tâm cao trong triển khai dự án cao tốc Gia Lai - Bình Định
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của Gia Lai còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, năng lực cạnh tranh còn thấp. tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.
Đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở chưa phát huy hiệu quả. Hạ tầng giao thông tuy được cải tạo, nâng cấp song vẫn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tình hình quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều vấn đề phức tạp.
Tỉnh còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế tỉnh phát triển chưa bền vững; một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn.
An ninh trên một số lĩnh vực còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Các kiến nghị của người dân liên quan đến một số dự án trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết dứt điểm. Việc giảm tai nạn giao thông chưa đạt (3 tháng đầu năm 2022 tăng cả 3 tiêu chí, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng). Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế.
Tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị, trước hết là về đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, tỉnh đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai trước năm 2030. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết qua trao đổi, hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đều có quyết tâm cao để triển khai dự án này.
Tỉnh cũng đề nghị giúp tỉnh thu hút vốn ODA với một số dự án; kiến nghị liên quan công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông); chuyển đổi diện tích trồng cao su kém phát triển; kiến nghị về nghiên cứu tổng thể, phát huy giá trị Di tích quốc gia khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá có niên đại cách đây khoảng 80 vạn năm.
Tỉnh cũng đề nghị nghiên cứu có các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện nay để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng cần có cơ chế riêng dành cho những địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng lớn như Gia Lai.
Trả lời các kiến nghị của Gia Lai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đang cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có giải pháp chung với các khó khăn, vướng mắc nhiều địa phương đang gặp phải liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, rừng…; cũng như giải pháp để bảo đảm lợi ích của những người dân, những địa phương làm tốt công tác giữ gìn, phát triển rừng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Quốc lộ 19 vẫn là con đường giao thông huyết mạch nối Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và cảng Quy Nhơn, cần được cải tạo, nâng cấp. Việc cải tạo Quốc lộ 25 nối Gia Lai với Phú Yên đang được triển khai. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đồng tình với kiến nghị của Gia Lai về nghiên cứu, đầu tư cao tốc Gia Lai-Bình Định trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết Gia Lai là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên và là một trong 10 địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, với việc dành một phần nguồn thu từ đất cho công tác này, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Tiềm năng to lớn về con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa
Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của cả nước. Thủ tướng điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, độ bao phủ rừng, cải cách hành chính, bảo vệ an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... của Gia Lai thời gian qua.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, đánh giá cao nhiều ý kiến phong phú, tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những ấn tượng với Gia Lai, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Theo đó, ấn tượng lớn nhất là Gia Lai có tiềm năng rất lớn về con người với dân số 1,5 triệu người, đây sẽ là yếu tố giúp Gia Lai phát triển nhanh và bền vững nếu biết phát huy tốt; bề dày, bản sắc truyền thống lịch sử - văn hóa - cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước; điều kiện tự nhiên thuận lợi với diện tích lớn thứ 2 cả nước, đất trồng trọt, trồng cây công nghiệp chiếm diện tích lớn, những tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió...
Tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông với các tuyến Quốc lộ 14, 19, 78, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, sân bay Pleiku và đường biên giới dài khoảng 90 km với Campuchia cùng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh...
Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với thế mạnh nổi trội về sự hấp dẫn của thiên nhiên vùng núi cao với những khu rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú, nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc...
"Như vậy, cả 3 yếu tố của nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) thì Gia Lai đều có thế mạnh, tỉnh có khả năng phát triển nhanh và bền vững. Gia Lai và các bộ, ngành phải trăn trở, suy nghĩ để phát huy tối đa các yếu tố này, biến truyền thống thành nguồn lực, di sản thành tài sản", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá Gia Lai đã đi đúng hướng, đã có đường nét phát triển, phải tạo động lực để tỉnh tăng tốc nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Đồng thời, thu hút các nguồn lực bên ngoài, coi nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Những trăn trở của Thủ tướng
Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lớn, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Việc phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập, việc kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, với các cảng biển còn khó khăn. Hiện, các dự án giao thông để thực hiện mục tiêu này đang được triển khai.
Trăn trở thứ 3 của Thủ tướng là tỉnh đã có sự tự tin vươn lên từ nội lực nhưng chưa lớn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn để đi lên, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Tư tưởng phải thông, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Trăn trở thứ 4 của Thủ tướng là các bộ, ngành đã quan tâm tới tỉnh nhưng chưa nhiều, cần phải quan tâm hơn nữa, làm sao để "lãnh đạo các bộ, ngành vào đây nhiều hơn còn lãnh đạo Gia Lai phải ra Trung ương ít hơn".
Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp còn hạn chế.
Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Trước hết, phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả.
Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, bất cập, phát huy kết quả đạt được, mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, vươn lên mạnh mẽ, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020 -2025.
Tỉnh cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.
Dồn lực cho hạ tầng chiến lược để Gia Lai sớm có đường ra biển
Nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trọng tâm.
Trước hết, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để "khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia".
Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ tiêm chủng vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 vừa ban hành. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, tỉnh cần mạnh dạn cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết, tránh manh mún, dàn trải, kéo dài, tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa cao... Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông…
Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục nâng hạng các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong nước, quốc tế.
Quan tâm thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, dành nguồn lực triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo. Đặt con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, dân vận, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng chống ma túy, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
"Tỉnh cần tập trung giải quyết cơ chế, chính sách để phát triển, phát triển hạ tầng chiến lược và quan trọng nhất tự tin vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, tự lực tự cường hơn nữa, phát huy nội lực mạnh hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ về đội bóng của "Phố Núi" Hoàng Anh Gia Lai, đạt nhiều thành tích lớn trong nước và khu vực, để chứng minh về khả năng tự lực, tự cường vươn lên của Gia Lai.
Cho ý kiến về các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ cùng với Gia Lai để tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku-Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư. Tỉnh thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiết kiệm ngân sách, tham gia bố trí nguồn vốn cho dự án này để có đường ra biển nhanh chóng, thuận tiện.
Thủ tướng cũng đồng tình về việc xây dựng cơ chế, chính sách với những địa phương có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm an ninh lương thực… Tinh thần là tạo điều kiện để địa phương và người dân có sinh kế, phát triển, giàu lên từ rừng, từ an ninh lương thực.
Thủ tướng đề nghị tỉnh khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành tập trung tổng kết Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010" trình Chính phủ trong quý III, để báo cáo các cấp có thẩm quyền càng sớm càng tốt. Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng và Chính phủ đã có chỉ đạo, đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ công tác để triển khai.