Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều tác động khiến thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều diễn biến bất thường. Hơn 1 tháng nay, tỉnh Gia Lai bước vào mùa mưa với cường độ mưa lớn, kéo dài liên tục nhiều ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của dân cư trên địa bàn.
Ngày 11/6, 03 thôn Phố Hiến, Đồng Tiến, làng Đút (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai) bị ngập cục bộ gây cô lập, không thể đi lại được, mọi liên lạc chỉ thông qua điện thoại. Có hơn 40 hộ dân bị ngập nước, chỗ ngập sâu nhất là khoảng 1,5m. Đến chiều cùng ngày, nước đã rút nhưng làng Đút vẫn còn bị cô lập do nước qua đập tràn còn quá lớn. Thống kê ban đầu có hàng chục con gia súc bị chết và bị nước cuốn đi, 04 ao cá bị nước tràn qua.
Trước đó, 04 xã của huyện Chư Prông là Ia Lâu, Ia Piar, Ia Púch và Ia Drăng cũng bị ngập cục bộ, trong đó có 70 hộ dân bị ảnh hưởng đã được UBND các xã chủ động di dời lên vị trí cao hơn. Sau khi nước rút, các xã đã bố trí lại chỗ ở cho người dân. Sự việc không có thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hoa màu của người dân. Để tránh nguy hiểm, cán bộ các xã đã xuống các thôn khuyến cáo người dân tránh xã các điểm có nước, đồng thời không nên đi làm rẫy qua các khu vực sông suối.
Từ ngày 02 đến 04/6/2018, do mưa lớn khiến khu vực cống trên đường vào làng Krăk (xã Đăk Song, huyện Kông Chro, Gia Lai) bị sạt lở đất cục bộ (chiều dài 6m, sâu 2m) gây tắc đường và sạt lở mép bên phải đường (dài 8m, sâu 1,5m).
Mưa giông lớn kèm lốc xoáy cũng đã gây thiệt hại lớn về nhà ở, nông lâm nghiệp, chăn nuôi, xây dựng của 200 hộ dân và 05 cơ quan, đơn vị tại địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ước tính tổng thiệt hại gần 7 tỉ đồng. Cũng trong một tháng đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 03 người và 02 con bò bị sét đánh chết.
Trước những diễn biến bất thường của mưa bão, Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên đã có nhiều bản tin cảnh báo về các hình thái thời tiết bất lợi sẽ diễn ra trên địa bàn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện của tỉnh tổ chức trực 24/24, đồng thời theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết, xả nước, mực nước của các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai) cho biết: “Ngành chức năng của tỉnh Gia lai thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, cánh báo người dân về công tác phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như: phát tờ rơi về các loại hình thiên tai và cách phòng tránh; chiếu phim thiên tai 2017; chủ động triển khai kế hoạch phòng tránh thiên tai đến các địa phương”.
“Đặc biệt, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thiên tai và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho các em học sinh trong trường học. Tăng cường phổ biến những kinh nghiệm của cộng đồng, bao gồm cả kiến thức bản địa cho người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại xảy ra”, ông Lương nói thêm.
Ngay từ đầu mùa mưa, tỉnh Gia Lai đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, thống kê thiệt hại và báo cáo về tỉnh, đề xuất các giải pháp khắc phục, hỗ trợ thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Những năm trở lại đây, áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng các cơn bão đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản, hoa màu cho người dân của tỉnh Gia Lai, khiến họ không khỏi nơm nớp lo sợ khi mùa mưa bão đến. Do đó, việc chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra là điều cần thiết và cần sự vào cuộc của cả chính quyền các cấp cùng người dân.