Giám sát chặt chẽ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có 3 Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN), đó là KKT Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, KCN Trà Đa và KCN Nam Pleiku. Việc thu hút đầu tư vào các KKT, KCN đã góp phần lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế cho tỉnh, song cũng tạo ra áp lực cho công tác quản lý, BVMT của địa phương. Do đó, tỉnh Gia Lai luôn ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sản xuất.
Tại KCN Trà Đa, với 62 dự án đầu tư trong các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất đá granite, nông sản, gỗ…Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh Gia Lai đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000m3/ngày/đêm. Công ty còn hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải, bùn thải tự động và kết nối truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT Gia Lai để quản lý, giám sát. Các thông số quan trắc môi trường định kỳ về nước thải sau xử lý, bùn thải, môi trường không khí xung quanh tại KCN Trà Đa đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KKT tỉnh Gia Lai cho biết: Để tăng cường công tác quản lý môi trường tại KCN Trà Đa, năm 2021, Công ty đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Gia Lai xây dựng mô hình “Thu gom, bảo quản và xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt chuẩn”, phổ biến thực hiện đến tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN. Thống kê đến hết năm 2021, KCN Trà Đa đã phát thải khoảng 145,322 tấn chất thải, gồm: Chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp.
“Mô hình trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT cho cơ quan chức năng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đối với công tác BVMT. Đồng thời, giúp phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT tại KCN Trà Đa đạt hiệu quả hơn. Hiện tại, Công ty đang xây dựng Quy chế BVMT của KCN Trà Đa theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và sẽ áp dụng trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Quyết cho hay.
Siết chặt quản lý
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 trước đây và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN&MT Gia Lai đã yêu cầu các KCN, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh phải lắp hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Đến nay, toàn tỉnh Giai Lai có 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành lắp đặt và kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT và điện thoại thông minh để theo dõi, quản lý.
Ông Lương Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở TN&MT Gia Lai nhận định: “Việc đưa vào lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi và thiết bị lấy mẫu tự động đã giúp ích rất lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường”.
Với những thay đổi của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hoạt động thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường cũng được Sở TN&MT Gia Lai siết chặt ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các thành viên Hội đồng Thẩm định kiểm tra thực tế khu vực triển khai dự án, đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải. Hiện, tỉnh Gia Lai có 325 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu BVMT của dự án.
Theo ông Lương Thanh Bình, để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng, ngoài tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin, lồng ghép trong các chương trình tại địa phương, Sở TN&MT Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh với hơn 150 người tham dự.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở TN&MT Gia Lai còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 14 đợt tập huấn công tác BVMT cho khoảng 1.400 hội viên Hội Nông dân trên địa bàn. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền và triển khai các quy định của pháp luật về BVMT bằng các hình thức phù hợp để Luật Bảo vệ môi trường 2020 thực sự đi vào cuộc sống, được các tổ chức, cá nhân hiểu rõ, thực hiện và đồng hành” - ông Lương Thanh Bình thông tin.