Gia Lai 47 năm sau Ngày giải phóng: Từ hành trình khai hoang, vỡ đất

Quế Mai| 30/04/2022 11:14

(TN&MT) - Sau giải phóng năm 1975, chính quyền và người dân tỉnh Gia Lai đã chung sức cùng nhau khôi phục lại nền kinh tế cho tỉnh. Những chiến dịch khai hoang, vỡ đất để phục hóa sản xuất đã giúp đảm bảo lương thực cho người dân, ổn định an ninh chính trị, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Gia Lai ngày nay.

“100 ngày 23 ngàn ha ruộng đất”

Trước muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai đã đề ra những nhiệm vụ cấp thiết cần thực hiện như: tập trung định canh, định cư cho 6 vạn dân; tiếp nhận thêm 7 vạn lao động kinh tế mới; khai hoang ruộng đất để mở rộng diện tích gieo trồng…

Từ đó, chiến dịch “100 ngày 23 ngàn ha ruộng đất” được khởi xướng. Đây là chiến dịch mở màn cho phong trào khai hoang, vỡ đất của chính quyền và người dân Gia Lai bấy giờ. Thực hiện chiến dịch này, Gia Lai đã vận động toàn dân ra đồng sản xuất, thành lập các đội thanh niên xung kích làm nòng cốt, đi đầu tham gia khai hoang. Phong trào lao động sản xuất phát triển rộng rãi và sôi nổi trong toàn tỉnh, từ nông thôn đến các thị trấn, thị xã; việc phục hóa, làm thủy lợi, xây dựng đồng ruộng với quy mô từng làng, từng xã và phối hợp nhiều làng, xã trong huyện hình thành, phát triển.

thumbnail_a2.-san-xuat-lua-tren-canh-dong.jpg

Nông dân liên kết, sản xuất lúa trên cánh đồng lớn theo hình thức dồn thửa, mang lại năng suất cao.

Ông Ngô Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai vẫn nhớ như in khí thế tham gia lao động của thanh niên và người dân lúc ấy: “Gia Lai đã xây dựng 3 công trình điểm để khai hoang là: Đê Bar thuộc xã Nam, huyện An Khê (nay là xã Tơ Tung, huyện Kbang); Bờ Ngoong, huyện Mang Yang (nay thuộc huyện Chư Sê) và Ia Lu, thị xã Pleiku (nay là xã Hòa Phú, huyện Chư Păh). Các huyện đã xây dựng một số công trường khai hoang với diện tích 50 - 60 ha, thậm chí có nơi lên tới hàng trăm ha”.

Cùng với chiến dịch khai hoang, mở đất, Pleiku đã chuyển 25 ngàn dân nội thị ra vùng ven sản xuất nông nghiệp, hình thành những điểm dân cư mới; đồng thời, khai hoang trên 2 ngàn ha đất ruộng, nâng diện tích canh tác lên 6 ngàn ha. Ngoài tham gia tại chỗ, nhiều người dân Pleiku còn đến khai hoang và định cư tại các điểm kinh tế mới trong tỉnh.

Ở thời điểm vừa kết thúc chiến tranh, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chỉ với những vật dụng thô sơ như: cuốc, rìu, rựa, công cuộc khai hoang, mở đất chủ yếu dựa vào sức người. Cùng với đó, lượng bom, mìn còn sót lại trong đất sau chiến tranh cũng là một trở ngại, nguy hiểm sống còn mà lực lượng khai hoang phải đối mặt. Dù vậy, với niềm vui chiến thắng và niềm tin ở tương lai đã mang đến cho người dân khí thế hừng hực, hăng say để vỡ đất, mở rộng diện tích canh tác, gieo trồng trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo an ninh lương thực

Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và toàn dân, với sự hỗ trợ tích cực của bộ đội, chỉ vài năm sau giải phóng, những cánh rừng, vùng đất hoang hóa đã trở thành nương rẫy, đồng lúa xanh tươi, màu mỡ, mơn mởn lộc hoa. Đến đầu năm 1977, toàn tỉnh Gia Lai có 117 công trường khai hoang, phục hóa; đạt chỉ tiêu 23 ngàn ha, diện tích đất canh tác là 101 ngàn ha, trong đó có 40 ngàn ha định canh.

“Kết quả của việc khai hoang, phục hóa và làm thủy lợi đã giải quyết được vấn đề lương thực, cơ bản ổn định đời sống cho người dân địa phương. Đây cũng là tiền đề giúp Gia Lai phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh”.

Ông Ngô Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai

“Thời gian đầu, toàn tỉnh chỉ có 630ha trồng lúa 2 vụ, số còn lại trồng hoa màu, mì, cà phê, cây ăn quả... Người dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chọn giống, thiếu phân bón và nguồn nước tưới không đảm bảo nên năng suất cây trồng thấp. Những vụ sau, tỉnh Gia Lai đã cử cán bộ xuống tận nơi, hướng dẫn người dân canh tác, gieo trồng nên năng suất và sản lượng tăng gấp đôi”, ông Ngô Thành cho biết.

Tỉnh Gia Lai cũng bắt đầu đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Có nguồn nước tưới đảm bảo, thuận lợi khiến người dân ở các địa phương vô cùng vui mừng. Màu xanh của những cánh đồng lúa trĩu bông, những rẫy mì, nương bắp trải dài chính là màu của sự no ấm, là khởi đầu cho sự phát triển đến những đổi thay của làng quê Gia Lai hôm nay.

Tiền đề phát triển kinh tế

Sau năm 1985, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai chuyển dần sang nền nông nghiệp toàn diện và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, ngành nông nghiệp Gia Lai có bước phát triển khá toàn diện cả về nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, Gia Lai hiện có 845.776ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 555.000 - 560.000ha. Ngoài cây lương thực, với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, tỉnh Gia Lai đã phát triển 439.788ha cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu…, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ra nước ngoài, góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Gia Lai đạt 610 triệu USD, tăng 5,17% so với năm 2020.

thumbnail_a1.-hang-tram-ha-dat-nong-nghiep.jpg

Đến nay, Gia Lai đã có hàng trăm ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất và tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững đã tạo nhiều chuyển biến đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai như tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường tại địa phương.

Ông Trần Xuân Khải - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho rằng, việc khai thác, phát huy lợi thế về điều kiện đất đai và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn từng địa phương trong tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai 47 năm sau Ngày giải phóng: Từ hành trình khai hoang, vỡ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO