Trạm Môi trường Vạn Yên, trước đây là trạm thủy văn cấp III được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tháng 7/1996, Tổng cục KTTV đã bàn giao Trạm từ Trung tâm Môi trường sang Đài KTTV khu vực Tây Bắc. Đến ngày 1/1/1999, chính thức có quyết định của Tổng cục KTTV giao cho trạm quan trắc các yếu tố: mực nước, nhiệt độ nước, không khí, lượng mưa. Quan trắc khí tượng nhiệt độ, ẩm độ không khí, nhiệt độ đất, gió, mưa, thời gian nắng, tầm nhìn ngang. Trạm Môi trường Vạn Yên được điều chỉnh xếp hạng I từ tháng 3/2012, theo quyết định của Bộ TN&MT.
Nằm ngay cạnh dòng sông Đà, Trạm Môi trường Vạn Yên hiện có 4 cán bộ, đa số đều ở lứa tuổi còn khá trẻ. Đến từ những miền quê khác nhau, nhưng vì cái duyên nghề nghiệp đã khiến họ gặp gỡ nhau ở ven dòng Đà giang.
Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, Trạm trưởng Trạm Vạn Yên Nguyễn Thị Thanh Mai, đã có 8 năm trong nghề chia sẻ: Lý do đến với nghề có lẽ cũng rất tình cờ thôi. Hồi còn bé, tôi rất thích ngắm sao, nên sau này đã chọn thi vào ngành. Sau khi tốt nghiệp, thời gian đầu, tôi được phân công về Trạm Khí tượng Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, rồi chuyển xuống Trạm Khí tượng Sơn La, Trạm Khí tượng Phù Yên. Khoảng năm 2013, mới chính thức chuyển về đây và gắn bó từ đó tới nay.
Một ngày làm việc của các quan trắc viên nơi đây bắt đầu từ… 0h30 sáng! Khi mọi người đang được ngon giấc, người nữ quan trắc viên này lại phải thức dậy để chuẩn bị cho ca quan trắc lúc 1 giờ sáng. Đều đặn 4 ốp: 1 giờ sáng, 7 giờ sáng, 13 giờ, 19 giờ, họ tiến hành đo nhiệt độ gió, đất, không khí, quan sát mây, đo mưa, quan sát thời tiết hiện tại… Riêng quan trắc môi trường, ngày 15 hàng tháng sẽ tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu nước.
“Công việc vất vả nhất là ban đêm. Mình ở xa nhà, có 2 mẹ con, con thì nhỏ, có lần, vừa mang dụng cụ đi quan trắc, thì nghe tiếng con khóc, cũng đành dằn lòng lại, vì không thể bỏ lỡ khung giờ. Mình nghĩ, so với các ngành khác, nhìn cán bộ quan trắc có vẻ “già” hơn, vì khung giờ 1h sáng nhiều khi đi làm về, mất ngủ đến sáng luôn. Hay có lúc mưa, nắng cũng phải mang cả con đi theo làm việc. Nhiều người có thể thấy công việc của chúng tôi không có quá nhiều vất vả, những cái cần nhất là sự tỉ mỉ, cần mẫn với nghề và sự chính xác về thời gian. Có những giờ mọi người được nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, thì đó mới là giờ chúng tôi làm việc. Rồi những ngày lễ tết, cũng không được đi đâu.” – chị Mai tâm sự.
Không chỉ thế, khí hậu khu vực này cũng khá khắc nghiệt. Mùa đông thì giá lạnh, mùa hè thì nắng gắt, gió bụi, mặt mũi “lem nhem” ngay. Địa điểm đặt trạm cũng cách chợ khá xa, chợ thường họp sớm, trong khi thường 8h sáng các quan trắc viên mới hoàn thành công việc buổi sáng, nên cũng đành phải đi chợ… mua đồ cho cả tuần! Rồi hàng tháng, muốn gửi báo cáo hay lĩnh lương đều phải vào huyện mới lấy được, trong khi đoạn đường từ Trạm vào trung tâm huyện Phù Yên gần 50 cây số. Mùa khô thì không sao, nhưng cứ đến mùa mưa, đường bị sạt liên tục, cũng là một thử thách không nhỏ.
Còn với Nguyễn Thị Loan, quê ở Cao Bằng, 2 vợ chồng tình cờ quen nhau từ trường Cao đẳng TN&MT, người học khí tượng, người học thủy văn môi trường. Sau này, ra trường rồi, do đặc thù nghề nghiệp, người chồng lên công tác ở mãi trạm Than Uyên, tỉnh Lai Châu, người vợ thì được phân về Trạm môi trường Tà Hộc, huyện Mai Sơn, Sơn La. Mãi đến năm 2017, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đài KTTV Tây Bắc, gia đình Loan mới chính thức được đoàn tụ tại Trạm Môi trường Vạn Yên, sau 6 năm kết hôn.
Chia sẻ về công việc hàng ngày, Loan cho biết: Tôi đang đảm nhiệm công tác quan trắc thủy văn và môi trường. Với quan trắc thủy văn, cần chuẩn bị thước đo, nhiệt kế đo, áo phao… để tiến hành đo mực nước, nhiệt độ nước, sóng, gió, trạng thái dòng chảy… Vất vả nhất là vào mùa nước cạn, khoảng tháng 6-7, muốn lấy được số liệu, phải đi cách trạm 3km mới đến tuyến phụ để đo.
Còn quan trắc môi trường, đúng 7h sáng ngày 15 hàng tháng, phải thuê thuyền ra điểm chính giữa mặt cắt ngang của sông để lấy mẫu nước. Do sông có độ sâu lớn hơn 10m nên phải lấy mẫu 3 tầng, gồm tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Thông thường, thời gian tiến hành lấy mẫu khoảng 2,5-3 tiếng. Trong vòng 2 giờ sau đó, phải hoàn tất khâu xử lý mẫu tại trạm, sau đó chuyển xuống phòng thí nghiệm dưới Hà Nội để đợi kết quả phân tích. Nhìn chung, thông qua kết quả phân tích mẫu được chuyển lên thời gian qua, cho thấy các chỉ số đều ở giá trị cho phép, không có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước.
Những năm gần đây, Trạm đã được đầu tư trang thiết bị đầy đủ hơn, nên cuộc sống của các quan trắc viên cũng dễ thở hơn. Trước đây thì buồn lắm, điều kiện điện đường trường trạm còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ chuyên môn, tháng nào trạm cũng tự tổ chức học tập, trao đổi chuyên môn giữa các quan trắc viên với nhau.
Đặc thù nghề nghiệp của ngành KTTV là thế. Họ vốn được gọi là những người bác sỹ âm thầm, lặng lẽ “bắt mạch” thời tiết. Bất kể mưa, nắng, hay mùa đông rét mướt, gió, bão, họ luôn chăm chỉ, tận tụy với nghề, để có những thông số quan trắc chuẩn xác nhất, góp một phần công sức mang đến những bản tin dự báo, cảnh báo chính xác nhất cho người dân. Tất cả, chỉ vì lòng yêu nghề, mong muốn hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.
“Càng làm trong ngành, tôi càng thấy được ý nghĩa đặc biệt của ngành. Những năm gần đây, những bản tin dự báo, cảnh báo độ chính xác khá cao, đã giúp người dân chủ động hơn nhiều với các hiện tượng thời tiết. Địa bàn xã Tân Phong nằm dọc sông Đà, người dân nơi đây chủ yếu phát triển nuôi trồng thủy sản. Do đó, mùa mưa lũ, những bản tin của chúng tôi có thể giúp người dân nơi đây chủ động hơn trong công tác phòng tránh. Đó có lẽ là phần quà quý giá nhất mà chúng tôi nhận được” – Trạm trưởng Nguyễn Thị Thanh Mai tâm sự.