Ghi nhận 15 ca nhập cảnh mắc COVID-19

Khánh Linh| 12/03/2021 21:36

(TN&MT) - Tối 12/3, Bộ Y tế cho biết có 15 ca mắc mới COVID-19, trong đó, 2 ca tại Hải Dương, 13 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Ninh, Bình Dương và Đồng Tháp.

Ảnh minh họa

Số ca mắc ở Việt Nam

Tính đến 18h ngày 12/3, Việt Nam có tổng cộng 1.592 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 899 ca.

Tính từ 6h đến 18h ngày 12/3, có 15 ca mắc mới, trong đó, có 13 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Thông tin ca mắc mới

CA BỆNH 2536 (BN2536): nữ, 24 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Philippines. Ngày 10/3, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Nội Bài, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 12/3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh).

CA BỆNH 2537 (BN2537): nam, 58 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Hồng Kông. Ngày 10/3, bệnh nhân từ Philippines nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bình Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3, dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

CA BỆNH 2538 (BN2538), nữ, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

CA BỆNH 2539 (BN2539), nữ, 43 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

CA BỆNH 2540 (BN2540), nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện An Đồng, TP. Hải Phòng.

CA BỆNH 2541 (BN2541), nữ, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

CA BỆNH 2542 (BN2542), nữ, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

CA BỆNH 2543 (BN2543), nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

CA BỆNH 2544 (BN2544), nam, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

CA BỆNH 2545 (BN2545), nam, 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

CA BỆNH 2546 (BN2546), nam, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

CA BỆNH 2547 (BN2547), nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

CA BỆNH 2548 (BN2548), nam, 38 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ngày 10/3, BN2538-2548 từ UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Đồng Nai. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

CA BỆNH 2549 (BN2549) ghi nhận tại TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là công nhân Công ty Poyun, F1 của BN2296 và BN2402, đã được cách ly tập trung trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3, dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

CA BỆNH 2550 (BN2550) ghi nhận tại TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là công nhân Công ty Poyun, đã được cách ly tập trung trước đó, kết quả xét nghiệm ngày 10/3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 44.540, trong đó, Cách ly tập trung tại bệnh viện: 497 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.065 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 28.978 người.

Tình hình điều trị

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có thêm 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN2156-BN2201-BN2178-BN2182-BN2194-BN2155-BN2327-BN2312-BN2344-BN1993-BN2154-BN2388-BN2404-BN2084-BN2331-BN1913-BN2351-BN2301-BN1928-BN2383-BN2426-BN1722-BN2158-BN1862-BN2444-BN2437-BN2453-BN2454-BN2164-BN2068-BN2354-BN2355-BN2505-BN2506-BN2507-BN1763-BN1659-BN2452.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 48 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 48 ca, số ca âm tính lần 3 là 91 ca.

Theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 được thực hiện nghiêm túc

Chiều 12/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đề cập về thông tin đã xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tại một số nước châu Âu, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR), các chuyên gia, nhà khoa học, các thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và các quốc gia cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vaccine AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. Chương trình TCMR quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

“Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng, được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng vắc xin có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sau khi lô vắc xin đầu tiên về đến Việt Nam, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế tiến hành lấy mẫu kiểm định theo quy định và có giấy chứng nhận xuất xưởng ngày 4/3/2021.

Để đảm bảo an toàn trước khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, ngày 6/3/2021 Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về hướng dẫn sử dụng và tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19 bao gồm đối tượng sử dụng, chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, sử dụng phiếu sàng lọc trước tiêm chủng để thực hiện khám sàng lọc nhằm đảm bảo chỉ định đúng. Cán bộ y tế các tuyến cũng đã được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn về theo dõi phát hiện sự cố bất lợi sau tiêm chủng và xử trí trường hợp phản vệ. Đồng thời, Chương trình TCMR đã hướng dẫn các tỉnh/thành phố lập kế hoạch chi tiết triển khai và các phương án tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin.

Đến nay, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và trình Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế ban hành. Quá trình chuẩn bị được thực hiện nghiêm túc. Công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình TCMR đặt lên hàng đầu. Trước khi đưa vắc xin vào triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Viện Pasteur.

Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình tạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng, các điểm tiêm chủng đều được trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết. Qua bốn ngày triển khai từ 08-11/3/2021, trong số 1.585 mũi tiêm đã thực hiện tại 13 cơ sở của 9 tỉnh/TP, các tuyến đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết các trường hợp này là phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… và 5 trường hợp phản vệ độ 2 (2 trường hợp đã hồi phục và ra viện, 3 trường hợp đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi), 2 trường hợp tiêu chảy và 1 trường hợp kẹt huyết áp.

Kết quả cho thấy, các cơ sở tiêm chủng đều thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc, chỉ định, chống chỉ định và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Việc xử trí đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đã được các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt và đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêm chủng. Thông tin về kết quả triển khai và tình hình phản ứng sau tiêm chủng được cập nhật và báo cáo hàng ngày.

Như vậy công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 được thực hiện nghiêm túc tại tất cả các điểm tiêm chủng.

Đây là vắc xin mới đưa vào sử dụng, vì vậy, các dữ liệu về hiệu quả cũng như tính an toàn trên thế giới vẫn đang được Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế các nước và các nhà sản xuất theo dõi, cập nhật thường xuyên. Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ cho cán bộ y tế về tiền sử dị ứng và các bệnh cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận 15 ca nhập cảnh mắc COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO