(TN&MT) - Môi trường biển đang suy thoái nghiêm trọng dưới tác động của biến đổi khí hậu và tác động của con người. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Bảo vệ môi trường biển, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng dân cư ven biển là chủ đề được nhiều đại biểu chia sẻ tại GEF6.
Theo tính toán của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, mực nước biển trung bình tăng 19cm. Biển và đại dương đang ngày đêm kêu cứu vì ô nhiễm trầm trọng. Hàng năm, khoảng 50 triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển gồm đất, cát, rác thải, phế liệu xây dựng, chất phóng xạ... Bên cạnh đó, rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền chiếm 50% nguồn ô nhiễm dầu trên biển. Biển ô nhiễm đang gây suy giảm hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của cư dân ven biển. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức lớn cho các quốc gia có biển.
Ông Claudio Maretti, Viện Bảo tồn Đa dạng sinh học Chico Mendes (Brazil) cho rằng: Vấn đề nghiêm trọng nhất là hệ sinh thái biển. Một số nước có bờ biển dài hay nhiều hòn đảo nhỏ như Việt Nam, Philippin… có khả năng bị tổn thương do biến đổi khí hậu và rác thải của con người. Những dự án đề xuất tại GEF6 sẽ giúp phục hồi và giảm thiểu suy thoái hệ sinh thái biển. Qua đó, giúp cho các quốc gia này có khả năng chống chọi lại biến đổi khí hậu.
“Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần tranh thủ các nguồn lực trong nước và quốc tế mà cụ thể là Qũy môi trường toàn cầu để thực hiện các giải pháp trồng rừng đầu nguồn, đầu tư hệ sinh thái biển, trồng rừng ngập mặn… Việt Nam là quốc gia có biển dài nên vấn đề bảo vệ hệ sinh thái biển cần được đặc biệt quan tâm ”- Ông Claudio Maretti, Viện Bảo tồn Đa dạng sinh học Chico Mendes (Brazil) nêu ý kiến.
Với khoảng 3.260km đường bờ biển chạy dài suốt từ Bắc xuống Nam, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí nước, nước biển dâng. Tăng cường năng lực cho cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu nước biển dâng là chủ đề được nhiều quốc gia quan tâm. Bà Natasa Kovacevic, thành viên Tổ chức xã hội dân sự CSO của Montenegro chia sẻ: Mặc dù nước chỉ có 300 km bờ biển nhưng chúng tôi phát huy tối đa việc khai thác tài nguyên biển bền vững để phát triển du lịch và khai thác hải sản. Hiện nay, 10% khu vực biển của Montenegro được bảo vệ nghiêm ngặt.
“Theo tôi, cần đưa ra giải pháp làm thế nào để tăng cường sự tham gia của người dân ngay từ bây giờ để cứu môi trường biển khỏi nguy cơ bị tổn thương. Các hành động phải thực hiện từ cấp Chính phủ đến từng người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia các hành động tăng cường sinh mệnh cho môi trường, giảm áp lực đối với trái đất như ô nhiễm, suy thoái đại dương… tất cả phải được thực hiện nay từ bây giờ.”- Bà Natasa Kovacevic chia sẻ.
Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng GEF 6, sự kiện “Quản lý rác thải nhựa đại dương” là một trong những hoạt động trọng tâm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam sẽ trình bày và đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Trong đó, Việt Nam luôn ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực trong vấn đề sản xuất những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường hơn, dần thay thế những vật liệu nhựa, giảm thải nhẹ rác thải nhựa ra môi trường như hiện nay.
Là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018, Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu đã và đang cho thấy tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả của GEF góp phần vào phát triển bền vững trên toàn thế giới, đồng thời bảo vệ các mục tiêu chung toàn cầu.
Tại phiên cuộc họp Đại hội đồng Qũy Môi trường toàn cầu, các đại biểu đã cùng nhau xem xét, cập nhật các chính sách tài trợ; tăng cường sự hợp tác của các thành viên GEF; quy tắc cho Hệ thống phân bổ tài nguyên minh bạch (STAR) cho GEF chu kỳ 7; kế hoạch và ngân sách trong năm 2019 của GEF; Chương trình làm việc; thỏa thuận thực hiện Chương trình tài trợ nhỏ cho GEF chu kỳ 7; và các thỏa thuận thực hiện Chương trình hỗ trợ quốc gia cho GEF chu kỳ 7.
Theo bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu, kỳ họp lần này là cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo một hành tinh an toàn hơn, bảo đảm hơn và đáng sống hơn. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai.