Gặp người dạy học ở “địa ngục trần gian”

28/04/2014 00:00

(TN&MT) - Người giáo viên đặc biệt năm xưa đã dạy học tại nhà lao Phú Quốc ông là Hoàng Gia Lượng.

(TN&MT) - Ít ai biết rằng trong nhà tù đế quốc, đã từng tồn tại những lớp học. Thật vinh dự khi chúng tôi được trò chuyện với người đã từng dạy tại lớp học đặc biệt trong nhà lao Phú Quốc, ông tên là Hoàng Gia Lượng.
   
“Khát” học
   
  Khi còn là một anh sinh viên của Trường Trung cấp Sư phạm Đông Phù (Sơn Tây, Hà Tây cũ), chàng thanh niên Hoàng Gia Lượng tình nguyện viết huyết thư tòng quân vào miền Nam. Ông được điều động về Trung đoàn Đồng Nai chiến đấu tại mặt trận Sài Gòn. Ngày 7/5/1968, ông bị thương tại cầu Bình Lợi và bị địch bắt khi đang nằm bên sông với vết thương ở cánh tay, đầu đã bị nhiễm trùng nặng. Tháng 1/1969, ông Lượng bị chuyển ra nhà lao Phú Quốc. Khi vừa đặt chân lên đảo, ông đã được “chào đón” bằng một trận đòn chí mạng của tên trung úy Hiển với một kiểu “dạo đầu” mang đậm chất “nghệ sĩ”: Vừa đánh vừa đọc thơ.
   
Ông Hoàng Gia Lượng người thầy giáo trẻ dạy tại lớp học đặc biệt trong nhà lao Phú Quốc
   
  Trong tù, với vốn kiến thức Sư phạm, ông cùng một số anh em đã tổ chức dạy học cho đồng đội. Dạy ngoài đời đã khó đây lại phải dạy và học trong tù. Cả người dạy và người học đều không có bất kỳ một phương tiện, một dụng cụ, tài liệu gì trong tay. Kiến thức chủ yếu được soạn trong đầu, huy động trí nhớ là chính. Vài ba anh em tìm nhau, chụm đầu lại “biên soạn” chương trình. Giáo án lên lớp cũng được sắp xếp, ghi nhớ trong đầu. Ông Lượng cùng một số anh em như ông Phò (nay là Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh), ông Quang (nay là giảng viên tại một trường đại học ở Khánh Hòa) và một số anh em ở trại D5 phải vắt óc suy nghĩ hoàn thiện giáo án từng ngày, rồi bổ sung trong quá trình giảng dạy. Theo ông Lượng, trình độ giáo viên luôn trong tình trạng “cơm chấm cơm”, lực lượng đứng lớp chủ yếu dựa vào một số chiến sĩ có trình độ cấp 3, sinh viên (đang học dở đại học thì nhập ngũ), thậm chí có một số chiến sĩ vừa học xong lớp trước dạy lại lớp sau. Có người phải dạy tới 4 lớp/ngày.
   
Những nhục hình tàn khốc được tái dựng trên nền nhà tù Phú Quốc.
    
   
  Phương tiện dạy học thì giấy là mặt đất, mặt cát hay cà - mèn, bút là xà phòng, lõi pin hay que sắt mài nhọn. Một loại giấy được coi là “xa xỉ” với những người tù, đó là loại giấy được “chế xuất” từ những mảnh bìa cát tông phế liệu. Những mảnh bìa được ngâm nước sau đó bóc mỏng rồi phủ lên trên đó một lớp nước hồ cơm. Mực lấy từ nhựa chàm ngâm với rỉ sắt cho đen. Khó khăn thiếu thốn là thế nhưng những bài giảng của những người thầy vẫn cuốn hút đến nỗi những môn như: Văn, Sử, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Chính trị, Triết học, thậm chí cả nhạc, họa, châm cứu, chữa bệnh ai cũng học một cách say mê. “Có  những tấm gương học tới quên mình như anh Cơ (tên thật là Khánh quê Tam Điệp, Ninh Bình) bị địch khoét một mắt vẫn ham học, hay như một cựu tù quê Thanh Hóa đã giả câm suốt 5 năm để được học. Anh Tấn Phương học trong nhà tù sau khi “tốt nghiệp”, ra tù thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp và trở thành vụ trưởng…”, ông Lượng kể.
   
“Học phí” trả bằng… máu
   
  Bị kẻ thù cấm đoán và khủng bố gắt gao nên “học phí” của việc dạy và học ở đây có khi phải trả bằng xương máu, thậm chí là cả tính mạng. ông Lượng xúc động kể: “Tên đại úy Long đã nhiều lần nghiến răng đe dọa “cho “gác đảo” (giết chết) tất cả những thằng nào dạy học”. Chúng muốn các chiến sĩ cộng sản vào đây hoặc bị tàn phế về thể xác hay què quặt về tinh thần để có sống sót trở về với cách mạng thì cũng trở thành người vô dụng. Chính vì vậy, chúng tìm mọi cách đè bẹp tinh thần dạy và học của những người tù, thẳng tay đàn áp khi phát hiện ra tài liệu dạy học.
   
   
   
  Nhưng các chiến sĩ cứ có thời gian rảnh rỗi là say mê học bài ngay tại xà lim hay nơi lao động, học cả khi chui xuống gầm phản để tránh bị địch phát hiện. Có một lần, địch nghi ngờ liền cho khám xét tất cả các tù nhân. Chúng phát hiện ra một tài liệu được giấu trong áo. Tất cả anh em ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Lại một lần khác, toán lính soát phòng phát hiện một cuốn tài liệu về Triết học. Nếu không có đồng chí Duật quê Hà Nam nhận thay thì ông Lượng cũng đã phải nhận một trận đòn chí mạng. Nhiều giờ giảng Chính trị hay Triết học biến thành “lớp học máu” khi bị địch phát hiện. Năm 1969, chúng xả súng vào trại giam A5 khi anh em đang học bài.
   
  Thế nhưng, chúng không thể dập tắt được phong trào dạy và học của các tù nhân. Ông Lượng nhớ lại: “Có  lần, cả trại phải tuyệt thực 3 ngày để bảo vệ tôi và anh Nguyễn Quang Thùy, quê Ninh Bình do đã đấu tranh vỗ mặt tên chỉ huy trại giam”. Chúng còn dùng những hình thức tra tấn hết sức tàn bạo như đày vào chuồng cọp hay thủ tiêu rồi vứt xác ra biển nhằm đè bẹp tinh thần của các chiến sĩ. Học phí nơi “trường học địa ngục” đắt như vậy nhưng những kiến thức, kinh nghiệm sống, tình thầy trò sâu nặng, tình đồng đội cao cả và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng được hun đúc mỗi ngày thêm dày thì hiếm nơi nào có được.
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp người dạy học ở “địa ngục trần gian”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO