Gắn kết, chia sẻ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý TN&MT

20/08/2018 18:16

(TN&MT) - Ngày 20/8, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị giao ban với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam nhằm đánh giá kết quả công tác giai đoạn 2016 - 2018; lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách từ thực tiễn của các địa phương; bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thảo luận đề xuất, hiến kế hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT trong giai đoạn tiếp theo.

BT5
Hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh khu vực phía Nam


Chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức lớn của ngành TN&MT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, toàn ngành đã nỗ lực và có những bước đi đúng hướng để giải quyết nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Đó là, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở chưa từng có do tác động kép của BĐKH, của các hoạt động từ thượng nguồn xảy ra ở ĐBSCL, hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, lũ lụt sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc,…; sự cố môi trường biển liên quan đến công ty Formosa Hà Tĩnh  đặt ra thách thức rất lớn đối với Đảng, Chính phủ và Bộ TN&MT. Tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, lãng phí đất đai xảy ra ở hầu hết các địa phương; quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường còn lỏng lẻo; khiếu kiện về đất đai rất phức tạp; quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 phát sinh nhiều vướng mắc; kết quả khảo sát chỉ số PAPI 2015 về dịch vụ cấp sổ đỏ đạt điểm thấp nhất trong các dịch vụ hành chính PAPI đo lường, tỷ lệ người dân phản ánh phải bôi trơn khi làm thủ tục sổ đỏ chiếm 44%; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử đứng thứ 14 trong các Bộ, ngành; vấn đề suy kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi; tài nguyên khoáng sản chưa sử dụng hiệu quả, tài nguyên biển chưa được khai thác cho phát triển,...

BT2
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị


Trong bối cảnh đó toàn ngành đã có những bước đi đúng hướng để giải quyết từng vấn đề: Đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước giải quyết sự cố môi trường để Công ty Fomosa đi vào hoạt động trong cuối năm 2017 đóng góp lớn cho phát triển KT-XH. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe từ địa phương cơ sở, Bộ đã trình Chính phủ 03 Nghị định “quét” giải quyết cơ bản các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường và sắp tới sẽ là lĩnh vực biển đảo. Đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH tiếp cận với phương thức mới trong quản lý tài nguyên biến thách thức thành cơ hội. Từ thành công này sẽ nhân rộng mô hình đối với khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung.

Đặc biệt, Bộ đã tập trung cho sơ kết đánh giá 02 Nghị quyết và Tổng kết 01 Nghị quyết quan trọng bao quát toàn bộ chủ trương, chính sách phát triển ngành đó là Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai; Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, để trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, biển và hải đảo. Đến nay, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với kết quả sơ kết Nghị quyết số 19 và sẽ ban hành Kết luận để làm định hướng cho sửa đổi Luật Đất đai.

TT Kien
Thứ trưởng Trần Quý Kiên điều hành Hội nghị

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Bộ luôn theo sát yêu cầu thực tiễn địa phương để tập trung chỉ đạo giải quyết như: giải trình để Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tập trung chỉ đạo, đề nghị hỗ trợ kinh phí để giải quyết vấn đề rất nóng bỏng là đất đai nông, lâm trường ở Tây Nguyên; vấn đề lãng phí đất ở các đô thị; thắt chặt vấn đề đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp; vấn đề kiểm soát các nguồn thải lớn để đảm bảo phát triển bền vững khu vực ĐBSCL; xây dựng hành lang pháp lý cho quản lý khai thác cát sỏi lòng sông; đề xuất chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; tăng cường công tác dự báo…

Các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật tạo chuyển biển lớn trong công tác quản lý TN&MT

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Các chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với 2 dịch vụ công về đất đai và môi trường tăng đều qua 2 năm, trong đó, chỉ số đánh giá về tiếp cận dịch vụ công tăng từ 73,7 lên 76,86 điểm; chỉ số đánh giá về quy định thủ tục hành chính từ 73,5 lên 82.37 điểm; chỉ số đánh giá sự phục vụ của công chức tăng từ 74,3 lên 79,5 điểm; chỉ số đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 73,7 lên 83,27 điểm.

01 Nguyễn Toàn Thắng GĐ Sở HCM
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc  Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tham luận

Đã giải quyết từng bước vấn đề lãng phí đất đai nhất là ở khu vực đô thị, ven biển; các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề đất đai của các nông, lâm trường; một số địa phương đã có mô hình phù hợp tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; cả nước đã thực hiện cấp lần đầu gần 4 triệu Giấy chứng nhận mới, trong đó các địa phương khu vực phía Nam đạt 97%; tỷ lệ phản ánh có bôi trơn sổ đỏ giảm 27% trong 2 năm 2016, 2017; đóng góp từ đất đai cho phát triển KT-XH ngày càng tăng, nguồn thu từ đất tăng từ 84 nghìn tỷ đồng, lên 104 nghìn tỷ năm 2017.

Đã cơ bản kiểm soát các dự án lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như Khu xử lý rác Đa Phước, Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, Alumina Nhân Cơ, Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất; số lượng các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 71%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn tăng dần qua từng năm, đến nay lượng chất thải công nghiệp được xử lý đạt trên 90% khối lượng phát sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý đạt 85,5% ở đô thị và khoảng 50% ở nông thôn.

02 Nguyễn Thị Hiếu GĐ sở Tây Ninh
Bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh phát biểu 

Đã khắc phục được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gắn khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường; thu từ khoáng sản là gần 3 nghìn tỷ đồng. Đã thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý tài nguyên biển; thực hiện kinh tế hóa tài nguyên nước, xây dựng cơ chế quản lý theo lưu vực sông, hợp tác quốc tế trong khai thác tài nguyên nước xuyên quốc gia; đã thiết lập cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động đo đạc và bản đồ, viễn thám; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

“Vai trò của ngành TN&MT được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm. Ở địa phương các Sở TN&MT đã khẳng định được vai trò trong hệ thống chính trị. Các chỉ số đánh giá trong hơn 2 năm qua cho thấy chúng ta cùng nhau tạo bước chuyển quan trọng; từ bị động giải quyết các tồn tại sang chủ động triển khai các giải pháp có tính hệ thống chuẩn bị động lực cho phát triển trước mắt và giai đoạn mới.

Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ với Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ đã tiếp thu lắng nghe phản hồi của các địa phương để hoàn thiện chính sách, pháp luật và chỉ đạo điều hành, với cách làm mới ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định để giải quyết các vướng mắc; các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh

Bộ TN&MT đồng hành cùng các Sở TN&MT trong công tác chỉ đạo điều hành

Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng vận hành Hệ thống chia sẻ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ với các Sở TN&MT; xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ với các Sở TN&MT. Đồng thời, Bộ đã tiếp nhận, tổng hợp các vấn đề vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách, pháp luật về TN&MT của các địa phương gửi về Bộ; xây dựng giao diện Cổng thông tin điện tử để Bộ và các địa phương chia sẻ thông tin chỉ đạo điều hành, tăng cường trao đổi về các kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý TN&MT.

A Hung4
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tham dự Hội nghị

Đặc biệt, trước khi diễn ra các Hội nghị giao ban, Bộ đã nhận được báo cáo của các địa phương gửi về Bộ với hơn 400 kiến nghị, đề xuất; trong đó các tỉnh phía Nam có hơn 250 kiến nghị, đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách; giải quyết vướng mắc…

“Đây đều là các ý kiến tâm huyết, trăn trở và rất xác đáng của các đồng chí. Tôi đánh giá rất cao sự chủ động này và mong muốn tiếp tục có sự trao đổi thường xuyên hơn giữa các Sở TN&MT và Bộ. Các kiến nghị gửi về Bộ đã được giao cho các đơn vị nghiên cứu giải quyết; sau Hội nghị này sẽ biên tập thành Bộ tài liệu hướng dẫn để các địa phương thống nhất thực hiện.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đánh giá kết quả đạt được trong chặng đường một nửa nhiệm kỳ và xác định các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe trình bày tóm tắt Báo cáo đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT giai đoạn 2016-2018 và kế hoạch nhiệm vụ giai đoạn 2019-2021; giới thiệu về Hệ thống chia sẻ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ và các Sở TN&MT; báo cáo Kết quả rà soát và tổng hợp các quy định pháp luật vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực TN&MT.

Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định; Lãnh đạo các đơn vị trao đổi, thảo luận với Giám đốc các Sở TN&MT về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thảo luận đề xuất, hiến kế hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT giai đoạn tiếp theo.

04 Nguyễn Ngọc Thường GĐ Sở Đồng Nai
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó  Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai phát biểu 

Trong đó, tập trung xác định các lĩnh vực, các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2019-2021; đặc biệt Lãnh đạo Bộ đã lắng nghe đề xuất, hiến kế của từ ngành TN&MT địa phương về hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo được các đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn tiếp theo; làm thế nào để nguồn lực TN&MT đóng góp cho yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Lãnh đạo Bộ cũng đã nghe thêm được nhiều giải pháp, sáng kiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả để các địa phương tham khảo nhân rộng, và Bộ đúc kết trong quá trình hoàn thiện chính sách. Các Giám đốc các Sở TN&MT nhân diễn đàn này đã trao đổi, đề xuất với các địa phương khác trong giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh; Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị cũng đã có nhiều đối thoại, giải đáp, tháo gỡ ngay tại Hội nghị.

Đồng thời, Hôi nghị đã trao đổi thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai trong các tháng cuối năm 2018 để hoàn thành thắng lợi Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 và các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, Hội nghị đã tiếp tục thảo luận về các giải pháp tăng cường sự phối hợp để thiết lập được kênh phối hợp trực tiếp, hiệu quả giữa Trung ương và địa phương trong công tác quản lý và giữa các cơ quan TN&MT với người dân và doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công; bàn về giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc ứng dụng chữ ký số trong giải quyết các văn bản trao đổi, hướng dẫn chuyên môn; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để xây dựng nền tảng ứng dụng số trong toàn ngành.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chiến lược cần ưu tiên

Tổng kết và nhấn mạnh các nội dung quan trọng được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổ thư ký Hội nghị tổng hợp, phân nhóm các kiến nghị. Đối với các kiến nghị liên quan đến các Luật, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung trước mắt là Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Đối với các kiến nghị liên quan đến các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Bộ sẽ tổng hợp để đề xuất sửa đổi theo hướng một văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2019. Đối với các đề nghị hướng dẫn, sau Hội nghị Bộ sẽ tổng hợp và có văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn chung cho các địa phương hoặc ban hành cuốn cẩm nang hỏi đáp để các Sở TN&MT nghiên cứu, áp dụng.

Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chiến lược cần ưu tiên: Tập trung rà soát, đánh giá, tiếp tục đổi mới chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo được những đột phá có tính cách mạng cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo; trong đó tập trung các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước và quản lý tổng hợp biển và hải đảo.

Đánh giá thực tiễn, nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng mô hình tổ chức của ngành phù hợp với các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ sẽ cùng với Bộ Nội vụ hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức của Sở TN&MT, trong đó quy định các đơn vị bắt buộc phải thành lập và các đơn vị do địa phương quyết định để vừa đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo của Trung ương vừa đảm bảo sự chủ động, phù hợp với thực tế của địa phương. Cùng với đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo rèn luyện.

Triển khai tăng cường năng lực của ngành, từng bước tiếp cận công nghệ hiện đại trong quản lý. Chú trọng trong công tác đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển mạng lưới hạ tầng quan trắc, thông tin, dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin.

BT1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận hội nghị

Các nhiệm vụ cần tập trung trong các tháng cuối năm 2018

Trên cơ sở các kiến nghị về chính sách từ địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Vụ Pháp chế tổng hợp đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật năm 2019 các văn bản giải quyết các vấn đề vướng mắc; tăng cường việc trao đổi lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản.

Thanh tra Bộ trên cơ sở các phản ánh của địa phương, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để rà soát kế hoạch thanh tra năm 2018; xác định sớm nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc phối hợp giữa Bộ với các địa phương trong việc giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo kéo dài thời gian qua.
 

Toàncanh
Lãnh đạo Bộ TN&MT chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo sở TNMT các tỉnh, thành phía Nam

Vụ Tổ chức cán bộ, các trường đào tạo căn cứ vào nhu cầu đào tạo của các Sở TN&MT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của ngành; Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp tuyên truyền mô hình, các điểm sáng để các địa phương nhân rộng.

Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT khẩn trương hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản để đưa vào hoạt động trước 01/9/2018; triển khai chữ ký số trong toàn ngành; xây dựng, triển khai hệ thống thông tin báo cáo ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Toàn ngành thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS, chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số Pa Index. Cùng với Quy chế phối hợp trong đó phân công rất rõ các đầu mối phối hợp; Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hệ thống chia sẻ kết nối thông tin chỉ đạo điều hành với các Sở, thực hiện phân quyền cho các Sở như một đơn vị thuộc Bộ...

Thực hiện việc đánh giá chấm điểm thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó tiêu chí giải quyết các vấn đề của địa phương là một trong các chỉ tiêu đánh giá. Bộ sẽ nghiên cứu có cơ chế đánh giá về việc chấp hành chế độ báo cáo, sự phối hợp của các Sở TN&MT. Tăng cường cơ chế phối hợp từ lập, triển khai chương trình văn bản pháp luật, thanh tra kiểm tra; tổ chức triển khai các nhiệm vụ của ngành; trao đổi, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc.

”Việc lắng nghe ý kiến các đồng chí Giám đốc Sở TN&MT không chỉ thông qua các Hội nghị định kỳ mà sẽ được thực hiện thường xuyên liên tục thông qua thư điện tử, văn bản, trao đổi trực tiếp qua điện thoại. Đối với các vấn đề lớn, cấp bách các đồng chí có thể gọi trực tiếp về Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng để chỉ đạo giải quyết.

Tôi mong rằng chúng ta sẽ là một hệ thống hữu cơ, gắn kết, chia sẻ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý TN&MT, để ngành TN&MT đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác quản lý TN&MT là nhiệm vụ quan trọng, ở đâu có sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, ở đó công tác quản lý có sự chuyển biến, vai trò, tiếng nói của lĩnh vực TN&MT được nâng cao. Do đó, các đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, chương trình công tác báo cáo Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Uỷ ban nhân dân chỉ đạo hoặc ban hành các Nghị quyết chuyên đề để huy động hệ thống chính trị vào cuộc” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận và kêu gọi sự chung tay của Lãnh đạo các Sở TN&MT trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết, chia sẻ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO