Vẻ đẹp tinh thần thượng võ
Hùng Kê quyền (võ gà), bài quyền với những chiêu thức được hình thành từ thế đánh của con gà chọi. Tương truyền rằng người sáng lập nên Hùng Kê quyền chính là Đông Định Vương Nguyễn Lữ, người em út của nhà Tây Sơn Tam Kiệt gồm ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Giống gà nòi đất võ Tây Sơn |
Chuyện kể rằng, khi ba anh em nhà Tây Sơn bí mật chiêu mộ anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa, một lần nọ lúc xem hai chú gà chọi nhau vào dịp Tết, trong đó có một con nhỏ hơn đối thủ nhưng biết vận dụng yếu thế "nhỏ con" của mình để triệt hạ đối phương. Bằng thiên tư võ thuật của mình, Nguyễn Lữ đi thị sát, nghiền ngẫm, nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa để rồi tạo ra các thế lặn hụp, tránh né đến phản công. Cuối cùng ông chắt lọc, sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê quyền.
Sau khi ra đời, Hùng Kê quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó. Sự lợi hại của Hùng Kê quyền đã được các anh hùng hào kiệt trong giới võ lâm đương thời nể phục.
Ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thăm trại gà nòi của anh Nguyễn Tự |
Cũng từ xuất phát điểm về giai thoại trên mà UBND huyện Tây Sơn đặt tên danh hiệu cho “Gà nòi đất võ Tây Sơn” để phát triển giống gà chọi hay còn gọi gà nòi đặc trưng của vùng đất võ Tây Sơn để bảo tồn, phát triển giống gà lâu đời nhất tại Việt Nam trở thành nét văn hóa và du lịch riêng biệt cho vùng đất địa linh nhân kiệt này.
Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT, ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Giai thoại xưa về gà nòi Tây Sơn là một lợi thế hiếm có, do đó việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gà nòi đất Võ Tây Sơn” mà huyện Tây Sơn đang nỗ lực gầy lại là theo đúng truyền thống, nét văn hóa. Đồng thời vừa phát triển kinh tế gắn với du lịch vừa nghiên cứu bảo tồn nguồn gen gà nòi quý hiếm. UBND huyện đang thực hiện các bước xây dựng và chỉ đạo các địa phương quan tâm, khôi phục lại nghề truyền thống bài bản, giữ nét văn hóa với thú chơi tao nhã, đề cao tinh thần thượng võ.
Văn hóa du lịch đặc trưng
Giống gà nòi ở Tây Sơn khác với giống gà nuôi, thả khác là nuôi không phải để ăn thịt, cân ký bán thịt gà mà để bảo tồn văn hóa thú chơi chọi gà. Khi nào con gà lên đài đấu nhiều lần, theo thời gian sức yếu không thể đá nữa thì lúc ấy con gà đó mới được làm thịt trở thành món ăn ngon đặc sản của vùng đất Tây Sơn.
Giống gà nòi Tây Sơn chỉ ăn bắp không ăn cám vì dễ tạo mỡ |
Con gà nòi Tây Sơn có dáng cao, đẹp, đùi to, cổ vươn dài, ít lông thường có màu đỏ đen hoặc màu đỏ tía, bóng mượt, da đỏ nên sức chịu lạnh của giống gà nòi không bằng giống gà nuôi thịt thông thường.
Ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn chia sẻ thêm: Ở địa phương, có hàng chục hộ dân nuôi gà nòi, chủ yếu tập trung ở xã Tây Vinh và Tây Phú. Nhà nào nuôi lâu cũng hơn 10 năm. “Gà nòi đất võ Tây Sơn” là giống gà tuyển chọn, mục đích không phải nuôi thịt để bán. Nhưng chỉ có con gà trải qua nhiều trận đá được chủ nuôi bôi thuốc võ thì con gà đó ăn mới thơm ngon, thịt săn chắc. Thế nhưng không phải đầu bếp nào cũng có thể nấu ngon loại gà này.
Nuôi gà chọi phải nhốt mỗi con trong từng chuồng khác nhau, không được nhốt chung vì giống gà này tính dữ sẽ đánh nhau |
Anh Nguyễn Tự, ở thị trấn Phú Phong, người có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi gà nòi, có 40 con gà nòi trống, 100 con gà giống cho hay: Hồi nhỏ, vào dịp lễ, hội đặc biệt là tết Nguyên Đán, tôi theo ba và các anh đi xem các trận đá gà. Khi lớn lên, tôi nhận ra chọi gà là một thú chơi công phu, bởi đòi hỏi người chơi ngoài đam mê còn phải có thời gian, kiến thức để chăm sóc gà từ lúc nhỏ tới khi đủ tuổi giao chiến. Trên sàn đá, con gà chiến thắng sẽ mang đến điều may mắn cho gia chủ. Tôi ủng hộ việc UBND huyện nghiên cứu phục hồi thú chơi này, tôi nghĩ khó nhất là tìm, chọn lọc và phát triển gen gà nòi quý hiếm.
Tây Sơn bảo tồn giống gà quý hiếm để phát triển văn hóa, du lịch địa phương |
Ngày 18/10/2021, UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định 6581 cho phép UBND huyện Tây Sơn sử dụng tên địa danh “Tây Sơn” trong đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gà nòi đất võ Tây Sơn”. Ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn vui mừng cho biết: UBND huyện đã xây dựng và đang lấy ý kiến hoàn thiện Quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu “Gà nòi đất võ Tây Sơn”. Chúng tôi có hướng bảo tồn thú chơi chọi gà trong các lễ, hội truyền thống địa phương để gắn kết giá trị văn hóa - du lịch cộng đồng của vùng đất võ Tây Sơn.