Cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực đóng góp của các Nhóm cải tiến năng suất chất lượng, thúc đẩy các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp, áp dụng các giải pháp cải tiến góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng trao Bằng khen cho EVNNPC vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp |
Cuộc thi cũng là một trong những hoạt động truyền thông, thuộc dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 do Bộ Công thương chủ trì thực hiện.
Dự án được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2020 với 5 nhiệm vụ chính gồm: Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.
Mặc dù được tổ chức lần đầu tiên, song cuộc thi đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các doanh nghiệp trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia năng suất chất lượng, cuộc thi là cơ hội để các doanh nghiệp nói chung, các nhóm cải tiến năng suất chất lượng nói riêng trình bày các giải pháp và kết quả của quá trình thực hiện dự án cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, thúc đẩy tuyên truyền, nhân rộng việc áp dụng giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại các ngành và doanh nghiệp ngành Công thương trong giai đoạn tiếp theo.
Các thành viên của nhóm cải tiến năng suất chất lượng EVNNPC |
Tham dự vòng chung kết cuộc thi, nhóm cải tiến của EVNNPC đã trình bày dự án nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5S từ văn phòng ra lưới điện. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – đại diện nhóm cải tiến của EVNNPC cho biết, thực chất EVNNPC đã triển khai chương trình 5S từ nhiều năm qua, tuy nhiên gặp một số khó khăn như việc triển khai không đồng bộ giữa các đơn vị do EVNNPC có 27 đơn vị hoạt động trên 27 tỉnh thành miền Bắc trong khi việc triển khai 5S mới chỉ dừng lại ở khối văn phòng.
Chính vì vậy, tháng 6/2018, nhóm cải tiến đã quyết định triển khai xây dựng dự án 5S từ Văn Phòng ra lưới điện với 6 giai đoạn và 3 mục tiêu lớn đó là Cải tiến phương pháp 5S để phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty; Lan tỏa EVNNPC 5S đến người lao động, khách hàng và đối tác trên các địa bàn hoạt động; Ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai EVNNPC 5S.
Theo đánh giá của nhóm, dự án có nhiều điểm khác biệt và đổi mới sáng tạo so với các dự án về 5S trước đây phần lớn là do không máy móc áp dụng phương pháp 5S vào các hoạt động của EVNNPC. Sau một thời gian áp dụng, dự án cũng chứng minh được tính lan tỏa trên nhiều địa bàn, đến nhiều đối tượng, đồng thời thu được kết quả khả quan như ý thức và tư duy làm việc cải tiến liên tục của người lao động trong Tổng Công ty ngày càng nâng cao, góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu EVNNPC.
Lưới điện của EVNNPC dần được tiêu chuẩn hóa góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng. Tính đến tháng 7/2020, 100% các TBA 110kV, hơn 30.000 MBA phân phối, 30% km đường dây 110kV, hơn 20% km đường dây trung thế và hơn 10% km đường dây hạ thế của EVNNPC đã đạt tiêu chuẩn EVNNPC 5S.