EVN xây dựng định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng

PV| 21/07/2022 10:12

Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng của mình, trong đó EVN xác định nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới là rất lớn.

Trên quan điểm phát triển của Dự thảo Quy hoạch điện VIII, EVN đã xác định một số trọng tâm để xây dựng định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng.

Định hướng  đầu tư cho chuyển dịch năng lượng

Cụ thể, về nguồn điện, EVN sẽ tính toán tối ưu, lựa chọn tỷ lệ phù hợp đối với các loại hình nguồn điện; phát triển các nhà máy nhiệt điện dùng khí tự nhiên hóa lỏng và các nguồn điện năng lượng tái tạo; chú trọng nghiên cứu cập nhật các công nghệ ứng dụng các nguồn nhiên liệu mới ít phát thải khí nhà kính. EVN cũng xác định lộ trình nâng cấp, áp dụng các giải pháp công nghệ để lưu trữ và xử lý khí thải nhà kính đối với các nhà máy nhiệt điện truyền thống; đề ra lộ trình loại bỏ các nhà máy cũ không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về niên hạn và phát thải.

Với lưới điện, EVN tập trung phát triển hệ thống lưới điện truyền tải giải tỏa công suất đồng bộ với lộ trình đầu tư nguồn điện đến năm 2045; nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ, hiện đại hóa, nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, giảm tỷ lệ tổn thất trên lưới điện truyền tải và phân phối; phát triển lưới điện thông minh, kết hợp với xây dựng thị trường dịch vụ phụ trợ cho nguồn và phụ tải điện, nhằm nâng cao tính linh hoạt vận hành lưới điện. Cùng với đó, EVN sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn ưu đãi trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và khuyến khích chuyển dịch năng lượng.

18072022_chutichevnthamgiatoadamchuyendichnangluong.jpg
Chủ tịch HĐTV EVN – ông Dương Quang Thành (thứ hai, từ trái sang) tại tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng: Cơ hội và thách thức”, do Ngân hàng Thế giới tổ chức

Được biết, để thực hiện chương trình chuyển dịch năng lượng, EVN đưa ra một số đề xuất để triển khai như: Bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ để tăng cường nguồn cấp điện khu vực phía Bắc và kết hợp đảm bảo an ninh quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính; Bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư điện mặt trời trên lòng hồ các nhà máy thủy điện của EVN và các đơn vị trực thuộc để tận dụng mặt bằng, hạ tầng truyền tải sẵn có và phối hợp vận hành tối ưu với các nhà máy thủy điện; Nghiên cứu đề xuất đầu tư các nguồn lưu trữ và các nhà máy thủy điện tích năng để vận hành tối ưu và an toàn hệ thống khi tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao; Đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch nhằm tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải điện.

Nhận diện thách thức

Hiện nay, các nguồn nhiệt điện đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam. Đây là loại hình nguồn điện chủ động được về nhiên liệu và các vật tư, thiết bị, hoạt động ổn định, với số giờ vận hành tương đương lên tới khoảng 7.000 giờ/năm. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm ở Việt Nam vẫn ở mức cao, việc không phát triển thêm các nguồn nhiệt điện than mới (ngoại trừ các dự án đang triển khai) khi chưa có các nguồn năng lượng khác thay thế, sẽ dẫn tới nguy cơ không đáp ứng đủ nguồn cung, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh năng lượng quốc gia. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị đang sở hữu các nhà máy nhiệt điện than .

Về mặt công nghệ, các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới (hydro, amoniac) vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được thương mại hóa rộng rãi. Chính vì vậy, khi triển khai phát triển tại Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những vướng mắc. Đối với nguồn khí LNG nhập khẩu, thì chi phí sản xuất điện khá cao so với các loại hình nguồn khác.

Một khó khăn khác được chỉ ra là, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với tỷ trọng cao trong hệ thống điện buộc phải có các nguồn điện lưu trữ đi kèm (thủy điện tích năng, pin tích năng...). Hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu để trình Chính phủ cơ chế tài chính, cơ chế giá điện cho các loại hình nguồn điện này, nên các đơn vị chưa có cơ sở để chứng minh hiệu quả đầu tư của dự án.

Thách thức lớn nhất đối với EVN khi chuyển dịch năng lượng, đó là chi phí đầu tư lớn trong khi phải đảm bảo giá điện cân bằng khả năng chi trả và được Chính phủ phê duyệt. Theo tính toán, giai đoạn 2025-2030, mỗi năm EVN cần phải huy động nguồn vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD cho các dự án nguồn và lưới điện trong điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi rất hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVN xây dựng định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO