Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông luôn là vấn đề phức tạp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thường xuyên tái diễn. Để quản lý việc khai thác cát, sỏi lòng sông, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ cơ chế phối hợp và quy định trách nhiệm cụ thể. Trong đó, Nghị định số 23/2020/NÐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành vào ngày 10/4/2020 đã góp phần rất lớn vào công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm và nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương. Điều này đang được các tỉnh ở Tây Nguyên như Đắk Nông và Đắk Lắk triển khai đưa vào thực tiễn và đã có những tín hiệu hết sức khả quan.
Sau khi nghị định 23/2020/NÐ-CP có hiệu lực các địa phương cũng đã chủ động triển khai một số nội dung theo quy định nhằm chấn chỉnh các hoạt động khai thác cát trên các sông, ngăn chặn những hệ lụy về trật tự, trị an, đời sống, sản xuất và môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng những con sông ở hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang “oằn mình” trước những tác động từ khai thác cát chưa đúng quy định dẫn đến sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân hai bên bờ.
Sau hơn nữa ngày di chuyển từ trung tâm Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đến huyện Krông Nô rồi tiếp tục đi hơn 10km để sang phía bên kia bờ của sông Krông Nô thuộc địa phận thôn 5, xã Nam Ka, Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. (Khu vực này nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk chỉ cách nhau một con sông Krông Nô). Đang loay hoay tìm đường ra bờ sông để ghi nhận thực tế chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đang đi lại với vẻ mặt hớn hở nhưng cũng không dấu được sự lo lắng khi gặp chúng tôi. Trao đổi với chúng tôi, một số người dân cho biết khi nghe nhà báo về phản ánh sạt lở bờ sông người dân vui mừng lắm nhưng tiếp xúc thì cũng sợ vì ngoài phía sông các tàu bè hút cát manh động lắm. “Khi nghe có báo chí về là họ rút hết nhưng nếu người dân mà tiếp xúc nhiều với báo chí thì cũng sợ bị trả thù”. Một người dân xin dấu tên chia sẻ.
Sau một hồi trao đổi, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Âu cùng một số người dân sống gần bờ sông thuộc (thôn 5, xã Nam Ka, Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) dẫn đi ra sát bờ sông. Sau hơn 15 phút đi bộ qua nhiều vườn cà phê xanh tốt cùng lối mòn gập ghềnh chúng tôi nhìn thấy phía trước có hai tàu đang mãi mê hút cát dưới đáy sông lên từng đợt, hết sức nhịp nhàng còn phía bờ đối diện thuộc huyện Krông Nô xuất hiện từng mảng đất lớn tách khỏi bờ rồi rơi xuống sông hoà vào dòng nước.
Tiếp tục theo chân anh Âu đi thêm hơn 100m chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì có hàng chục cây cà phê đang thu hoạch bị vùi lấp sát mép sông vì sạt lở. Theo anh Nguyễn Văn Âu việc sạt lở đất kéo theo cây trồng xuống sông diễn ra như cơm bữa nhất là từ năm 2022 đến nay. “Ngày trước khi thuỷ điện Chư Pông Krông(được cấp phép hoạt động từ 8/2021 nằm giữa dòng sông Krông Nô. Pv) chưa tích nước các tàu cát không vào sát bờ được nhưng từ năm 2022 đến nay khi thuỷ điện chặn dòng nước dâng đến đâu tàu cát vào đến đó nên tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng hơn”. Anh Âu chia sẻ.
Trao đổi thêm với chúng tôi, Anh Cao Tuấn Anh cũng trú tại thôn 5 cho biết, gia đình anh vào làm rẫy từ năm 1996 có gần 2hecta mỗi năm thu được khoảng 6 -7 tấn cà phê nhưng mấy năm trở lại đây hơn 4.000m2 đất bị sạt kéo theo khoảng 300 cây cà phê đang thu hoạch cũng bị cuốn xuống sông nên bây giờ nguồn thu mất hơn 1tấn/năm. “Bị nặng nhất từ 2 năm trở lại đây, gia đình tôi và hàng chục hộ dân ở đây đã làm đơn kiến nghị nhiều lần những vẫn chưa thấy có biện pháp gì cụ thể.
Cẩn thận đấy, phía sau nhà nó lở hết rồi! Đó là câu nói cảnh báo cho chúng tôi của ông Nguyễn Văn Đào có căn nhà nằm sát bờ sông thuộc thôn 5, xã Nam Ka, Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đang có nguy cơ bị dòng sông nuốt chửng. Theo ông Đào, gia đình về sinh sống khu vực này từ năm 1995 và cất nhà rồi canh tác hơn 1hecta đất trồng cà phê và một số cây ăn trái khác như sầu riêng, chôm chôm…Ngày trước ban ngày đi làm đêm về kê cao gối ngủ nhưng khoảng 3 năm trở lại đây gia đình tôi đêm nào cũng lo ngay ngáy vì bờ sông đã lở vào sát nhà rồi. “Ngày trước từ nhà ra đến sông cách 20m nhưng bây giờ thì phía sau nhà bếp cũng đã bị lở luôn rồi, không biết khi nào thì nhà sập nhưng do chưa có điều kiện nên không chuyển đi được”. Ông Đào lo lắng nói.
Tương tự, gia đình bà Trương Thị Thủy chuyển từ tỉnh Quảng Ninh vào thôn Quảng Hà, Xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông từ năm 1992 canh tác hơn 3hecta đất nông nghiệp để trồng cà phê và lúa cùng với một số cây hoa màu khác như bắp, đậu, khoai lang…Cuộc sống tưởng chừng êm đềm với thu nhập hằng năm ổn định, có cái ăn cái mặc và có phần dư để cho con cái ăn học. Tuy nhiên, tính từ năm 2016 đến nay lòng sông có nhiều thay đổi về dòng chảy do thuỷ điện xã lũ cộng với việc các tàu khai thác cát liên tục “đào khoét” đã làm cho bờ sông bị biến dạng, sạt lở gây thiệt hại rất lớn cho gia đình bà cũng như nhiều hộ dân xung quanh. “Ngày trước từ bờ sông bên nay qua bên kia khoảng 20m thôi những bây giờ các anh nhìn thấy đó, nó phải rộng hơn 60m rồi. Nhà tôi bị sạt lở hơn 1hecta cuốn theo biết bao công sức chăm sóc cây trồng của gia đình. Bây giờ mỗi lần ra đồng làm khu vực sát bờ sông cám thấy bất an lắm”. Bà Thuỷ bồi hồi kể lại.
Theo ông Trần Đăng Ánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, từ nhiều năm qua câu chuyện người dân canh tác nông nghiệp sát với bờ sông bị sạt lở cây cối, hoa màu diễn ra thường xuyên. Trước tình hình trên, UBND huyện đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về khai thác cát. Ngoài ra, đề nghị các ngành chức năng liên quan vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân để có phương án xử lý triệt để.
Từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Krông Nô đã phê duyệt 6 phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân có đất bị sạt lở, ngập úng do ảnh hưởng của quá trình xây dựng, vận hành Thủy điện Buôn Tua Srah (được xây dựng trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) với tổng diện tích hơn 130ha. Tuy nhiên, hiện nay, đối chiếu quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn liên quan, việc tiếp tục bồi thường, hỗ trợ để thu hồi đất do ngập úng, sạt lở đất vùng hạ lưu Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah chưa được quy định cụ thể. Việc xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông sông Krông Nô (do hoạt động khai thác cát, do quá trình vận hành thủy điện, hay do địa chất, dòng chảy tự nhiên...) vẫn chưa rõ ràng, ngã ngũ.
Sông Krông Nô chảy qua địa bàn huyện với tổng chiều dài 54km, trong đó có 39km được cấp phép cho 7 đơn vị doanh nghiệp khai thác cát. Tuy nhiên, do toàn tuyến sông có đến 19 điểm sạt lở nghiêm trọng nên hiện tại các đơn vị này chỉ được khai thác trên 29km. Cũng theo ông Ánh, sông Krông Nô nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk nên công tác quản lý, giám sát còn nhiều bất cập và khá phức tạp. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là việc thiếu phương tiện đường thuỷ chuyên dụng nên khi bị lực lượng chức năng huyện Krông Nô phát hiện các tàu có dấu hiệu vi phạm khai thác cát ngay lập tức rút chạy về phía bên kia bờ thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Điển hình, vào cuối tháng 3/2024, người dân đã cung cấp thông tin về hoạt động khai thác cát có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thôn Thanh Sơn, xã Buôn Chóah. UBND xã Buôn Chóah đã chỉ đạo Công an xã tổ chức lực lượng trực tiếp xuống kiểm tra tại hiện trường và phát hiện có 5 tàu đang thực hiện hoạt động bơm, hút cát. Sau đó di chuyển về phía tỉnh Đắk Lắk - thuộc khu vực chưa cấp phép khai thác khoáng sản. Do lực lượng chức năng xã Buôn Choah không có đủ phương tiện, thiết bị nên không thể tiếp cận để kiểm tra, xử lý.
Theo ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, những năm qua, đoạn sông Krông Nô qua tỉnh Đắk Nông liên tiếp sạt lở và diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại các xã: Nâm N’đir, Đức Xuyên, Đắk Nang. Tại xã Nâm N’đir, nhiều công trình giao thông nội đồng, thủy lợi và đất canh tác ven sông liên tục sạt xuống bờ sông. Nhiều đoạn sạt vào sâu tới 20m so với trước đây. Sông Krông Nô giáp ranh của 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk nên việc điều tra, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông và đưa ra các giải pháp giảm thiểu sạt lở bờ sông cần phải thực hiện đồng bộ. “Sau khi Nghị định 23 có hiệu lực tỉnh Đắk Nông đã chủ động chỉ đạo cho Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở ngành, địa phương tuyên truyên, vận động các đơn vị doanh nghiệp chấp hành và phối hợp để hoạt động khai thác cát, sỏi, bơ bãi đi vào nề nếp. Cùng với đó thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ nếu phát hiện vi phạm xử lý nghiêm không có ngoại lệ”. Ông Yên khẳng định.
Theo đại diện lãnh đạo các địa phương cũng như lãnh đạo Sở TN&MT hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, mặc dù trong những năm qua các địa phương cũng đã bắt và xử lý khá nhiều trường hợp vi phạm khai thác cát không đúng quy định cũng như tịch thu phương tiện không chấp hành, thậm chí rút giấy phép các doanh nghiệp cố tình vi phạm hay vi phạm quy định nhiều lần. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này vẫn còn nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm các quy định tại Nghị 23.
Theo ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, qua công tác thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện một số đơn vị còn chưa chấp hành đầy đủ theo quy định của Nghị định 23/2020/NĐ-CP như: Không lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát; chưa lắp đặt thiết bị hành trình, chưa cập nhật đầy đủ thông tin bến cát; phương tiện tàu, thuyền hết thời hạn đăng kiểm nhưng chưa đăng kiểm lại; không lắp đặt trạm cân và camera; báo cáo định kỳ chưa đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Căn cứ kết quả thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý vi phạm hành chính.
“Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng. Trong đó, đối với các trường hợp không chấp hành các quy định của nhà nước nói chung cũng như Nghị định 23 nói riêng phải có biện pháp mạnh”. Ông Sỹ chia sẻ thêm.
Điển hình, vụ việc mới đây nhất Công ty cổ phần 484 có trụ sở tại Nghệ An được UBND tỉnh Đắk Lắk giao khai thác mỏ cát ở huyện Krông Bông vào đầu năm 2024 với nhiều ưu đãi, có tổng trữ lượng hơn 250.000m3 để phục vụ cho các nhà thầu tại dự án thành phần 2 (dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, khi chưa được các cơ quan chức năng cấp đủ các loại giấy phép nhưng công ty CP 484 đã ồ ạt cho khai thác và tập kết bãi cát trái quy định.
Trước tình trạng này, ngày 25/6/2024, UBND huyện Krông Bông đã lập đoàn kiểm tra và chỉ ra nhiều vi phạm như điểm tập kết cát và phương tiện khai thác cát không đúng với giấy phép, chưa có thiết bị phục vụ cho công tác giám sát khối lượng để tính thuế tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng chưa đăng ký số lượng và gắn logo cho phương tiện vận chuyển cát, xe chở cát có trọng tải lớn nhưng lưu thông trên đường bê-tông giao thông nông thôn nguy cơ làm hư hỏng đường. UBND huyện Krông Bông đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét cho tạm dừng hoạt động khai thác cát để doanh nghiệp tiếp tục bổ sung các điều kiện theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp huyện tổ chức kiểm tra, thẩm định các khâu trước khi khai thác cát trở lại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đăng Sỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết, mặc dù được tạo điều kiện để giảm một số thủ tục trong quá trình cấp phép nhằm phục vụ cho cao tốc với cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo quy định về bến bãi và thiết bị giám sát theo quy định tại Nghị 23 thì buộc doanh nghiệp phải tuân thủ và phải chấp hành nghiêm. “Quy định từ luật nên nếu du là cho cơ chế đặc thù nhưng phải chấp hành và nếu vi phạm về các quy định trong luật thì buộc phải xử lý nghiêm”. Ông Sỹ khẳng định.
Bài: PHẠM HOÀI – TRẦN THỌ
Trình bày: TÙNG QUÂN