e-magazine.jpg

Trong nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nguồn lợi thủy sản từ vùng bờ đến vùng khơi nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, mô hình mang rác về bờ đang dần khẳng định tính khả thi, hiệu quả. Rạn san hô dần phục hồi, cá heo, rùa biển tìm về, những khoang thuyền cá bạc cũng đầy hơn...

1(3).jpg

Sáng ngày 4/9, tôi có mặt ở cảng Quy Nhơn sau kỳ nghỉ lễ dài ngày và rất vui khi bên cạnh các túi lưới đựng rác được ngư dân đều đặn mang về bờ thì sản lượng đánh bắt của bà con tháng này đã tăng lên rất nhiều.

9h sáng, cảng cá Quy Nhơn nhộn nhịp. Rất nhiều tàu cập bến sau chuyến hành trình đánh bắt dài ngày. Trên cabin tàu, ngư dân hối hả vận chuyển cá từ hầm bảo quản đưa lên xe, bán cho thương lái. Sau nhiều ngày lênh đênh trên sông nước, ít nhiều khiến mọi người mệt mỏi, nhưng trái lại, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ, phấn khởi vì một điều giản dị: Cá đầy khoang.

Ông Dương Minh Định ở phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, chủ tàu cá BĐ-91266-TS làm nghề vây cá ngừ cho biết, đợt cập cảng này, tàu ông mang về 22 tấn cá. Sản lượng khai thác tăng so với các chuyến trước (chuyến trước đó được 6,7 tấn). Các anh em bạn thuyền rất vui.

Cách đó không xa, tàu BĐ-91052-TS của ông Phan Thanh Trưởng, ở Đống Đa, TP. Quy Nhơn, làm nghề lưới vây cũng đang bốc dỡ cá. "Chuyến này khai thác được gần 30 tấn cá. Đợt này cá cũng to hơn", ông Trưởng phấn khởi cho hay.

Khi được hỏi về việc các tàu thuyền có mang rác về bờ không, anh Lê Trọng Nghĩa, một thuyền viên trên tàu dẫn tôi ra phía sau cabin và khoe thành tích. Tổng 5 túi rác to: 1 túi treo ở sau cabin và 4 túi rác các loại đặt trên nóc tàu cá. "Chuyến biển nào chúng tôi cũng mang rác về bờ cả. Nói chung hiện nay anh em tuân thủ tốt việc thu gom rác trên tàu cá", anh Nghĩa bày tỏ.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Bình Định, sản lượng khai thác thủy sản biển tháng 8 ước đạt 27.540 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 192.717 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023 (186.925,2 tấn).

"Sản lượng khai thác thủy sản thay đổi theo tháng, theo mùa và phụ thuộc vào môi trường, thời tiết và dòng hải lưu... Môi trường trong lành, tạo điều kiện tốt cho các loài thủy sản sinh trưởng, phát triển. Tuy mô hình tàu cá thu gom rác thải về bờ chỉ mới triển khai chưa được một năm, nhưng đã giúp giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa thải ra đại dương, tạo môi trường biển trong lành hơn, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản", ông Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nhận định.

2(3).jpg

Bên cạnh việc triển khai tốt mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá, các mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng cũng được Bình Định chú trọng thực hiện và đạt hiệu quả. Bốn tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng (gồm 220 thành viên, phần lớn là ngư dân) đã được UBND TP. Quy Nhơn giao quyền bảo vệ khoảng 46ha khu vực biển có rạn san hô. Cụ thể, khu vực biển Bãi Dứa tại Nhơn Lý, diện tích 8,02ha; khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ ở xã Nhơn Hải, diện tích 12,043ha; khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng 5,83ha; khu vực Bãi Trước ở xã Nhơn Châu 20,24ha.

anh-3(1).jpg
Hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển Vịnh Quy Nhơn đang dần phục hồi

Dọn rác, bắt sao biển gai - loài ăn san hô, quan trắc, cắm phao tiêu, biển báo khoanh vùng khu vực biển được giao, cứu hộ rùa biển... là những hoạt động chính của các tổ chức cộng đồng ở Quy Nhơn. Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên tổ chức cộng đồng xã Nhơn Hải cho biết: "Tổ chức cộng đồng xã tổ chức lặn dọn rác dưới đáy biển một lần/tuần để giữ môi trường biển trong sạch, đẹp. Trong quá trình thu gom rác thì bắt luôn sao biển gai để bảo vệ san hô. Bên cạnh đó chúng tôi thường xuyên tuyên truyền du khách về sử dụng bền vững tài nguyên biển".

Sau thời gian được tổ chức cộng đồng khoanh vùng bảo vệ, hệ sinh thái rạn san hô đã phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sôi, phát triển. Kết quả quan trắc san hô năm 2023 cho thấy, tại 4 điểm giám sát ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng đều được xếp hạng sức khỏe khá, tốt. Nhơn Lý có độ phủ san hô sống cao nhất (đạt hơn 76%), tiếp đến là Nhơn Hải (hơn 44%), Ghềnh Ráng (32%) và Nhơn Châu duy trì 24%.

Anh Nguyễn Hữu Đảo, kinh doanh dịch vụ du lịch tại xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn) chia sẻ, anh thường hay tổ chức các tour câu cá, mực đêm cho du khách tại khu vực biển Hòn Sẹo. Nay môi trường biển sạch nên những đàn cá từ các nơi kéo về nhiều hơn. Mấy hôm nay nhóm của anh câu được nhiều cá dìa, cá dò, cá tát, cá nục gai, mực lá, mực ống, mực soi...

3(2).jpg

Thời gian qua, cộng đồng dân cư Bình Định hết sức vui mừng khi trong vòng chưa đầy 3 tháng (từ 21/5 đến 14/8), đã có 9 lươ?t ru`a biển (rùa xanh, vích) là một trong 5 loài rùa biển quý hiếm ở Việt Nam lên bãi biển ven bờ ở Quy Nhơn để đẻ trứng. Trong đó, có 7 ổ trứng tại xã Nhơn Hải và 2 ổ trứng ở xã Nhơn Châu, với tổng số gần 900 quả trứng. Đến nay, 4 ổ trứng tại Nhơn Hải đã nở được 213 rùa con/402 trứng, đạt tỉ lệ nở thành công là 53%. Ngoài ra, người dân và du khách cũng thường xuyên bắt gặp rùa biển sinh sống tại khu vực rạn ở Hòn Khô Nhơn Hải, Bãi Dứa và Hòn Sẹo Nhơn Lý.

anh-6.jpg
Hàng trăm rùa con được ấp nở thành công tại Nhơn Hải khiến cộng đồng và du khách thích thú
anh-2.jpg
Ngư dân phấn khởi khi tàu cập cảng với cá đầy khoang

Theo TS. Chu Thế Cường, chuyên gia bảo tồn rùa biển của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế ( IUCN), rùa biển sống ở các thảm cỏ biển, các rạn san hô và khu vực bờ biển. Thức ăn của chúng gồm: hải miên, sứa biển, cỏ biển, giáp xác và các loại thân mềm. Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển. Chúng tham gia vào chu trình tái tạo chất dinh dưỡng cho môi trường tự nhiên. Sức khỏe của rùa có thể sử dụng để nhận biết hiện trạng của các hệ sinh thái mà chúng sinh sống.

Không chỉ có rùa biển, việc loài thú biển to lớn - cá voi Edeni liên tiếp xuất hiện trong 3 năm liền (từ năm 2022 đến nay), lúc ở Đề Gi (huyện Phù Cát), khi ở Hòn Sẹo, Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn) và gần đây nhất là tại vùng biển Mũi Gành, xã Hoài Hải (TX. Hoài Nhơn) đã không còn xa lạ với cộng đồng và truyền thông.

Ông Vũ Long, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES) cho biết, loài cá voi Edeni có tập tính nuôi con bằng sữa hết 6 tháng nên các cá thể mẹ thường chọn những vùng biển êm, có lượng thức ăn phong phú để nghỉ dưỡng và nuôi con.

Ngoài ra, còn có cá heo, cá nhám voi... thỉnh thoảng góp mặt ở vùng ven bờ tại các khu du lịch nổi tiếng của Bình Định khiến du khách thích thú.

33b3c56110f6b6a8efe7.jpg
Tàu cập cảng với cá đầy khoang

Việc các loài động vật hoang dã quý hiếm đến vùng biển ven bờ của Bình Định để săn mồi, sinh sống và sinh sản cho thấy môi trường vùng biển ven bờ của tỉnh này đã được cải thiện trong lành cùng nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng. Đây là những tín hiệu tốt cho công tác bảo tồn biển, thể hiện lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, Bình Định đang tập trung phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cũng theo ông Phúc, cá heo, cá voi, rùa biển xuất hiện thường xuyên hơn và sản lượng đánh bắt cá gần đây tăng lên là những tín hiệu vui không chỉ đối với tỉnh mà còn "đánh" vào niềm vui trực tiếp của ngư dân, giúp họ thêm động lực mang rác về bờ, bởi muốn ngày mai cá bạc đầy khoang thì hôm nay phải tích cực mang rác về bờ, ngôi nhà đại dương có xanh thì mới gọi được cá về sinh sống.

4(2).jpg

Bài: NGUYỄN THỊ ÁI TRINH
Chi cục Thủy sản Bình Định,110 Trần Hưng Đạo,
TP. Quy Nhơn, Bình Định

Trình bày: TÙNG QUÂN

footer(1).jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine: Mang rác về bờ để mang cá về bờ - Bài 5: Mai ngày cá bạc đầy khoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO