Đứt gãy xăng dầu: Tiếng nói người trong cuộc

Phương Hà| 06/03/2023 17:58

(TN&MT) - Nhằm thống nhất những ý kiến, đóng góp để sửa những bất cập trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, ngày 6/3/2023, Báo Tiền phong tổ chức Tọa đàm “Kinh doanh xăng, dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”.

Đứt gãy nguồn cung - nhìn nhận từ nhiều góc độ 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Đứt gãy nguồn cung, giá xăng dầu tăng vọt, hết xăng, cây xăng đóng cửa, chiết khấu, doanh nghiệp thua lỗ, quản lý thị trường kiểm tra cây xăng… là những từ được các cơ quan báo chí liên tiếp sử dụng trong các bài báo để phản ánh diễn biến tình hình của thị trường xăng dầu trong nước năm 2022.

008.jpg
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong chủ trì Tọa đàm

Năm 2022 là một năm đầy biến động trên toàn cầu do tác động của dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn cùng với cuộc chiến tại Ukraina khiến hoạt động của các doanh nghiệp chao đảo. Với ngành xăng dầu, phải nói đây là một năm có rất nhiều biến động với diễn biến chưa từng có trong lịch sử của ngành khi giá dầu liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm rồi đột ngột giảm giá mạnh kéo theo việc vận chuyển, nhập khẩu xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp trong ngành đều bị thua lỗ nặng nề.

Tọa đàm “Kinh doanh xăng, dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” sẽ dành thời lượng lớn để bàn về những vấn đề liên quan đến quản lý thị trường xăng dầu sao cho hiệu quả, các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần phải làm gì để xăng dầu không bị đứt gãy nguồn cung một số thời điểm như đã diễn ra trong năm 2022 cũng như giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề đặt ra rất bức thiết trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến.

006.jpg

Kinh doanh xăng dầu suy kiệt 

Mở đầu ý kiến doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Tọa đàm, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, các doanh nghiệp bán lẻ nhiều lúc phải dùng tiền túi, thậm chí có người phải bán, cầm cố tài sản để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, phục vụ bình ổn thị trường theo quản lý. Kinh doanh như vậy không khác gì doanh nghiệp bán lẻ bị "bức tử".

001.jpg
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang bị "bức tử".

Sau hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu do Bộ Công Thương và VCCI phối hợp tổ chức ngày 14/02/2023, chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít tùy khu vực. Theo ông Giang Chấn Tây, đây là hiện tượng không bình thường. Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối.

Do đó, ông Tây đề nghị, về chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức, cần phải phân chia rõ ở 2 khâu là bán buôn và bán lẻ theo tỷ lệ phần trăm phải được quy định trong Nghị định sửa đổi bổ sung mới, riêng khâu bán lẻ phải có từ 5 - 6%/trên giá bán lẻ để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, duy trì hoạt động trong mọi tình huống.

007.jpg
Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: Như Ý

Góp ý những vấn đề cần sửa đổi cho Nghị định kinh doanh xăng dầu, ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho rằng, hiện nay do cơ chế điều hành còn bất cập và thiếu minh bạch nên xảy ra những tình trạng vừa qua.

Ông Thật đặt ra nghi vấn: Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi đó doanh nghiệp đầu mối; doanh nghiệp thương nhân phân phối và doanh nghiệp tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ chỉ được lấy từ một nguồn. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?

"Trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng o đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuổi cung ứng đến người tiêu dùng", ông Thật nêu ý kiến.

Ông Thật đề xuất chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.

Ở góc độ thương nhân phân phối xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai, cho rằng thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. Ông Phụng đề xuất luật phải thị trường hóa, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của Nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hòa lợi ích.

"Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh đã lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập", ông Phụng nhìn nhận.

002.jpg
Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai.

Còn theo ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), tình trạng đứt gãy cung ứng xăng dầu xảy ra, theo suy nghĩ của doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối là trung gian, gây đứt gãy, khiến chi phí tăng cao. “Nếu thương nhân phân phối thực sự là trung gian, là nguyên nhân của vấn đề gây đứt gãy thì tôi nghĩ nên cắt bỏ. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của đứt gãy là gì? Trên thực tế, thương nhân phân phối đang là bên bị đổ lỗi”, ông Dũng nói.

Về chu kỳ điều chỉnh, ông Dũng cho hay trước đây, khi chu kỳ là 15 ngày, tình hình thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi rút còn 10 ngày, đứt gãy diễn ra cục bộ, đầu nối không đủ thời gian để vận hành hoạt động, dẫn đến tình trạng đứt gãy nguồn cung. Ông Dũng cho biết, trước và sau 2 ngày của chu kỳ điều hành, tình trạng cung ứng xăng dầu rất căng thẳng, sắp tới, chu kỳ hướng tới 7 ngày, ông Dũng bày tỏ việc tiếp tục rút ngắn khiến tình trạng đứt gãy có thể xảy ra nghiêm trọng hơn, không thể nào lấy hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

003.jpg
Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP)

Sửa các quy định phải căn cơ, triệt để và lâu dài

Ở góc độ quản lý Nhà nước, về chiết khấu, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

"Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp", ông Tiến nói.

005.jpg
ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng phải đặt vấn đề ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra; chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...

004.jpg
Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Về chi phí lợi nhuận định mức, ông Đông cho biết Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công Thương nhưng diễn biến thị trường thời gian qua, chi phí biến động liên tục nên phải thông cảm cho Nhà nước không thể kịp theo những biến động quá nhanh. Nếu giữ cách thức như hiện nay phải chấp nhận ưu và nhược điểm.

“Trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng khó khăn. Tất cả các khâu khi kinh doanh thua lỗ, bán ra càng nhiều thì đều muốn hạn chế không riêng gì thương nhân đầu mối. Chúng ta phải xử lý căn cơ vấn đề này thế nào? Sửa Nghị định 83, 95 nên sửa căn cơ, triệt để", ông Đông nhấn mạnh.

Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, quan điểm sửa nghị định Bộ Công Thương là không vội vàng, cần sửa căn cơ, lâu dài, hướng tới thị trường hơn để giảm bớt cả khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn, không thể chạy theo những thay đổi quá nhanh chóng của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đứt gãy xăng dầu: Tiếng nói người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO