(TN&MT) - Mặc dù nhiều đoạn đường gom, cống chui dân sinh thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang xuống cấp nghiêm trọng nhưng phía Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang không khẩn trương cải tạo, sửa chữa khiến người dân bức xúc vì tìm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Vừa qua, Báo Tài Nguyên và Môi trường nhận được phản ánh từ một số bạn đọc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phản ánh về tình trạng đường gom thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua KCN Quang Châu và KCN Vân Trung thuộc huyện Việt Yên có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điểm, đoạn đường đã xuất hiện ổ gà, ổ voi... tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Mặt đường nhiều đoạn đường gom thuộc dự án nâng cấp, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang bị trồi lún, xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo ghi nhận thực tế ngày 05/11 của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, đúng như phản ánh của nhiều người dân, tại đường gom tại khu vực từ Km 130 đến Km 125 xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn đường đi mấp mô, gồ ghề, hàng chục ổ gà lớn liên tiếp xuất hiện, thậm chí có những đoạn bị phá hủy hoàn toàn.
Khi trời nắng, nhiều đoạn đường xuống cấp khiến bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. |
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn H có nhà ở TP. Bắc Giang cho biết: “Tôi làm việc ở Bắc Ninh nên thường xuyên về quê bằng xe máy, tôi hay đi vào đường gom thuộc dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Do đi lại nhiều nên các đoạn đường ở đây tôi nắm rất rõ, hiện nhiều điểm đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, mỗi khi mưa lớn làm nước mưa đọng lại tạo thành vũng, khiến đi lại rất khó khăn".
Nhiều điểm xuất hiện ổ voi, ổ gà. Trời mưa khiến nước đọng lại thành "vũng". |
Một người dân khác cũng cho biết, các hầm chui dân sinh được thiết kế thấp hơn mặt đường nên chỉ cần có mưa nhỏ cũng đã "biến" thành sông, nước ngập ngang bánh xe máy khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn. Trong khi đó, lúc rời nắng thì khói bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường, người đi lại rất khó thở. "Đặc biệt, đường gom cũng là nơi tập trung cho xe quá tải hoạt động, các xe tải cứ chạy ầm ầm, mặt đường bị cầy xới, xuống cấp nghiêm trọng ", người này cho biết thêm.
Nhiều đoạn đường gom cũng là nơi tập trung cho xe quá tải hoạt động, các xe tải cứ chạy ầm ầm, mặt đường bị cầy xới, xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo tìm hiểu của PV, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại văn bản số 2238/TTg-KTN (ngày 18/12/2013) và Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 113/QĐ-BGTVT (ngày 10/1/2014). Dự án khởi động ngày 20/2/2014, với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 2.503 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ định liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại 319 làm nhà đầu tư Dự án theo Quyết định số 406/QĐ-BGTVT (ngày 12/02/2014). Đồng thời giao Ban Quản lý dự án 2 làm đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng |
Công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội — Bắc Giang dài khoảng 45,8 Km, điểm đầu tại lý trình Km 113+985, QL1 (nút giao QL31) thuộc địa phận TP. Bắc Giang và điểm cuối dự án tại lý trình Km 159+100, QL1 (vị trí trạm thu phí Phù Đồng cũ) thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dự án được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 01/2016, chính thức thu phí từ tháng 05/2016.
Theo báo cáo tại văn bản số 3334/UBND-GT của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 29/9/2017 gửi Bộ Giao thông vận tải, đến nay, sau 1,5 năm kể từ ngày thu phí, một số tồn tại trên hệ thống đường gom và cống chui dân sinh thuộc dự án vẫn chưa được xử lý, khắc phục xong; một số vị trí sau một thời gian dài khai thác đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời, gây khó khăn cho giao thông đi lại trên các tuyến đường gom, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu công nghiệp dọc tuyến.
Chất lượng đường gom xuống cấp thảm hại |
Cụ thể, về hệ thống đường gom, theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, đoạn đường ngoài KCN Vân Trung và KCN Quang Châu (do tỉnh Bắc Giang đầu tư, hiện tại được kết nối với hệ thống đường gom QL1): Nhà đầu tư chưa thực hiện việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng do sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công công trình. Hiện trạng mặt đường trồi lún, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ trâu, ổ gà, đi lại hết sức khó khăn, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các KCN.
Bên cạnh đó, nhiều vị trí đường gom sau một thời gian khai thác đã bị trồi lún, võng vệt bánh xe, đọng nước trên mặt đường điển hình như các đoạn: Km 123+405 - Km 125+420 (trái tuyến); Km 116+115 - Km 116+215 (trái tuyến); Km 113+985 - Km 115+500 (trái tuyến); Km 113+985 - Km 115+385 (phải tuyến)… một số đoạn đường gom khả năng thoát nước hạn chế, ngập nước cục bộ khi mưa lớn như: Km 113+985 - Km 114+045 phía bên phải tuyến đoạn qua xã Dĩnh Kế và đoạn nút giao thông cầu vượt Đình Trám.
Về hệ thống cống chui dân sinh, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, nhiều vị trí cống chui dân sinh bị ngập nước, mặt đường trong cống gồ ghề, đi lại khó khăn nhất là khi mưa gây ảnh hưởng lớn đến giao thông kết nối khu vực 2 bên tuyến cao tốc.
Xe tải hạng nặng chạy ngược chạy xuôi vào con đường này |
Cụ thể, cống chui dân sinh tại Km 125+420 - Km 128+200 mặt đường trong cống gồ ghề, đọng nước, mặt đường đoạn vuốt nối vào đường gom trồi lún. Bên cạnh đó, tại vị trí cống chui dân sinh Km 126+600 thường xuyên bị ngập nước cục bộ do cao độ mặt đường trong cống thấp hơn so với cao độ đường gom và không có hệ thống rãnh thu và thoát nước tại 2 đầu cống.
Ngoài ra, các vị trí cống chui tại Km 128+761; Km 129+690; Km 130+134,7; Km 130+740; Km 131+383; Km 118+980; Km 120+870,74... chưa xử lý vuốt nối vẫn bị ngập nước, thường xuyên ngập sâu khi mưa to do nước không thoát được sang mương thủy lợi, mặt đường trong cống gồ ghề, đọng nước, tường cánh cống nứt vỡ.
Trước những tồn tại trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nhiều lần làm việc, yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục; UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có các văn bản số 176/UBND-GT ngày 21/01/2016; số 1013/UBND-GT ngày 21/04/2016; số 2532/UBND-GT ngày 24/8/2016…, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện sửa chữa, khắc phục các tồn tại trên tuyến.
Tuy nhiên, đến nay các nội dung tồn tại nêu trên chưa được nhà đầu tư quan tâm sửa chữa, khắc phục. Tại buổi làm việc ngày 24/8/2017, nhà đầu tư đã thống nhất sẽ khắc phục xong các tồn tại nêu trên trước ngày 15/10/2017, tuy nhiên đến nay chưa triển khai thực hiện.
Thỉnh thoảng có đoạn đường đi được thì rác thải sinh hoạt lại nằm chình ình bên đường |
Để đảm bảo giao thông đi lại trên hệ thống đường gom thuận lợi, đảm bảo điều kiện hoạt động cho các KCN dọc tuyến và nhu cầu đi lại hàng ngày của nhân dân khu vực, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà đầu tư khẩn trương sửa chữa các hư hỏng, bất cập trên hệ thống đường gom, cống chui dân sinh thuộc phạm vi dự án. Đồng thời thực hiện ngay việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn trả cho địa phương tuyến đường ngoài KCN Vân Trung và KCN Quang Châu theo đúng cam kết khi sử dụng đường công vụ phục vụ thi công công trình.
Theo tài liệu của PV, ngày 24/10/2017, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký văn bản số 11990/BGTVT-ĐTCT chấp thuận chủ trương cải tạo, sửa chữa đường gom Khu Công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang, theo hình thức hợp đồng BOT như đề xuất của Ban quản lý dự án 2 và Công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang.
Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo Nhà đầu tư và các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức thẩm định, phê duyệt tuân thủ theo quy định hiện hành (trình Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thẩm định trước khi phê duyệt), đảm bảo kinh tế-kỹ thuật và không vượt tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
Doãn Hưng - Văn Huy