Theo tìm hiểu, hạng mục cầu đi bộ lót sàn gỗ lim là công trình thí điểm nằm trong “Dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ; với tổng kinh phí tài trợ không hoàn lại 6 triệu USD.
Đường đi bộ dài hơn 380m, chiều rộng đường dạo 4-5m; được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400, mặt sàn được lát gỗ lim (loại gỗ có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi) dày 5cm với tổng diện tích lát gỗ lim hơn 2.400m2; tổng cộng có 16.000 thanh gỗ lim; chi phí trên 5,7 tỷ đồng nhằm kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng, TP. Huế phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh...
Kể từ khi dự án “manh nha” và đưa vào xây dựng từ đầu tháng 3/2018, dư luận từ người dân, du khách, các chuyên gia... đã đặt ra những luôn ý kiến bất đồng về sự bền vững của công trình bằng gỗ lim này bởi thời tiết Huế mưa nhiều vã lũ lụt liên miên. Những ngày vừa qua, dù công trình vẫn chưa bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng sức hút của nó là rất lớn, đã có rất nhiều người dân và du khách đến vui chơi, chụp ảnh.
PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế - là chủ thầu thi công chính để biết thêm một số thông tin trước khi con đường gỗ lim “độc đáo” này khánh thành.
PV: Cơ duyên nào để đưa mình đến với dự án lớn này và lúc ban đầu, dư luận tranh cãi gay gắt về con đường gỗ lim khiến ông cảm thấy ra sao?
Ông Văn Viết Thành: Dự án được khởi động khoảng từ 2015, ban đầu khi đấu thầu dự án, có tổng cộng 17 nhà thầu trên cả nước trong đó có 2 nhà thầu Hàn Quốc dự thầu. Nhờ giá thầu thấp nhất, năng lực hồ sơ phù hợp nhất... nên chúng tôi được nhận; và nếu không đứng chân địa bàn tỉnh thì công ty cũng không dám tham gia.
Dự án từng mang ra các hội thảo, lấy ý kiến bằng văn bản của các nhà chuyên gia nằm trong hội đồng phản biện, sau đó các ý kiến được tâp hợp lại. KOICA cũng đã phối hợp với Bảo tàng văn hóa Huế tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong năm 2016.
Ban đầu họ không hiểu đây là dự án được tài trợ 100% (tiền thuế 10% không viện trợ), tưởng rằng chúng tôi mang tiền ra để phung phí. Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều dự án, nhiều công trình và đây có lẽ là công trình khiến tôi cũng như anh em mất ăn, mất ngủ rất nhiều bởi sự tranh cãi là quá lớn. Nếu công trình mình tâm huyết làm ra mà bị chê bai thì anh em cũng thấy chạnh lòng...
Bây giờ dự án đã hoàn thành tất cả công tác xây dựng, chỉ chờ ngày bàn giao cho chủ đầu tư là UBND TP. Huế, sau đó thành phố sẽ giao cho một đơn vị công ích quản lý chính thức.
PV: Trong quá trình thi công, đơn vị đã gặp những khó khăn gì?
Ông Văn Viết Thành: Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, trong đó áp lực lớn nhất là dư luận còn nhiều ý kiến đa chiều về chất lượng, sự ổn định của công trình; thứ hai là về mặt kiến trúc và tính thẫm mỹ.
Cụ thể chất lượng ở đây là độ bền của sàn gỗ lim vì thường xuyên tiếp xúc với nắng mưa, đồng thời chưa hề có công trình lát sàn gỗ ngoài trời nào trên địa bàn, thậm chí tại Việt Nam có quy mô lớn như thế. Về kiến trúc và thẫm mỹ thì do sông Hương là dòng sông di sản, lại rất quan trọng trong tâm thức của người Huế. Bởi vậy khi công trình nằm trong lòng sông Hương thì chúng tôi cũng có rất nhiều trăn trở kể cả vấn đề tâm linh vì người ta cứ nghĩ đóng cọc xuống sông có ảnh hưởng đến phong thủy hay không. Họ không hình dung sau này công trình sẽ mềm mại như thế. Đến nổi có những người dùng lời lẽ nặng nề như “cưỡng bức sông Hương” và họ nhìn các công nhân thi công như kẻ tội đồ...
PV: Đơn vị tài trợ (KOICA) đánh giá con đường gỗ lim mà mình thi công ra sao?
Ông Văn Viết Thành: Về công tác giám sát chất lượng hàng ngày thì Ban quản lý KOICA đóng tại Việt Nam sẽ kiểm tra rất kỹ. Ngoài ra, hàng tháng sẽ có các chuyên gia của KOICA ở Hàn Quốc như kỹ sư điện, cơ khí, kiểm định chất lượng... sang kiểm tra tiến độ và kiểm soát chất lượng.
Ngày 10/10 vừa qua, đoàn chuyên gia của KOICA đã qua nghiệm thu đợt cuối và đánh giá rất cao chất lượng cũng như tính thẫm mỹ của công trình. Họ không ngờ rằng tay nghề của thợ thủ công Việt Nam trong việc thi công gò hàn các thanh đồng đạt được độ tinh xảo rất cao. Để tạo nên những thanh đồng đẹp, lắp ráp thẳng tắp, đơn vị thi công đã làm đi làm lại nhiều lần và học hỏi, tìm tòi nhiều công nghệ mới. Bởi, từ trước đến nay việc làm lan can bằng đồng như này chưa hề có tiền lệ. Các chuyên gia Hàn Quốc thời gian qua cũng hoang mang vì báo chí ầm ĩ về con đường gỗ lim này. Nhưng khi qua thì bất ngờ vì rất đẹp...
Nếu sau này xuất hiện nứt nẻ các thanh gỗ lim thì mình sẽ xử lý thế nào? Phương án trùng tu bão dưỡng ra sao?
Ông Văn Viết Thành: Đa số các ý kiến rất băn khoăn về việc, trong quá trình thi công thì hạng mục dễ tổn thương nhất là sàn gỗ. Về việc này thì yên tâm bởi thời gian bảo hành của nhà thầu là 30 tháng. Trong quá trình bảo hành, nếu gỗ hư hỏng do lỗi nhà thầu thì nhà thầu sẽ bỏ kinh phí ra sửa chữa. Nếu hư hỏng do thiên tai hoặc quá trình sử dụng không đúng mục đích (chủ yếu con người gây nên) thì KOICA cũng đã cấp kinh phí 3% khối lượng dự phòng để thay thế (khoảng hơn 100 triệu).Việc bị rạn nứt nhỏ như vừa qua cũng bình thường, không có vấn đề về sự chịu lực của công trình và càng đảm bảo độ tự nhiên của vật liệu gỗ.
Về phương án trùng tu, bảo dưỡng thì sau khi bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng, chủ đầu tư sẽ ban hành một sổ tay vận hành quy định cụ thể chi tiết quá trình duy tu bảo dưỡng vận hành tất cả các hạng mục của đường đi bộ.
Hệ thống điện, đèn chiếu sáng được lắp đặt trên cầu đạt chuẩn chống nước 100%, có thể ngâm sâu dưới 4m nước. Hơn nữa, theo tư vấn từ các nhà chuyên môn thì sông Hương không còn những trận lũ lụt nhiều như thời gian trước đây vì đã có hệ thống hồ chứa thủy lợi ở đầu nguồn. Việc ngập nước gây hư hại công trình hay rác thải đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng phương án giải quyết.
PV: Vừa qua, người dân và du khách đến vui chơi, chụp ảnh... dù chưa bàn giao; phía mình đã xử lý thế nào?
Ông Văn Viết Thành: Mặc dù chưa bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng lượng du khách tự phát đến rất là đông, dù ngày hay đêm. Trước hết đơn vị thi công cũng rất vui và tư hào vì góp phần tạo nên một điểm đến thú vị cho Huế, riêng tôi thì đó như là một sự động viên lớn về tinh thần.
Tuy nhiên điều đó cũng đã phát sinh một số vấn đề về an ninh trật tự, nhiều điểm giữ xe tự phát hình thành, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường… Sau đó, chúng tôi tạm cấm cho vào công trình để chuẩn bị công tác bàn giao. Sau khi thành phố tiếp nhận, với một bộ máy tổ chức đầy đủ thì công trình sẽ đưa vào hoạt động. Dự kiến đầu tháng 11 này, KOICA sẽ bàn giao cho địa phương và địa phương sẽ chọn thời gian khánh thành.
PV: Ông hi vọng gì về con đường gỗ lim trong thời gian tới?
Ông Văn Viết Thành: Đây là một dấu ấn đặc sắc của tình hữu nghị Việt - Hàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn sát sao đơn vị trong quá trình thi công từ những ngày đầu đến khi sắp hoàn thiện.
Mặc dù rằng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn nhưng hi vọng đây là một điểm nhấn, một điểm sinh hoạt cộng đồng lý thú và thoải mái nhất cho người dân và du khách. Cứ để thời gian sẽ trả lời về chất lượng của công trình...
PV: Xin cảm ơn ông!