Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Nhà thầu bóc mặt đường làm lại tại km5, sau 9 tháng sử dụng?

08/10/2014 00:00

(TN&MT) - “Vết vá” dài gần 30 m, thuộc km5, thuộc địa phận xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, các phương tiện khi lưu thông qua đây cần chú ý, kẻo tai nạn...

   
(TN&MT) - Theo người dân địa phương cho biết, mấy ngày qua, các phương tiện giao thông theo hướng từ Thái Nguyên về Hà Nội đến đoạn km 5, đều phải giảm tốc độ và thận trọng vì mặt đường tại khu vực này đã hỏng. Nhà thầu đang xúc bóc nhựa đổ đi để đầm lớp mới. Tuyến đường này mới thông xe từ ngày 18/1/2014, đến nay mới được 9 tháng.
   
   
  Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online ngay tại khu vực bóc dỡ mặt đường, ông Nguyễn Đức Tuyên, một người dân sinh sống tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho biết: mấy ngày qua, ông thấy một đơn vị nhà thầu đã cào bóc mặt đường này lên để đổ nhựa vào bọc lót (ảnh) để làm lại mặt đường đoạn này. Ông Tuyên cũng cho biết, cũng may, chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra tại đây. Nhưng cũng rất lo lắng nếu các phương tiện không nhường nhịn nhau.
   
   
  Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hay còn gọi là Quốc lộ 3 mới là một trong 6 tuyến cao tốc đang xây dựng theo quy hoạch tại miền Bắc Việt Nam. Tuyến đường được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 24 tháng 11 năm 2009. Tuyến đường sẽ đi qua địa bàn ba tỉnh thành là Hà Nội, Thái Nguyên và một đoạn ngắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có mặt đường rộng 34,5m và dài hơn 61 km có điểm đầu là Quốc lộ 1A mới thuộc xã Ninh Hiệp (gia Lâm, Hà Nội) và điểm cuối là tuyến đường tránh Thành phố Thái Nguyên, tuyến đường này sẽ chủ yếu nằm về bên phải quốc lộ 3 cũ. Hiện tuyến đường đã được quy hoạch xây dựng với chiều rộng 4 km.
   
   
  Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là đường cao tốc loại A dài hơn 61 km đi qua 3 địa phương này có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 8.104 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 6.093,1 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 2.011,3 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2013, nhưng đến ngày 18/1/2014 mới được cắt băng khánh thành và sử dụng.
   
   
  Theo thiết kế, điểm đầu của tuyến đường cao tốc này bắt đầu từ km 152+400 quốc lộ 1A mới (thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) và giao với quốc lộ 18 tại địa bàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và đi song song với đường sắt, quốc lộ 3 hiện nay ở phía Đông rồi nối với thành phố Thái Nguyên tại km 61+300. Trên tuyến có 6 nút giao thông, trong đó có 3 nút giao khác mức và 29 cầu (có 17 cầu lớn). Khi được hoàn thành, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ giảm tải cho Quốc lộ 3 cũ, tuyến đường cũng có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên.
   
   
  Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có mục tiêu là giảm thiểu ách tắc tai nạn giao thông, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, nâng cao tốc độ chạy xe, đặc biệt là đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các vùng lân cận, phục vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực phía Bắc. Hiện tại, tuyến Quốc lộ 3 mới hiện tại có 6 nút giao liên thông kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cắt ngang.
   
   
  Có mặt tại hiện trường vào lúc cuối giờ chiều, phóng viên quan sát thấy: nhà thầu thi công sau khi đổ xong một lớp nhựa đường lót đã ra về. Không có ai tại đây. Chỉ còn 1 làn đường dành cho lưu thông, còn 2 làn phía trong đã bị quay và cào bới bề mặt. “Vết vá” dài gần 30 m, thuộc km5, thuộc địa phận xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Bởi vậy, các phương tiện khi lưu thông qua đây cần chú ý, kẻo tai nạn đáng tiếc xảy ra.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
   
Bài & ảnh: Hà Thúy – Nhật Lam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Nhà thầu bóc mặt đường làm lại tại km5, sau 9 tháng sử dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO