Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để chống bão NORU

Theo Chinhphu.vn | 25/09/2022 17:25

Chiều nay, 25/9, chủ trì họp triển khai công tác ứng phó với Noru- siêu bão có thể đổ bộ vào nước ta trong những ngày tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ tuyệt đối không chủ quan. Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão, lũ.

Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để chống bão Noru - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thành lập ngay các đoàn công tác - Ảnh VGP/Đức Tuân

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết trước diễn biến phức tạp của bão, các địa phương từ Nghệ An đến Bình Định đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu thuyền với hơn 300.000 lao động.

Hiện, còn trên 739 tàu với gần 7.500 người còn hoạt động trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông. Đáng lưu ý, trong 24h tới, hệ thống giám sát tàu cá cho thấy cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm.

"Các địa phương cần đặc biệt lưu ý thông tin cho các tàu tránh trú kịp thời, tránh tình trạng bão có thể đuổi kịp khi các tàu vẫn đang di chuyển trên biển", ông Luận khuyến cáo khi cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, đến 25 km/h.

Đến trưa 25/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ, tương đương trên 868.000 người. Trong đó, các địa phương trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán trên 93.000 hộ với khoảng 369.000 người, tùy theo diễn biến của bão.

Một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm 

Thông tin tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhận định bão Noru đang hoạt động ở vùng biển Philippines với sức gió mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.

Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để chống bão Noru - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nghe báo cáo về tình hình ứng phó bão Noru - Ảnh VGP/Đức Tuân

Hiện, các dự báo quốc tế có sự thống nhất về quỹ đạo nhưng khác biệt về cường độ của bão sau khi vào Biển Đông.

Dù vậy, các mô hình dự báo thống nhất thời gian các khu vực trên chịu ảnh hưởng của bão vào khoảng chiều tối và đêm 27/9.

"Trước mắt, chúng tôi nhận định bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây. Khoảng đêm 25/9, hình thái này vào Biển Đông và từ chiều đến đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta", ông Thái nói.

Về cường độ, cơ quan khí tượng nhận định trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt sức gió mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 và ở cấp siêu bão. Sau khi vào đất liền Philippines, bão giảm 1-3 cấp do ma sát với địa hình.

Dù vậy, sau khi vào Biển Đông, hình thái này được dự báo mạnh trở lại và mạnh nhất ở thời điểm đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, sức gió mạnh nhất tới cấp 13-14, giật cấp 16.

"Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì sức gió mạnh cấp 13 và có thể ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14", ông Thái thông tin và cho biết đây dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.

So sánh trong quá khứ, chuyên gia nhận định bão Noru có sức ảnh hưởng mạnh tương tự cơn Xangsane vào tháng 9/2006, bão Ketsana vào tháng 10/2009 và bão Molave vào tháng 10/2020.

Trước mắt, các mô hình dự báo cho thấy bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4. Ngoài ra, 4 địa phương có thể ảnh hưởng gián tiếp là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Kon Tum với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để chống bão Noru - Ảnh 4.

Cuộc họp có sự tham gia của 16 địa phương ven biển theo hình thức trực tuyến - Ảnh VGP/Đức Tuân

Chuyên gia cho biết khu vực ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi được cảnh báo nguy cơ nước dâng 0,8-1,2 m. Kịch bản cực đoan, nước có thể dâng tới 1,4-1,8 m. Người dân đề phòng nguy cơ ngập tại vùng trũng, thấp tại ven biển và cửa sông các địa phương trên.

Dự trữ đủ lương thực, đề phòng bị chia cắt

Phát biểu tại cuộc họp, ý kiến của các địa phương cho thấy đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó bão. Theo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh chỉ còn 6 tàu thuyền với 52 lao động hoạt động trên biển, "sáng mai, số tàu này về nơi trú tránh an toàn". Các hồ trên địa bàn được đưa về mực nước thấp để sẵn sàng đón lũ.

Các địa phương đã tích cực chuẩn bị "4 tại chỗ", nhất là lương thực; kêu gọi lồng bè thuỷ sản di dời đến nơi an toàn.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực vùng núi cao đã bảo đảm dự trữ lương thực đủ dùng trong 1 tháng trong tình huống bị chia cắt. Vùng núi cao, tích trực lương thực đủ 1 tháng trong tình huống bị chia cắt. Đầu giờ chiều nay, tỉnh đã hướng dẫn tất cả du khách di chuyển đến nơi an toàn.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có 142 điểm có nguy cơ sạt lở cao với 8.400 hộ dân. Số hộ dân này đã được di dời.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, với kinh nghiệm từ các cơn bão trước, đối với siêu bão, việc tàu neo đậu tại cảng vẫn gặp nguy hiểm. Do đó, tỉnh đã phối hợp với Cục bảo đảm hàng hải hướng dẫn tàu di chuyển đến Phú Yên để tránh trú bão chứ không neo đậu ở Cảng Quy Nhơn như trước đây. Sáng mai, 100% tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn.

Lãnh đạo các địa phương cho biết, kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè thuỷ sản khi có bão.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các địa phương cần kích hoạt các kịch bản theo quy định. Ông đề xuất thành lập ban chỉ đạo tiền phương khi cấp độ rủi ro được xác định là cấp độ 4.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý việc sơ tán dân bởi với bão mạnh cấp 13, khi vào bờ, hầu hết nhà cấp 4 sẽ bị tốc mái hoặc bị sập đổ. Bắt đầu từ sáng mai, không cho tàu thuyền ra khơi, ông Hiệp đề nghị. Cần xem xét cả việc cấm đường bởi mưa lớn sẽ gây ra ngập lụt trong khu vực. Với cơn bão cường độ như này, các biển quảng cáo, mái tôn sẽ bị cuốn bay, nguy hiểm rất lớn. "Các địa phương căn cứ trên điều kiện cụ thể để cho học sinh nghỉ học".

Từ kinh nghiệm trước đây, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, với bão mạnh như này, rất dễ bị chia cắt. Do đó, cần chủ động "4 tại chỗ", nhất là lực lượng tại chỗ và chuẩn bị dự trữ lương thực.

Thành lập ngay các đoàn công tác

Đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động ứng phó của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, có thể giật tới cấp 17.

"Kinh nghiệm cho thấy những cơn bão với cường độ lớn từ cấp 13 trở lên ảnh hưởng rất lớn, gây nguy cơ thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân. Do đó, tinh thần là cần ứng phó sớm với cơn bão sắp tới", Phó Thủ tướng nói và dẫn số liệu năm 2017, hai cơn bão mạnh cấp 12 đã khiến 106 người chết và mất tích, thiệt hại nhiều tài sản. "Như các đồng chí phân tích, bão đến cấp 13 là nhà cấp 4 bị tốc mái".

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là các địa phương, cấp cơ sở gần dân nhất, tổ chức triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống bão. "Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác".

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện ứng phó bão Noru, với 10 nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu bám sát công điện để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác dự báo là cực kỳ quan trọng, phải tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, dự báo chính xác nhất và cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão. "Càng chính xác, kịp thời càng tốt".

Lãnh đạo các địa phương dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ.

Thành lập ngay các đoàn công tác của Ban Chỉ quốc gia về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, của các bộ, ngành trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các địa phương trọng điểm. Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Ban Chỉ huy tiền phương.

Các địa phương khẩn trương phối hợp với Bộ đội biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển để kịp thời thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn. Trong đó, cần lưu ý cả các tàu cá, tàu vận tải, tàu thuyền ven bờ để đề phòng khi bão đổi hướng khi di chuyển dọc ven bờ (rút kinh nghiệm các trận bão trước đây khi tàu vận tải cỡ lớn gặp nạn tại khu vực Quảng Bình, cảng Quy Nhơn…).

Phó Thủ tướng lưu ý, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất… "Các địa phương cần thành lập các ban chỉ đạo, đoàn công tác, từ tỉnh, thành phố đến các quận, huyện, xã". Triển khai công tác ứng phó với phương châm "bốn tại chỗ", chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, rà soát lại dự trữ, nhất là lương thực, thực phẩm. Tránh tình trạng khi bị chia cắt nhưng không có lực lượng cứu hộ kịp thời, để người dân bị đói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng theo quy định, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, công tác chỉ đạo ứng phó của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để chống bão NORU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO