Đức Thọ (Hà Tĩnh): Ngôi làng bị ngành điện… lãng quên (!?)

09/07/2018 10:05

(TN&MT) - Để có điện sinh hoạt gần 50 hộ dân ở xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã phải tự bỏ kinh phí kéo đường dây dài trên 3 km, cột điện dựng tạm bợ bằng những thân cây keo, nhành tre, thậm chí dây điện thả trôi nỗi trên mặt đất, bất chấp an toàn tính mạng. Hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn phải sống như vậy trong nỗi niềm mong ngóng sự quan tâm của ngành điện.  

Làng “ăn mày” về… điện
 

Ông Phạm Trọng Thiện, Chủ tịch UBND xã Đức Dũng xác nhận: Đúng là người dân ở thôn 10 cũ (thôn này hiện nay không còn do sáp nhập, người dân có địa giới hành chính ở gần thôn nào thì sáp nhập về thôn đó) đang cần một hệ thống lưới điện ổn định để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
 

Các công tơ điện được gắn vào nhành cây
Các công tơ điện được gắn vào cành cây

“Trước đây các hộ dân này sử dụng điện từ nhà máy Mangan đóng trên địa bàn. Nhưng từ ngày nhà máy Mangan giải thể (2010) các hộ dân nơi đây buộc phải tự kéo đường điện khác để sinh hoạt. Một số hộ kéo điện từ xã Phú Lộc (Can Lộc) sang, số hộ khác thì kéo từ trạm ở xã Đức An về. Khoảng cách từ trạm biến áp đến các hộ dân đối với gia đình gần nhất cũng trên 1 km. Có hộ phải đến 3 km”, ông Thiện thông tin thêm.
 

Do phải kéo một hệ thống lưới điện với khoảng cách quá xa người dân nơi đây buộc phải lập ra 5 nhóm điện, mỗi nhóm kéo một đường. Các cột điện cũng được dựng lên rất tạm  bợ. Ngưởi dân đã “tận dụng” những cây keo dọc đường để làm cột, dùng nhành tre để mắc công tơ. Những nơi có tường rào đường điện sẽ “bám” vào đó.  Đối với những khu vực cây cối um tùm thì dây điện được thả rong trên mặt đất…
 

Hệ thống đường điện là cành cây tạm bợ
Hệ thống đường điện là cành cây tạm bợ

Anh Nguyễn Văn Định, trưởng một nhóm điện phàn nàn: “ Tình trạng chập điện, mất điện do các sự cố xẩy ra như cơm bữa. Những lần như thế người dân buộc phải tự sửa lấy. Ai biết sửa thì tự làm, người không biết thì thuê người khác chứ không thể nhờ vào điện lực vì các sự cố đều xẩy ra từ phía sau đồng hồ điện. Làng này có người đã lập nghiệp được 30 năm, người ít cũng từng 5-7 năm nhưng chưa bao giờ có nổi một đường điện. Từ khi nhà máy mangan ngừng hoạt động thì cũng từng đó thời gian người dân buộc phải tự tìm cách để xin kéo điện về nhà”.
 

Hệ thống đường điện là cành cây tạm bợ
Hệ thống đường điện là cành cây tạm bợ

Theo tìm hiểu tại thôn 10 cũ có gần 30 chục hộ dân phải kéo điện từ trạm biến áp (TBA) ở Can Lộc. Số hộ dân còn lại sử dụng TBA tại xã Đức An.
 

Theo người dân cho biết, do đường điện kéo dài, tổn thất điện năng lớn nên người dân đã phải trả một giá điện sinh hoạt ở mức “cắt cổ”. Theo giá điện sinh hoạt ở mức cao nhất được tính cho kWh từ 401 trở lên là 2701 đồng/1kWh thì người dân nơi đây phải trả tới 19.000 đ/1kWh.
 

Muốn có điện…Huyện phải vào cuộc!
 

Ông Trần Xuân Sâm- Giám đốc Điện lực huyện Can Lộc xác nhận: Tại xã Đức Dũng (Đức Thọ) có chừng trên 30 hộ dân đang sử dụng điện từ TBA ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc. Sở dĩ người Đức Thọ phải kéo điện từ huyện Can Lộc sang là vì khu vực này quá cách xa các TBA khác của huyện Đức Thọ nhưng khá gần với TBA ở Can Lộc. 
 

Nơi cây cối um tùm, đường điện sẽ “bò” trên mặt đất
Nơi cây cối um tùm, đường điện sẽ “bò” trên mặt đất

Nói về tình trạng đường điện tạm bợ, hệ thống lưới điện mất an toàn ông Sâm khẳng định, đây là lỗi hạ tầng từ chính quyền Đức Thọ còn điện lực chỉ bán điện tại TBA .
 

“Bây giờ người dân nơi đây muốn có một đường điện ổn định thì chính quyền địa phương và huyện Đức Thọ buộc phải đầu tư rồi ngành điện sẽ giúp về kỹ thuật về công sức. Còn với chừng ấy hộ dân lại sống thưa thớt để ngành điện xây dựng cả một tuyến đường cũng TBA để kinh doanh là chuyện chưa thể”, ông Lê Sỹ Bình-Giám đốc Điện lực huyện Đức Thọ cho hay.
 

Hệ thống lưới điện tạm bợ, sự cố chập điện xẩy ra liên miên
Hệ thống lưới điện tạm bợ, sự cố chập điện xẩy ra liên miên

“Ở huyện Đức Thọ có rất nhiều xã đã về đích NTM, có nhiều dự án về đường điện mới đã được đầu tư. Ở những xã này hệ thống cột điện cũ thừa ra rất nhiều nên xã Đức Dũng cần đề xuất để xin lại các cột điện đó rồi cũng với người dân bỏ kinh phí để kéo các cột đó về dựng lên để có một hệ thống đường điện ổn định”, ông Bình thông tin thêm.
 

Nơi duy nhất có cột bê tông là cột điện “tổng” ở cạnh Trạm biến áp
Nơi duy nhất có cột bê tông là cột điện “tổng” ở cạnh Trạm biến áp

Được biết xã Đức Dũng đang phấn đấu sẽ về đích NTM trong năm 2018 nhưng đối với  hàng chục hộ dân tại thôn 10 cũ ở xã này thì chưa biết bao giờ có một đường điện đã “về đích”

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đức Thọ (Hà Tĩnh): Ngôi làng bị ngành điện… lãng quên (!?)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO