Đúc rút kinh nghiệm, tiết kiệm chi phí, dồn sức chống dịch Covid-19

Việt Hùng| 09/06/2021 14:36

(TN&MT) - Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có những chỉ đạo quan trọng về công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ. Ảnh: chinhphu.vn

Phổ biến ngay kinh nghiệp của Bắc Ninh, Bắc Giang cho các địa phương

Về tình hình dịch bệnh, báo cáo của Bộ Y tế sáng 8/6 cho biết, trong đợt dịch này, dịch bệnh đã xuất hiện ở 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 16 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 7 địa phương không có lây nhiễm thứ phát; 16 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 5817 ca mắc. Trong đó 5 địa phương ghi nhận số ca mắc cao là: TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong toả.

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 lưu ý, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM cần tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang; TP.HCM và một số địa phương lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu)… theo sát tình hình Lạng Sơn; rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại Điện Biên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng nhấn mạnh đếnvấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện nhanh. Ban Chỉ đạo nhấn mạnh việc cần tích cực chuẩn bị các giải pháp từ sớm để trong tình huống dịch xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu công nghiệp thì tổ chức xét nghiệm ngay từ những ngày đầu.

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập huấn cho công nhân, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để đề phòng trường hợp xấu, cần lấy số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn. Đặc biệt cần lưu ý thúc đẩy thí điểm sử dụng công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 qua nước bọt; tiếp cận công nghệ, phương pháp sàng lọc kết hợp xét nghiệm sinh học, quang học và trí tuệ nhân tạo (AI)...

Bên cạnh các biện pháp y tế, các thành viên Ban Chỉu đạo nhận định, nếu các địa phương kiểm soát tốt việc theo dõi người nhập cảnh thì tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, dập được dịch trong tháng 6, nhưng sẽ vẫn ghi nhận những ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng, khác với cả khoảng thời gian dài không ghi nhận ca nhiễm như trước đây.

Đặc biệt, thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, phổ biến ngay cho các địa phương, nhất là những địa bàn có nhiều khu công nghiệp để có các bước chuẩn bị, không để bị động.

Cả nước đang dồn sức chống dịch

Không bi quan dao động, đưa ra giải pháp đúng hướng, kịp thời, hiệu quả

Đó là một trong những nội dung quan trọng nhất trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Đánh giá tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành dịch vụ, du lịch, các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa.. và vẫn diễn biến khó lường, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Thống nhất nhận thức về tình hình kinh tế-xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức

Đặc biệt, không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh mà phải xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành, phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa ra nhiệm vụ giải pháp đúng hướng, phù hợp, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ; đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, ngành, địa phương. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…

Đặc biệt, cần chủ động hỗ trợ hiệu quả, thiết thực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo thẩm quyền.

Quận Ba Đình, TP.Hà Nội chuẩn bị kỹ cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới

Cắt giảm tối đa chi thường xuyên, dồn nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch

Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý; Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sớm có phương án xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng giá, nhất là các mặt hàng biến động giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu một số nội dung quan trọng trong thời gian tới như: Đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phù hợp diễn biến tình hình dịch COVID-19; Tăng cường kiểm soát người, phương tiện nhập cảnh qua các cửa khẩu Bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19

Áp dụng chế độ cho người tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19

Chính phủ thống nhất đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vaccine phòng COVID-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

Chính phủ đồng ý áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, như sau:

Về chế độ bồi dưỡng chống dịch: Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.

Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện: Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP).

Về số ngày hưởng: tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

Về thời điểm áp dụng: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021

Về nguồn kinh phí: từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đúc rút kinh nghiệm, tiết kiệm chi phí, dồn sức chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO