Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: “Nấc thang” mới trong quản lý cát sỏi tại Vĩnh Phúc

Tuyết Chinh| 02/06/2020 11:05

(TN&MT) - Thời gian qua, việc triển khai Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông được các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc quán triệt đến từng địa phương và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác

Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có 4 tuyến sông chính chảy qua (sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ). Việc khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu cát, sỏi xây dựng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cung cấp cho một số tỉnh miền Bắc.

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo thực hiện việc tạm dừng toàn bộ việc quy hoạch bổ sung, cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác mới đối với cát sỏi tất cả các tuyến sông trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Tuệ Minh, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết, hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng được siết chặt từ cuối năm 2015. Ngay từ thời điểm đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy ra Văn bản 417 chỉ đạo chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông. Đồng thời, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn bộ các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trên toàn tuyến sông Hồng. Từ việc thanh tra, kiểm tra đã rút ra được những kết luận và giao trách nhiệm cho các Sở, ngành liên quan thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật để đảm bảo nếu việc khai thác có gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân hoặc các công trình công cộng của nhà nước thì phải có trách nhiệm bồi thường. Ví dụ như thực hiện các cam kết đối với người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương trong quá trình khai thác nếu có gây thiệt hại, hư hỏng công trình công cộng thì phải bồi thường theo quy định của Nhà nước (Điều 5 của Luật Khoáng sản).

Cũng trong kết luận thanh tra, kiểm tra đã nêu rõ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm niêm yết toàn bộ hồ sơ về khai thác khoáng sản tại nơi công cộng, khu dân cư, trụ sở phường (xã) để nhân dân, chính quyền giám sát việc khai thác.

Đồng thời, doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng phải thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai số lượng, số hiệu phương tiện khai thác để chính quyền, các lực lượng chức năng giám sát việc khai thác khoáng sản, cát sỏi theo đúng giấy phép khai thác được cấp phép. Trong quá trình khai thác khoáng sản yêu cầu doanh nghiệp chỉ được khai thác trong thời gian có thể giám sát được, ví dụ như từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối.

Trên cơ sở những quy định, hướng dẫn như vậy, các hoạt động khai thác khoáng sản trên dòng sông Hồng, sông Lô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, kể cả sông Phó Đáy đã được kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả.

“Đáng chú ý là ngày 27/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 2042/UBND-NN4 về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát sỏi trên tuyến sông Lô và sông Hồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, từ đó, đảm bảo được tình hình an ninh trật tự cũng như hoạt động trên tuyến sông này”, ông Minh cho hay.

Tăng cường kiểm soát chặt khai thác cát, sỏi trên sông. Ảnh: MH

Nghị định số 23 - bước tiến mới trong quản lý cát, sỏi

Theo ông Phan Tuệ Minh, gần đây, để thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt đến các địa phương, các đơn vị khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm những nội dung này.

“Nghị định số 23 là một bước tiến nữa về tăng cường công tác quản lý cát sỏi”, ông Minh nhìn nhận và cho biết, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, các tổ chức khai thác cát sỏi để các tổ chức này chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Sở TN&MT Vĩnh Phúc cũng có Văn bản số 1183/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 14/5/2020 gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.

Trong đó, giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành cơ quan liên quan xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, thẩm định chủ trương đầu tư các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông đảm bảo phù hợp công suất khai thác thực tế, thời hạn thực hiện dự án để đảm bảo việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi.

Giao Sở Xây dựng tổng hợp tình hình nhu cầu sử dụng cát, sỏi lòng sông, cân đối cung cầu sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vâtliệu xây dựng; tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông. Phối hợp với Sở KH&ĐT xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

“Chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh giao cho các cơ quan, ban ngành khác theo thẩm quyền, chức năng của tỉnh thực hiện đầy đủ chức năng của mình trong việc quản lý, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát sỏi lòng sông”, ông Minh thông tin.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc triển khai Nghị định số 23 trong cuộc sống, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, đơn vị cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động trái pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và nhân dân; đồng thời, đảm bảo các doanh nghiệp được khai thác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng dân cư.

“Có thể nói, việc Nhà nước triển khai Nghị định số 23, siết chặt hoạt động khai thác cát, sỏi đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” - ông Phan Tuệ Minh khẳng định.

Và điều quan trọng nữa là lượng cát, sỏi hiện nay tương đối đáp ứng được nhu cầu về xây dựng trong tỉnh; cho nên giá cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh nhìn chung không tăng so với trước đây. Có thể nói là vừa đảm bảo công tác quản lý, cấp phép khai thác cát sỏi song vẫn đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng của địa phương.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: “Nấc thang” mới trong quản lý cát sỏi tại Vĩnh Phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO