Ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc: Bảo vệ tài nguyên, hài hòa lợi ích
Từ ngày 28/3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Hồng, sông Lô, từ đó, đã đảm bảo được tình hình an ninh trật tự cũng như hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 14/5/2020, Sở TN&MT Vĩnh Phúc cũng có Văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm đã quy định tại Nghị định này.
Ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc |
Trong đó, Vĩnh Phúc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, thẩm định chủ trương đầu tư các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông. Tổng hợp tình hình nhu cầu sử dụng cát, sỏi lòng sông, cân đối cung cầu sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh… phù hợp công suất khai thác thực tế, thời hạn thực hiện dự án để đảm bảo việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi khi cấp phép hoạt động trở lại. Song song với việc siết chặt các hoạt động, tôi nghĩ việc đảm bảo tốt quản lý tài nguyên và hài hòa lợi ích của địa phương, doanh nghiệp cũng rất quan trọng.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chúng tôi tăng cường thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động trái pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và nhân dân; đồng thời, đảm bảo các doanh nghiệp được khai thác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng dân cư.
Ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông): Quyết sách lớn để quản lý cát sỏi tốt hơn
Tới thời điểm này, khi Nghị định số 23 ra đời đã quy định rất chi tiết và cụ thể các chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của các địa phương cũng như các đơn vị được cấp phép khai thác cát. Đây là một quy định làm cơ sở cho địa phương có biện pháp quản lý khoáng sản khai thác cát được tốt hơn.
Ngoài ra, trong thực hiện Nghị định này còn quy định như việc phạm vi khai thác, số lượng tàu đăng ký, Camera hành trình… đây là những điều kiện để huyện có cơ sở trong thanh kiểm tra khai thác cát của cá nhân, tổ chức được cấp phép trên địa bàn của huyện.
Ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông) |
Về công tác phối hợp ở các vùng giáp danh, trước khi có Nghị định số 23, hai huyện (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) và hai tỉnh đã có quy chế phối hợp. Tuy vậy, quy chế này chưa được các sở ngành của hai tỉnh và hai huyện huyện Krông Nô, Đắk Nông cũng như huyện Krông Ana phối hợp chặt chẽ.
Hiện nay, có Nghị định số 23, có quy định về quy chế phối hợp giữa các tỉnh. Dựa trên cơ sở này, ở góc độ của địa phương, chúng tôi đề nghị tỉnh, Sở TN&MT rà soát lại các quy chế trước đây để chúng ta bổ sung những quy định của Nghị định số 23 vào quy chế mới làm sao để hai tỉnh và hai huyện giáp bờ sông có sự phối hợp chẽ hơn trong quản lý khai thác cát trên dòng sông Krông Nô…
Ông Phương Văn Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ: Doanh nghiệp minh bạch, người dân yên tâm
Trên địa bàn xã Xuân Lộc có một doanh nghiệp thực hiện việc khai thác cát trên sông Đà. Khoảng những năm 2016 về trước, mỗi khi doanh nghiệp tiến hành khai thác cát, do lo sợ việc tàu hút gây sạt lở nên nhân dân sống ven sông phản đối quyết liệt.
Để người dân yên tâm và cũng là để doanh nghiệp có thể hoạt động khai thác, năm 2017, UBND huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo UBND xã Xuân Lộc, chúng tôi cùng các đoàn thể trong xã thực hiện việc giám sát công tác khai thác này. Cụ thể, chúng tôi được giám sát việc doanh nghiệp hoạt động có đúng vị trí khai thác hay không, giờ giấc có chuẩn theo quy định, số lượng tàu khai thác có đúng không… Từ đó, nếu phát hiện ra việc doanh nghiệp khai thác không đúng giấy phép, có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, UBND xã chúng tôi sẽ báo lên UBND huyện để xin phương án ngăn ngừa xử lý.
Ông Phương Văn Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ |
Với các quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, để thi hành các quy định trong việc quản lý cát sỏi lòng sông đặc biệt là việc bảo vệ bờ bãi sông như ở địa bàn các xã ven sông. Tôi cho rằng, nếu các cơ quản quản lý, nếu các doanh nghiệp càng công khai minh bạch trong quản lý và khai thác sát sỏi, chính quyền cơ sở chúng tôi và người dân sẽ càng yên tâm để tạo điều khiện cho doanh nghiệp hoạt động, khai thác.