Đưa dự án bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Trung Trường Sơn “về đích”

Tống Minh| 26/05/2020 22:18

(TN&MT) - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất xin gia hạn Dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam” để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của dự án này.

Chiều ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp về Dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam”, do Tổng cục Môi trường thực hiện.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp

Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), được tập trung hỗ trợ cho chương trình bảo tồn loài, mở rộng diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng của 03 tỉnh, hoạt động và năng lực bảo tồn cho 07 khu bảo tồn (Đakrông và Bắc Hướng Hoá – tỉnh Quảng Trị, Phong Điền và Sao La – tỉnh Thừa Thiên Huế, Ngọc Linh, Sông Thanh và Sao La – tỉnh Quảng Nam) và 40 thôn ưu tiên nằm xung quanh các khu bảo tồn này.

Dự án gồm hai hợp phần, bao gồm: Tăng cường lập kế hoạch và quản lý đa dạng sinh học, rừng trong và xung quanh khu bảo tồn tại cảnh quan Trung Trường Sơn; Các biện pháp bảo tồn cảnh quan ở cấp cộng đồng tại các khu bảo tồn và vùng xung quanh khu bảo tồn nhằm cung cấp tài chính bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.Báo cáo chi tiết về tiến độ triển khai các hợp phần, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, về việc "Tăng cường lập kế hoạch và quản lý đa dạng sinh học, rừng trong và xung quanh khu bảo tồn tại cảnh quan Trung Trường Sơn": Dự án thành lập KBT Ngọc Linh đang được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt; dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2020.

Về xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn (KBT) cho 7 khu bảo tồn tham gia dự án: đến nay, 6/7 Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của KBT đã được phê duyệt; KBT Ngọc Linh đã được chuyển sang xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Về xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động KBT (OMP) cho 7 khu bảo tồn tham gia dự án: đến nay, OMP của 6/7 KBT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, đến nay, hiệu quả quản lý 7 KBT tham gia dự án (sử dụng công cụ đánh giá METT) đã tăng lên 32.36% (trong khi yêu cầu của Dự án là 25%). Như vậy, mục tiêu này đã hoàn thành theo kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự án vẫn bị chậm tiến độ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Vì vậy, để bảo đảm hoàn thành các kết quả đầu ra của Dự án và không làm lãng phí các nguồn lực đã đầu tư tại 3 tỉnh tham gia Dự án, Tổng cục Môi trường kính đề nghị Bộ TN&MT xem xét và có ý kiến chỉ đạo về việc gia hạn dự án để hoàn thành các hoạt động còn lại của dự án. Việc gia hạn này không làm thay đổi mục tiêu và kinh phí tổng thể thực hiện dự án.

Toàn cảnh cuộc họp

Đánh giá cao vai trò của dự án trong việc bảo vệ đa dạng sinh học ở vùng Trung Trường Sơn của Việt Nam, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan tập trung mọi nguồn lực, kiên quyết đẩy mạnh triển khai nội dung dự án.

Thứ trưởng yêu cầu, Tổng cục phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế rà soát lại yêu cầu pháp lý, quan hệ quốc tế để lập hồ sơ xin gia hạn dự án. Đơn vị thực hiện cũng cần tham vấn ý kiến bằng văn bản với 02 Bộ - Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để làm cơ sở cho việc tự ra quyết định gia hạn dự án. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản gửi kết quả cho Bộ Tài chính để làm việc với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hoàn tất các thủ tục gia hạn dự án với Nhà tài trợ.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục Môi trường cũng đồng thời phải xây dựng kế hoạch hoàn thành chi tiết tiến độ dự án đối với cả ban quản lý cấp trung ương và đốc thúc địa phương hoàn thiện. Dự án cần được hoàn thiện để đem lại hiệu quả thiết thực đối với môi trường khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa dự án bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Trung Trường Sơn “về đích”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO