Tài nguyên

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Mai Đan 20/10/2023 - 10:03

(TN&MT) - Gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản và chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động khoáng sản là những quy định của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhận được nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp trên cả nước. Từ những bất cập trong việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, nhiều cá nhân, tổ chức đã kiến nghị sửa đổi những quy định liên quan đến nội dung này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Gỡ vướng trong việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản

Góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Bùi Minh Hội - Phó Giám đốc Công ty TNHH khoáng sản Minh Tiến cho biết: Luật Khoáng sản hiện hành có nội dung “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép”, “Trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn khai thác là thời gian còn lại của Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó”.

Bên cạnh đó, điều khoản chuyển tiếp của Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: Tất cả các trường hợp Giấy phép khai thác cấp trước ngày 1/7/2011 khi hết hạn sẽ bị chấm dứt hiệu lực mà chưa loại trừ các trường hợp đủ điều kiện được phép gia hạn.

Trong khi đó, về chính sách tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, thời hạn khai thác theo giấy phép đã hết nhưng chưa khai thác hết trữ lượng, phần trữ lượng còn lại ưu tiên để gia hạn khai thác nếu đủ điều kiện”.

62-1666751744-thu-tuc-cap-giay-phep-khai-thac-khoang-san-hien-nay.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản

Tuy nhiên hiện nay tại khoản 2, Điều 130. Điều khoản chuyển tiếp trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vẫn giữ nội dung như Luật Khoáng sản hiện hành. Do đó, Công ty TNHH khoáng sản Minh Tiến kiến nghị sửa quy định này trong Dự thảo Luật theo hướng có bổ sung các trường hợp gia hạn trong điều kiện chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho đơn vị khai thác.

Đồng quan điểm với Công ty TNHH khoáng sản Minh Tiến, ông Phạm Thái Hợp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và xản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa, đại diện Hội khai thác mỏ phía Nam cho biết: Khoản 1, Điều 84. Điều khoản chuyển tiếp của Luật Khoáng sản năm 2010 hiện hành có nội dung: “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép”.

Nội dung này chưa được hướng dẫn thi hành cụ thể. Vì nếu chỉ xem xét riêng điều khoản chuyển tiếp này một cách độc lập thì mặc nhiên tất cả các trường hợp Giấy phép khai thác cấp trước ngày 1/7/2011 khi hết hạn thì sẽ bị chấm dứt hiệu lực mà chưa loại trừ các trường hợp đủ điều kiện được phép gia hạn, trong khi Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành có nội dung quy định về việc gia hạn giấy phép khai thác.

Hiện nay tại khoản 2, Điều 130. Điều khoản chuyển tiếp trong Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản vẫn giữ nội dung như Luật Khoáng sản năm 2010. Công ty nhận thấy không cần thiết phải quy định nội dung chuyển tiếp này, bởi nội dung này rất dễ bị diễn giải áp dụng theo hướng: Khi giấy phép hết thời hạn thì sẽ phải chấm dứt hiệu lực, doanh nghiệp phải đóng cửa mỏ để Nhà nước vào đấu giá. Đồng thời, nội dung này chưa đồng bộ với các nội dung về thăm dò và khai thác xuống sâu quy định tại Điều 5, Điều 72 và Điều 74 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Xem xét quy định về chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động khoáng sản

Bên cạnh những bất cập trong việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, quy định về trường hợp chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động khoáng sản cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp. Khoản 2, Điều 74 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định trường hợp Giấy phép hết hạn thuộc trường hợp bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực. Tương tự như nội dung kiến nghị trên, Công ty Cổ phần xây dựng và xản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa nhận thấy, với quy định này thì mặc nhiên tất cả các trường hợp Giấy phép hết hạn sẽ bị chấm dứt hiệu lực mà chưa loại trừ các trường hợp được phép gia hạn.

Đồng thời, khi mỏ đã bị rơi vào trường hợp bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực thì Nhà nước sẽ thực hiện đưa vào đấu giá theo quy định tại khoản 5, Điều 74 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Ông Phạm Thái Hợp kiến nghị sửa khoản 2 Điều 74 theo hướng quy định rõ chỉ áp dụng cho trường hợp “giấy phép hết hạn mà không đủ điều kiện gia hạn”. Ông lý giải, hiện nay các doanh nghiệp đều phải thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP trên toàn bộ trữ lượng được phép khai thác, thời hạn hoàn thành phải trước 5 năm (đối với giấy phép cấp trước ngày 20/1/2014, ngày hiệu lực của Nghị định 203/2013/NĐ-CP) hoặc nửa đầu thời hạn cấp phép (đối với giấy phép cấp sau ngày 20/1/2014).

Theo ông Hợp, trong khi hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ giảm sút nên sản lượng không đạt công suất khai thác theo cấp phép. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với các hộ dân, thủ tục thuê đất vướng mắc kéo dài dẫn đến hầu hết các trường hợp Giấy phép khai thác hết thời hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết trữ lượng.

img_5610.jpg
Ông Bùi Minh Hội - Phó Giám đốc Công ty TNHH khoáng sản Minh Tiến

Để tháo gỡ vấn đề này, Nghị định 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã có quy định: “Tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, thời hạn khai thác theo giấy phép đã hết nhưng chưa khai thác hết trữ lượng, phần trữ lượng còn lại ưu tiên để gia hạn khai thác…”.

Công ty Cổ phần xây dựng và xản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa kiến nghị sửa khoản 2, Điều 74 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như trên nhằm đảm bảo quyền lợi công bằng cho các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng đã cấp phép. Đồng thời cũng đảm bảo đồng bộ với các nội dung quy định thăm dò và khai thác xuống sâu tại Điều 5, Điều 72 và Điều 74 của Dự thảo Luật.

Trước những kiến nghị trên, ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ nghiên cứu và bổ sung vào khoản 2 Điều 130 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: "Trường hợp còn trữ lượng và tổ chức cá nhân có nhu cầu tiếp tục khai thác, việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản hoặc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của Luật này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO