Việc Nhà nước ta chọn thời điểm mở cửa trước ngày lễ thiêng liêng của dân tộc và nhằm dịp cả đất nước đang hân hoan chào đón tháng Tư lịch sử với hàng loạt sự kiện được tổ chức càng tăng thêm ý nghĩa, hợp lòng dân, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh lễ hội, vui chơi sôi nổi diễn ra trên toàn quốc thì cùng với việc “mở cánh cửa” ra cộng đồng, một số người dân cũng mở lại cả thói quen xả rác nơi công cộng.
Nhiều bức ảnh tổng hợp từ các khu du lịch ghi lại cảnh ngập ngụa rác thải trong và sau kỳ nghỉ. Mẫu Sơn, Sapa, Điện Biên, Hải Hòa, Hải Tiến, Sầm Sơn, phố đi bộ Hồ Gươm, công viên Yên Sở, các bãi biển Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Đà Lạt ngàn hoa… người đông như rác rác đông như người. Người ở đâu rác xuất hiện ở đấy. Người đi bỏ rác ở lại. Nhẽ vì đông rác quá mà sau ngày hội của người là “ngày hội” của rác và sau “ngày hội” của rác là “ngày hội” của những người dọn dẹp, công nhân môi trường.
Bởi không gian công cộng không biết đánh thuế con người nên con người vô tư xả rác đã đành, ở những nhà nghỉ, khách sạn, thậm chí resort “hái tiền” của khách những dịp này cũng phải than phiền trước vấn nạn xả rác vô ý thức của khách du lịch lưu trú. Mới đây trên một hội nhóm du lịch, vì quá bức xúc trước cảnh khách ăn uống bừa bãi trong phòng nhưng không dọn dẹp, khi trả phòng để lại đống rác khổng lồ, một nhân viên villa ở Đà Nẵng đã đưa các hình ảnh lên nhóm kèm lời chia sẻ: "Mình ở nhà ăn ở ra sao thì đến thuê villa cũng nên ăn ở như thế, kể cả có người dọn, thu phí dọn cũng nên vun gọn gàng vào cho người dọn đỡ khổ, chứ khách như này sau gặp lại booker bọn em xách dép chạy 3 hồn 7 vía".
Có tiền đi du lịch nhưng quên đem theo ý thức”, “Người hiện đại mà ăn ở như người rừng”, “Nên đặt cọc tiền phòng để khấu trừ những trường hợp kiểu này”… chỉ là 3 trong số hàng trăm coment phản đối hành vi xả rác trên. Đáng tiếc, những trường hợp như thế này không hề hiếm gặp, nhất là với hình thức homestay và villa, khi khách tự nấu nướng, ăn uống trong phòng.
Đặt cọc tiền phòng để khấu trừ là một ý tưởng hay, nhưng không thể khả thi khi trăm ngàn dịch vụ du lịch nở rộ sau thời gian dài đóng cửa, ngổn ngang cạnh tranh và trong thời buổi khách hàng là thượng đế thì việc đặt cọc tiền phòng là điều không một cơ sở nhà nghỉ, khách sạn nào dám thực hiện. Đó là chưa kể, chủ khách sạn, vila có thể đòi tiền cọc, còn môi trường công cộng, bãi biển, công viên, điểm du lịch thì biết thu tiền đặt cọc ra sao?
Và cho dù có thu phí hay không, dù khách sạn, villa, homestay… có quy định dọn dẹp hay không thì việc tự giữ nơi ở gọn gàng, sạch sẽ và giữ vệ sinh nơi công cộng là hành vi tối thiểu của một con người có ý thức. Con người tiến bộ, văn minh hơn động vật khác ở chỗ vượt lên được, khống chế được các hành vi mang tính bản năng. Khi người ta vô tư thực hiện hành vi bản năng của mình đồng nghĩa với việc tự loại bỏ mình khỏi môi trường văn minh nhân loại.
Rác không tự nó sinh ra mà được sinh ra từ hành vi và ý thức của con người, nhiều hay ít đều do cách ứng xử của con người. Khép bớt lại những thói quen bản năng, tự đánh thuế bản thân trước môi trường có thật sự khó hay không, có thực hiện được không hay vẫn chỉ là những lý tưởng vẽ vời trên giấy? Và khi con người không tự đánh thuế được bản thân thì đâu là giải pháp để đánh thuế con người khi họ xâm phạm thô bạo tới môi trường bằng hành vi xả rác?
Mở cửa du lịch song hành mục tiêu du lịch bảo vệ hệ sinh thái và môi trường là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Nhưng nếu người dân cứ du lịch mông muội, du lịch thiếu ý thức, kém văn minh thì bao giờ con tàu Du lịch xanh mới về ga đến.