Du lịch Thừa Thiên - Huế “hồi sinh” mạnh mẽ

Văn Dinh| 09/05/2022 16:24

Du lịch - ngành “công nghiệp không khói” quan trọng của Thừa Thiên – Huế đang dần được hâm nóng trở lại sau giai đoạn “đóng băng” do COVID – 19, với hàng loạt chương trình, hoạt động mới và chất lượng, thu hút đông đảo du khách đến với Cố đô.

Lượng khách tăng mạnh và ổn định

Thực tế, trong giai đoạn “đóng băng” vì COVID-19, ngành du lịch địa phương vẫn có các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh khá ổn định. Từ tháng 12/2021, Thừa Thiên - Huế triển khai đón và phục vụ khách đến từ các vùng dịch an toàn, tiếp tục kích cầu du lịch nội tỉnh như một thử nghiệm để sau đó dần “mở cửa” phù hợp với tình hình thực tế. Các hoạt động du lịch của địa phương được khôi phục từng bước và cho thấy hiệu quả khi lượng khách tăng dần trong điều kiện vẫn đảm bảo được an toàn phòng, chống dịch.

z3274399764146_a84ce59f2b15b527bfe8dfce4b2b12e1(1).jpg

Lượng khách du lịch đến Huế đang tăng mạnh sau COVID - 19

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách đến Huế duy trì ổn định. Thống kê cho thấy, quý I năm 2022, Thừa Thiên - Huế đón gần 300.000 lượt khách, trong đó có hơn 4.600 khách quốc tế, khách lưu trú đạt hơn 157.000 người, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 479 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 428.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 7,7 nghìn lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 716 tỷ đồng, tăng 15,6%; trong đó có khoảng 30% lượng khách tham quan di tích, tăng 32% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tỉnh đã cho tổ chức nhiều hoạt động mới và hấp dẫn như Festival Thuận An biển gọi, Ngày hội vùng cao A Lưới, Ngày hội Huế - Kinh đô ẩm thực, tổng số du khách đến tỉnh ước đạt 55.000 lượt khách (ngoài ra, các điểm di tích thuộc khu di sản Huế đón được 39.089 lượt người); doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng. Khách lưu trú ước đạt 32.000 lượt (trong đó có gần 800 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn từ 3-5 sao đạt xấp xỉ 60% (riêng trong 2 ngày 30/4 và 1/5 công suất trên 90%). Những con số trên cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực và ổn định của du lịch vùng đất Cố đô Huế.

z3277015498358_d2193bdd8b23307f34b08f2506cbfb7e(1).jpg

Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức ở các điểm di tích

Trong đầu tháng 4, Huế đã tổ chức thành công giải thi đấu thể thao có thương hiệu “Marathon VnExpress Huế 2022”, thu hút 5.000 người khắp cả nước tham gia. Liên minh các công ty du lịch ở Huế vừa ra mắt dịch vụ thưởng ngoạn sông Hương trên du thuyền với tên gọi “Trà chiều trên sông Hương” giúp du khách vừa thư giãn, vừa thưởng trà, bánh phong cách Huế, đồng thời chiêm ngưỡng đôi bờ sông tuyệt đẹp.

Một điểm nhấn trong việc phục hồi du lịch ở Huế là gần cuối tháng 4 vừa qua, phố đi bộ “không rượu bia” trong Hoàng thành Huế chính thức hoạt động, sau khi khai trương đã thu hút rất đông người dân và du khách đến trải nghiệm vào mỗi cuối tuần. Một số điểm du lịch khác của tỉnh như Làng Bạch Mã, EcoYesHue – Thác Mơ Nam Đông, Khu lưu niệm Lê Bá Đảng... được mở cửa trở lại và đón lượng khách khá lớn.

Từ ngày 1/4 đến hết ngày 1/6/2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giảm 50% giá vé thuyết minh hướng dẫn tại các điểm di tích cho đoàn khách từ 20 người trở lên; giảm 50% giá vé xem biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại Nội Huế. Hiện có 4 chương trình hoàn toàn miễn phí và diễn ra hàng ngày tại khu di sản Huế là Lễ đổi gác ở phía trước Ngọ Môn, chương trình nghệ thuật Âm sắc cung đình và Huế xưa biểu diễn tại sân đại triều Điện Thái Hòa, biểu diễn Ca Huế tại cung Trường Sanh và trình diễn trích đoạn tuồng cổ tại di tích Nhật Thành Lâu.

_mg_0106(1).jpg

Phố đi bộ trong Hoàng thành Huế vừa mở cửa đã thu hút đông đảo du khách

Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế cũng có các chương trình kích cầu, thu hút khách du lịch. Cùng với tour tham quan, trải nghiệm di sản Huế, Sở Du lịch bảo trợ và phối hợp với Hội Lữ hành tỉnh và các địa phương tổ chức đoàn Famtrip, khảo sát sản phẩm mới ở một số huyện như Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Nam Đông...

Trong tháng 4/2022, lượng khách du lịch ước đạt 139.000 lượt, tăng 30% so với tháng trước, khách quốc tế 3.000 lượt, tăng 78% so với tháng trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt 241,3 tỷ đồng, tăng 21% so với tháng trước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp tục phục hồi vững chắc

Kể từ năm 2022, một trong những điểm nhấn của Thừa Thiên - Huế là Festival 4 mùa. Các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ Festival Huế được tổ chức liên tục, kéo dài suốt cả năm.

Đặc biệt, Tuần lễ Festival Huế 2022 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 25 đến ngày 30/6 tới đây sẽ quy tụ nhiều chương trình lễ hội, sự kiện hấp dẫn và các đoàn nghệ thuật đặc sắc không chỉ trong cả nước mà quốc tế tham dự.

278395103_1905623542954072_2167763118433011510_n(1).jpg

Các loại hình du lịch sinh thái dự báo sẽ đón nhiều khách trong dịp hè tới, trong ảnh là Khu du lịch sinh thái EcoYesHue ở Nam Đông

Hiện, Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực xây dựng hình ảnh “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - thành phố Festival”. Đứng trước làn sóng du lịch được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong những tháng hè sắp tới, các ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh với các phương tiện xanh, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái; kết hợp khuyến khích người dân cùng du khách mặc trang phục áo dài truyền thống khi tham quan các điểm di tích; vận động các tiểu thương chợ Đông Ba thể hiện thái độ thân thiện, mến khách, không nói thách giá với du khách, mặc áo dài khi bán hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh để tạo nền tảng, cơ sở vững chắc làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng. Trong giai đoạn mới, ngành du lịch của địa phương cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức trong xác định mục tiêu phát triển, hướng đến hình thành một ngành du lịch đẳng cấp. Ngành cũng cần có kế hoạch truyền thông, thông điệp tuyên truyền cho du lịch Huế, nhấn mạnh an toàn để khai thác du lịch, lâu dài sẽ phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam.

img_3130.jpg

Điểm đến hàng đầu cho du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam là điều mà Thừa Thiên – Huế đang cố gắng hướng đến

Theo ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, dự báo lượng khách đến Huế trong thời gian đến sẽ tăng cao, khi bước vào mùa du lịch hè, các loại hình du lịch biển, sinh thái gắn với suối thác vào mùa, nhất là dịp cuối tháng 6 khi có nhiều hoạt động cao điểm của Festival Huế.

“Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ, đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh, an toàn cho du khách, trực đường dây nóng hỗ trợ du khách 24/7 để tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ, xử lý kịp thời các vụ việc phản ảnh liên quan đến môi trường du lịch trên địa bàn, thường xuyên cập nhật thông tin về các sự kiện lễ hội và sản phẩm, điểm đến du lịch mới của tỉnh trên các kênh truyền thông của ngành du lịch (website, fanpage, zalo, youtube, tiktok có tên chung Visit Hue) để du khách, các đơn vị lữ hành và cộng đồng địa phương tiếp cận dễ dàng. Cụ thể, trong tháng 5 sẽ có một số đoàn khách đầu tiên từ Pháp, Singapore và Thái Lan do các hãng lữ hành quốc tế tổ chức tour đến Huế”, ông Phúc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Thừa Thiên - Huế “hồi sinh” mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO