Hội thảo nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch Bình Định so với cả nước trong giai đoạn hiện nay; nhìn rõ cơ hội và thác thức; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới; đề xuất những chính sách, giải pháp hỗ trợ, đưa ngành du lịch Bình Định phát triển đột phá.
Trong thời gian qua, du lịch Bình Định đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về hệ thống doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, hạ tầng du lịch. Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Lượng khách du lịch, tổng thu, đóng góp của du lịch vào GDP ngày càng tăng.
Tính đến cuối năm 2019 (trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra), khách du lịch đến tỉnh Bình Định đạt gần 5 triệu lượt khách (tăng bình quân 16,7%/năm), doanh thu du lịch đạt 6.000 tỷ đồng (tăng bình quân 55,1%/năm); đóng góp của hoạt động du lịch vào tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh là 18%.
Quý I năm 2022, tỉnh Bình Định đón được gần 1 triệu lượt khách, tăng 27% và doanh thu đạt 1.312 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Đặc biệt là dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 Âm lịch vừa qua, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tỉnh Bình Định đón gần 79 nghìn lượt khách, xếp vị trí thứ nhất trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Về dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Để phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn trước hết cần tập trung một số giải pháp:
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung xây dựng môi trường du lịch “xanh” đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường.
Tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách, chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực du lịch và phương án sẵn sàng đảm bảo du lịch an toàn, hiệu quả. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới. Tăng cường hiệu quả trong việc liên kết Bình Định - Phú Yên - Quảng Ngãi - Gia Lai, Liên kết Bình Định với Hà Nội, thành phố Hồ Chí minh và các tỉnh trọng điểm miền Trung.
Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn” và chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn".
Xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau giai đoạn Covid-19, giúp doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch, lữ hành. Tiếp tục ban hành các chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư các cơ sở dịch vụ phục vụ như trung tâm thương mại - mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, nhà hàng. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch đặc biệt là cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp phù hợp nhu cầu, xu hướng mới của du khách. Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Với những chiến lược như vậy, du lịch Bình Định nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung sẽ nhanh chóng ‘‘hồi sinh’’ sau khủng hoảng Covid-19, tận dụng tối đa cơ hội ‘‘vàng’’ trong mở cửa hiện nay để điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn, mới mẻ và ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển các ngành, lĩnh vực khác, tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.