(TN&MT) - Tài nguyên biển và du lịch là hai lĩnh vực vừa bổ trợ cho nhau, lại vừa dễ nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Du lịch khởi sắc mang lợi ích kinh tế đã hỗ trợ việc bảo tồn và phát triển tài nguyên biển. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng bộ, khai thác cạn kiệt nhưng lại thiếu đầu tư tại các địa phương ở ven biển miền Trung đang gây áp lực lớn đến môi trường, cảnh quan biển, đảo.
Sinh thái biển đang vị tàn phá
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, được xem như là một trong những vùng biển có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình. Năm 2013 khi Lý Sơn hòa lưới điện quốc gia, lượng du khách đến với hòn đảo này tăng đột biến. Trong năm 2016, huyện đảo đón hơn 165.000 du khách trong và ngoài nước, tăng 37,5 lần so với năm 2010. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, có hơn 210.000 du khách ra đảo Lý Sơn tham quan, nghỉ dưỡng. Cơ hội đến với Lý Sơn quá nhanh và bất ngờ khiến cho hòn đảo gặp phải vô vàn thách thức trong công tác bảo tồn.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, chia sẻ: Do quá nóng vội theo nhu cầu của khách du lịch ra đảo nên huyện đã muốn có ngay các nhà đầu tư đến để kinh doanh các dịnh vụ nhà nghỉ, khách sạn, vui chơi, giải trí… Việc các nhà nghỉ, khách sạn mọc lên ồ ạt, tùy tiện đã phá vỡ quy hoạch và cảnh quan sinh thái trên đảo.
“Lý Sơn vẫn chưa chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để bước vào chặng đường làm du lịch chuyên nghiệp, hay nói cách khác là vẫn còn làm du lịch theo kiểu “cơm hàng cháo chợ”, hết sức bị động. Du lịch phát triển nóng với việc xây dựng các công trình dân dụng, dân sinh, dịch vụ thiếu quy hoạch làm cho di sản địa chất trên đảo Lý Sơn bị biến dạng”- ông Lê Văn Ninh thừa nhận.
15 năm trở lại đây, những cánh rừng phòng hộ ven biển miền Trung đã bị người dân, kể cả chính quyền địa phương thi nhau chặt phá để cấp đất cho các dự án xây dựng resort, khách sạn. Để đến bây giờ, cái giá phải trả là những bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè nhưng rồi cũng bị sóng biển đánh tả tơi.
Hàng trăm mét bờ biển tại bãi biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã bị nước biển xâm thực và cuốn trôi nhiều công trình du lịch, có đoạn sâu đến 15 m là hệ lụy đã thấy rõ. Nhìn những những đoạn kè nơi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cùng sự tham gia hàng ngàn ngày công của người dân địa phương chỉ qua 1 trận bão lũ lại bị sóng dữ cuốn phăng, nhiều người không khỏi xót xa. Nguy cơ biển Cửa Đại bị xóa sổ trong tương lai đã hiển hiện ngay trước mắt nếu như không có giải pháp dài hơi thay vì nay đắp chỗ này, mai sạt chỗ kia. Nhiều cuộc hội thảo, tham vấn chuyên gia để cứu biển Cửa Đại nhưng chưa tìm ra một giải pháp lưỡng toàn.
Tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), bãi biển được Tạp chí Forber của Mỹ bầu chọn là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh cũng xem ra không khá hơn. Vừa bước đến khu vực có cống nước thải đổ ra biển, mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi. Trước mắt là một dòng nước đem ngòm từ trong ống cống cứ thế chảy xối xả ra bãi biển mang theo nào là túi ni lông, rác… Cả một bãi cát dài trắng mịn bị xé toạc, tạo thành một dòng kênh rộng hơn 5m, dài cả chục mét cho nước thải đổ thẳng ra biển. Vừa qua, Sở TN&MT Đà Nẵng đã đề xuất khung hình phạt tối đa lên đến 700 triệu đồng đối với Tổ hợp khách sạn Kim Long Nam lén xả thải trực tiếp ra biển cho thấy chính quyền Đà Nẵng đang rất đau đầu với ô nhiễm biển do du lịch và hạ tầng phát triển quá nóng.
Khai thác du lịch trên nền tảng bền vững
Không thể phủ nhận, sự phát triển nhanh của ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tốc độ cao trong khi nguồn lực còn hạn chế đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên. Theo bà Đỗ Thu Trang (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù được lồng ghép vào định hướng phát triển tổng thể về kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương, nhưng do thiếu sự thống nhất trong khai thác các nguồn lực nên du lịch của vùng đứng trước nguy cơ phát triển kém bền vững.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Trương Sỹ Vinh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan lập quy hoạch các khu du lịch, điều tra, xác lập khu vực môi trường du lịch bị ô nhiễm trên địa bàn. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, an ninh trật tự, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn mình phụ trách.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Khoa học - Xã hội Nam Trung bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) cho biết: “Chúng ta phải tính toán trong khuôn khổ khả năng đáp ứng được du lịch, cả sức chứa du lịch đó là bao nhiêu, như sức chứa về lượng khách, về xây dựng để làm sao không phá vỡ không gian truyền thống và nguyên sơ của biển, đảo”.
Ông Lê Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đang quyết liệt chấn chỉnh hoạt động khai thác du lịch. Đồng thời, thuê chuyên gia nước ngoài phối hợp với sở, ngành của Quảng Ngãi lập quy hoạch Lý Sơn phát triển theo hướng đô thị biển xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Qua quy hoạch cũng sẽ xác định vùng bảo tồn biển, để phát triển du lịch biển dựa trên khám phá về biển, khám phá thiên nhiên. Khi quy hoạch này được phê duyệt chúng ta sẽ có định hướng phát triển cụ thể. Việc phát triển huyện đảo Lý Sơn trên cơ sở bảo tồn thiên nhiên và văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh thái”- ông Lê Văn Ninh khẳng định.
Trên thực tế, một số đảo nổi tiếng ở Ðông Nam Á đã phải tạm ngừng đón khách du lịch để bảo vệ hệ sinh thái trước nguy cơ bị hủy diệt do bị khai thác quá đà trong khi nhà quản lý chưa có giải pháp xử lý môi trường, quy hoạch thiếu đồng bộ. Vì thế, để các giá trị, cảnh quan, hệ sinh thái của địa phương không bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình phát triển du lịch, mỗi dự án cần tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, đánh giá những tác động trên nhiều phương diện. Từ đó, chọn phương án thích hợp nhất với điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người của từng địa phương. Chỉ có như vậy, phát triển du lịch mới thật sự cân bằng với bảo tồn trong khai thác nguồn lực ven biển.