Dự báo sát, nhận định sâu để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn

Tuyết Chinh| 02/07/2020 16:05

(TN&MT) - Mưa lũ lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng đối với các tỉnh miền núi; nguy cơ mất an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hệ thống đê điều… Do vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu, cần dự báo sát và chính xác, đồng thời đưa ra những bản tin nhận định sâu để triển khai phương án ứng phó.

Mưa lớn ở Trung Quốc ít tác động đến phía Bắc của Việt Nam

Những ngày vừa qua, mưa lũ lớn đang xảy ra tại miền Nam Trung Quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn cho thấy, số liệu mưa thực đo tại các trạm khí tượng phát báo quốc tế trong tháng 6/2020 tại một số tỉnh ở Trung Quốc phổ biến như sau: tỉnh Hồ Bắc từ 300-400m; Trùng Khánh, Quý Châu, Quảng Tây từ 200-400mm; riêng trạm Guilin thuộc Quảng Tây đạt trên 600mm.

Sử dụng nguồn dữ liệu vệ tinh GSMaP, ước tính tổng lượng mưa tháng 6/2020 một số tỉnh ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng của lũ lụt cho thấy, lượng mưa phố biến như sau: Trùng Khánh có tổng lượng mưa từ 200mm-300mm, Quảng Tây là 500mm-600mm có nơi >700mm, tỉnh Quý Châu từ 250mm-300mm; còn lại Vân Nam và Hồ Bắc dưới 250mm.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin nhận định sâu hơn

PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân của các đợt mưa lớn trong 2 tuần qua ở khu vực phía Đông và phía Đông Nam của Trung Quốc là do tác động của một dải mây Front; gọi là Front Mei-yu đã được rất nhiều các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản nghiên cứu; Front Mei-yu ít tác động đến khu vực phía Bắc của Việt Nam.

Lưu vực sông Hồng bắt đầu từ Trung Quốc. Hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tiếp nhận thông tin về mực nước, lưu lượng và lượng mưa từ 5 trạm thủy văn: Nguyên Giang, Mạn Hảo trên sông Nguyên (thượng lưu sông Thao); Thổ Khả Hà, Tứ Nam, Kim Thủy Hà trên sông Lý Tiên (thượng lưu sông Đà).

Theo ông Khiêm, trong 7 ngày qua, mực nước tại các trạm thủy văn trên có xu thế biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy điện phía thượng lưu, không xuất hiện lũ, lượng mưa trung bình ngày phổ biến 10mm-30mm.

Trong quá khứ, lũ lớn xuất hiện trên lưu vực sông Lý Tiên và sông Nguyên trên lãnh thổ Trung Quốc chảy truyền về đã gây lũ bất thường trên sông Đà và sông Thao như 2008,2015,2018. Tuy nhiên, lũ xuất hiện không đồng bộ, khi truyền về lãnh thổ Việt Nam, dòng sông được mở rộng, dòng chảy lũ có tổn thất và bẹt sóng lũ, các đợt lũ này không gây lũ lớn trên toàn lưu vực sông Hồng.

Lũ lớn trên BĐ3 lưu vực sông Hồng-Thái Bình được hình thành khi xuất hiện tổ hợp nhiều hình thế thời tiết gây mưa lớn (như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh áp thấp…) kết hợp với nền chân lũ ở mức cao trong nhiều ngày. Dòng chảy lũ từ Trung Quốc không đóng góp nhiều trong sự hình thành lũ lớn trên lưu vực sông Hồng mà sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp diễn biến lũ trên nền lũ cao đã được hình thành.

Mưa bão ở Bắc Bộ tập trung vào tháng 8 – 10/2020

Nhận định về mùa mưa bão năm 2020, ông Khiêm cho biết, tình hình mưa bão trong năm nay sẽ tương đối phức tạp. Đối với khu vực Bắc Bộ trong mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10, có khoảng từ 1-2 áp thấp nhiệt đới/bão ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ giai đoạn từ tháng 8-10/2020.

PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định tình hình mưa bão năm 2020 tương đối phức tạp

Dự báo, tháng 7/2020 lượng mưa phổ biến ở mức thiếu hụt khoảng từ 10-25%; tháng 8, tháng 10, tháng 11/2020 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN); tháng 9 cao hơn TBNN từ 15-30% so với TBNN, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ ở mức xấp xỉ so với TBNN. Tháng 12/2020 phổ biến thấp hơn từ 15-30% so với TBNN.

Thời kỳ nửa đầu tháng 7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Đỉnh lũ trên các sông có thể đạt mức báo động (BĐ) 1, sông suối nhỏ mức BĐ2.

Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ cuối tháng 7-10/2020 phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2019.

Lũ trên các sông suối nhỏ thuộc hệ thống sông Hồng-Thái Bình ở mức BĐ3 và trên BĐ3. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Nhận định chung tổng lượng mưa tháng có xu thế ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN, tuy nhiên theo số liệu thực tế cho thấy mưa lớn trong một thời gian ngắn đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn.

Nguy cơ khi có mưa lũ lớn?

Làm rõ những nguy cơ khi có mưa lũ lớn những nguy cơ khi có mưa lũ lớn tại khu vực miền Bắc, những khó khăn và thách thức trong công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, ông Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan với 08 đợt (101 trận) dông lốc sét kèm theo mưa đá trên diện rộng làm chết 19 người, hư hỏng 56.908 ngôi nhà, nhiều hoa màu, tài sản của nhân dân; 04 trận động đất và đặc biệt đã xảy ra mưa lũ lớn vào đêm 23 rạng sáng ngày 24/4 làm 03 người chết và mất tích tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Mưa lũ lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng có thể xảy ra đối với các tỉnh miền núi; nguy cơ mất an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hệ thống đê điều...

Dự báo sát, nhận định sâu để chủ động ứng phó

Xác định mưa lũ lớn bất thường, không theo quy luật sẽ xảy ra nhiều hệ luỵ ứng phó với mưa lũ, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN cho rằng, cơ quan dự báo phải dự báo sát và chính xác để triển khai phương án ứng phó. Nếu sơ tán giữa lực lượng quân đội, công an, phối hợp với các địa phương để điều chỉnh cho phù hợp.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT họp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị ứng phó sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn

Để chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống, ông Hùng đề nghị Ban Chỉ đạo chủ trì chỉ đạo phối hợp với các lực lượng, tuyên truyền đến người dân trong chỉ đạo, ứng phó, mưa lũ bất thường, công tác chỉ đạo của các cấp, nhất là các khu vực phải di dời dân, các vị trí có nguy cơ sạt lở; công tác chuẩn bị vật chất cho công tác ứng phó, kịp thời cứu trợ người dân…

Trước diễn biến mưa bão có thể bất thường, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin nhận định sâu hơn.

Các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tổng kiểm tra toàn bộ vật tư, lực lượng, máy móc, thiết bị luôn sẵn sàng, không bất ngờ. Tất cả các tuyến đê từ cấp III đã được rà soát, phương án ứng phó trọng điểm xung yếu...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão, những tồn tại trước đây đã được xử lý, hạ lưu hồ Hòa Bình ko còn lồng bè, đã sẵn sàng phương án xả lũ.

Các hồ thủy điện nhỏ đề nghị yêu cầu địa phương, Sử Pán 1 xả lũ đứt cầu và ko được cảnh báo; nhiều công trình như hồ Hố Hô, hệ thống còi hạ du, mốc lũ, hệ thống điện thoại gửi tin nhắn đến người có trách nhiệm, diễn tập, phối hợp với địa phương khi xả lũ, kiểm tra cho phép việc tích nước để đảm bảo an toàn; phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.

Bộ Công Thương lưu ý về van toàn khai thác khoáng sản có phép, trái phép, khu vực thường xuyên bị sạt lở, sập hầm lò.

Các cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời tới người dân về mưa lũ ở Trung Quốc để người dân nắm được thông tin, tránh tâm lý hoang mang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo sát, nhận định sâu để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO